Trung bình khoảng cách giữa nam và nữ ở bốn chỉ số đo lường bình đẳng giới (bao gồm sức khỏe, giáo dục, kinh tế và chính trị) đã được rút ngắn 68% và với tốc độ như hiện nay, mất đúng 100 năm nữa, khoảng cách này mới có thể bị xóa bỏ hoàn toàn.

Theo báo cáo hằng năm về khoảng cách giới toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố.

Con số năm nay kém lạc quan hơn con số của năm ngoái là 83 năm. Hai phương diện thách thức nhất trong thực hiện bình đẳng giới là các cơ hội về kinh tế và vai trò trong chính trị.

Theo báo cáo, khoảng cách giữa hai giới trong chỉ số về chính trị - được tính bởi tỷ lệ nam - nữ trong quốc hội và chính phủ - là lớn nhất. Khoảng cách này hiện nay mới thu hẹp được 23% nhưng lại có những tiến bộ rõ rệt và trong gần 100 năm nữa có thể biến mất. Ba nước đứng đầu về bình đẳng giới trong báo cáo năm nay, gồm Iceland, Nauy và Phần Lan, đều có điểm chung là tỷ lệ nam - nữ gần như cân bằng trong quốc hội và chính phủ.


Việt Nam xếp thứ 69 trên tổng số 144 quốc gia được khảo sát, tụt 5 bậc so với năm ngoái. Ở phương diện chính trị, phụ nữ Việt Nam chỉ chiếm 4% vị trí lãnh đạo các Bộ. Về phương diện kinh tế, thu nhập hằng tháng của nữ giới chỉ bằng 90% của nam giới nếu ở cùng một vị trí, và chế độ đãi ngộ dành cho nữ giới chỉ bằng khoảng 60% so với nam giới. Ở khu vực Đông Nam Á, thứ hạng của Việt Nam xếp sau Singapore (65) và Lào (64). Philipines là quốc gia Đông Á duy nhất lọt vào top 10 về bình đẳng giới với khoảng cách về giáo dục và y tế giữa nam và nữ gần như bằng 0 trong hơn 10 năm qua.



Bình đẳng giới được cho là gắn liền với sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia. Nguồn: Saigoneer.com
Bình đẳng giới được cho là gắn liền với sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia. Nguồn: Saigoneer.com

Trong khi đó, khoảng cách về kinh tế - bao gồm các chỉ số về tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ phụ nữ làm những công việc chuyên môn và kỹ thuật, vị trí của họ trong tổ chức và chế độ đãi ngộ - đã rút ngắn được 58% tính trung bình cho tất cả các nước, nhưng phải mất 217 năm nữa để phụ nữ bình đẳng với nam giới về phương diện này. So với năm ngoái, khoảng cách này ngày càng rộng ra. WEF dự đoán, phụ nữ có nguy cơ mất việc nhiều hơn nam giới và mặc dù thu nhập toàn cầu đang tăng lên, nhưng nam giới vẫn có mức tăng nhanh hơn. Ngoài ra, phụ nữ chỉ chiếm 22% vị trí lãnh đạo trong các công ty, tổ chức.

Năm nay, lần đầu tiên WEF kết hợp với mạng xã hội nghề nghiệp Linkedin trong việc thực hiện báo cáo này. Nhờ đó, họ có thể định lượng sự tham gia của hai giới trong từng ngành nghề cụ thể. Nam giới thường “lép vế” trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, trong khi nữ giới lại “lép vế” trong những ngành sản xuất, chế tạo, xây dựng và công nghệ thông tin.

Trong cộng đồng người sử dụng Linkedin, chỉ có khoảng 23% thành viên có bằng cấp liên quan đến công nghệ thông tin là nữ và con số này là 16% trong ngành sản xuất, chế tạo. Nguyên nhân cho vai trò khiêm tốn của nữ giới trong các lĩnh vực này là định kiến xã hội về việc lựa chọn nghề nghiệp của họ và môi trường làm việc không thân thiện.


Phụ nữ mang lại thịnh vượng cho doanh nghiệp và quốc gia

Báo cáo của WEF đưa ra các con số gắn liền bình đẳng giới với sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia. Trong đó, những doanh nghiệp có 1/4 người trong ban điều hành là phụ nữ sẽ có lợi nhuận cao hơn đến 47% so với những nơi không có phụ nữ trong ban lãnh đạo. Ở tầm vĩ mô, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh tế đã góp phần tăng trưởng GDP cho nhiều quốc gia, cụ thể là Anh (thêm 250 triệu USD vào GDP) và Mỹ (thêm 1.750 USD vào GDP).

Một báo cáo gần đây của của Liên đoàn Lao động thế giới (ILO) về những xu hướng nghề nghiệp của phụ nữ trong năm 2017 cũng chỉ ra rằng, doanh thu từ thuế trên toàn thế giới sẽ tăng 1,4 nghìn tỷ USD, trong đó phần lớn (940 triệu USD) đến từ các nền kinh tế đang phát triển, nếu như rút ngắn khoảng cách về kinh tế của nữ giới thêm 25%.

Trả lời phỏng vấn của Khoa học và Phát triển, Till Leopold - tác giả chính của báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2017 - chia sẻ, phụ nữ luôn được kỳ vọng là những người gánh vác chính trong việc chăm sóc trẻ em và người già cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong gia đình, đó nghiễm nhiên là “trách nhiệm” của họ; còn ở ngoài xã hội, đó là nghề nghiệp luôn bị trả lương thấp so với mặt bằng chung. Điều này ngăn cản phụ nữ tiến xa hơn trong nghề nghiệp và có thu nhập cao hơn. WEF đang cố gắng thay đổi nhận thức của xã hôi về tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ em và người già đối với nền kinh tế, đặc biệt là khi dân số thế giới đang có xu hướng già hóa. Từ đó, phụ nữ không chỉ được hỗ trợ nhiều hơn, trả công xứng đáng hơn mà sẽ thu hút cả nam giới tham gia những công việc này.