Nằm sâu trong rừng nhiệt đới, cách thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) hơn 1.000 km, là thành phố Gbadolite tàn tạ với gần 200 ngàn dân cư.

Cảnh hoang tàn đổ nát tại dinh thự của Mobutu ở Gbadolite. Ảnh: Sean Smith
Cảnh hoang tàn đổ nát tại dinh thự của Mobutu ở Gbadolite. Ảnh: Sean Smith

Hơn 50 năm trước, đây chỉ là một ngôi làng nhỏ của khoảng 1.500 dân sống trong những ngôi nhà làm từ gạch bùn. Nó thậm chí còn không được đánh dấu trên bản đồ, đến khi Mobutu Sese Seko (1930 – 1997) lên làm Tổng thống. Trong một thập kỷ, Gbadolite đã lột xác trở thành một đô thị phồn hoa rực rỡ với sân bay, khách sạn năm sao, trung tâm mua sắm, bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị công nghệ cao và những dinh thự nguy nga.

Mobutu Sese Seko nắm được quyền lực từ năm 1965 sau một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, và đưa đất nước (khi ấy gọi là Zaire) đi theo chế độ độc tài quân phiệt. Trong ba thập niên cai trị, ông đã tích lũy được khối tài sản cá nhân khổng lồ nhờ tham nhũng. Để củng cố quyền lực, Mobutu chủ trương xây dựng một hệ thống bảo trợ phúc lợi khá tốt cho người dân, và tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Tận dụng mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, ông đã được các định chế tài chính quốc tế như IMF hỗ trợ đáng kể, bất chấp tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng cùng nạn lạm phát leo thang, …

Theo ước tính, Mobutu đã biển thủ khoảng 5 tỷ USD từ ngân khố quốc gia (một số nguồn cho rằng con số này có thể còn lên tới 15 tỷ USD). Nhờ đó, ông thoải mái sở hữu nhiều dinh thự sang trọng trên khắp thế giới, thường xuyên đi nghỉ dài ngày và mua sắm tại những chốn xa hoa như Disneyworld, Paris, … với gia đình và cận thần trên chiếc Boeing 747 hoặc Concorde thuê riêng. Trong số các bất động sản nổi tiếng của Mobutu có một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ XVI ở Tây Ban Nha, một cung điện 32 phòng ở Thụy Sĩ, các dinh thự ở Paris, Riviera (Pháp), Bỉ, Ý, Bờ Biển Ngà, Bồ Đào Nha, … và không thể không kể đến cơ ngơi độc đáo ngay tại quê nhà (Gbadolite).

Nhờ ý chí của nhà độc tài này, ngôi làng hẻo lánh nằm sát biên giới với Cộng hòa Trung Phi ngày nào bỗng chốc biến thành một thị trấn phồn hoa, mang danh “điện Versailles giữa rừng già” (Versailles of the Jungle). Tại đây, Mobutu đã cho xây dựng ba tòa cung điện lớn lát toàn đá cẩm thạch và sử dụng nội thất phong cách cổ điển nhập khẩu từ châu Âu, một nhà nghỉ 100 phòng cho gia đình, một sân bay với đường băng đủ rộng và dài cho máy bay Concorde cất/hạ cánh, cùng một boongke chống bom hạt nhân có sức chứa hơn 500 người. Nơi này còn được trang bị dịch vụ điện thoại vệ tinh và truyền hình màu, một bệnh viện chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thuê chuyên gia người Đức điều hành, và cả một nhà máy đóng chai Coca-Cola. Vào thời hoàng kim, Gbadolite là nơi diễn ra vô số dạ tiệc xa hoa với rượu sâm-pank Taittinger, cá hồi cùng nhiều loại thực phẩm hảo hạng khác do các đầu bếp Congo lẫn châu Âu chế biến, được phục vụ bằng băng chuyền, … Nó cũng vinh dự vì đã tiếp đón Giáo hoàng John Paul II, Nhà vua Bỉ Baudouin, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros Ghali, vua tự xưng Jean-Bédel Bokassa của Cộng hòa Trung Phi, ông trùm truyền hình Pat Robertson, nhà tài phiệt dầu mỏ David Rockefeller, ông trùm buôn kim cương Maurice Tempelsman, giám đốc CIA William Casey và rất nhiều nhân vật quyền lực.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mobutu đã có công giúp phương Tây ngăn chặn Liên Xô tiếp cận nguồn tài nguyên giàu có ở Trung Phi. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ cùng các đồng minh không còn sẵn sàng tài trợ cho ông ta nữa. Thay vào đó, họ bắt đầu gây sức ép buộc Mobutu phải dân chủ hóa chế độ. Chính quyền Bush (cha) thậm chí còn từ chối cấp thị thực cho ông đến thăm Washington D.C. Năm 1996, Mobutu sang Thụy Sĩ điều trị bệnh ung thư. Khi trở về, ông bị quân nổi dậy với vũ khí và được các lực lượng láng giềng hậu thuẫn lật đổ. Mobutu đào thoát sang Togo, sau đến Maroc và qua đời tại đó ở tuổi 66.

Khách sạn Motel Nzekele hiện vẫn mở cửa cho du khách với giá 50 USD/phòng/đêm. Ảnh: Sean Smith.
Khách sạn Motel Nzekele hiện vẫn mở cửa cho du khách với giá 50 USD/phòng/đêm. Ảnh: Sean Smith.

Phiến quân đã đập phá tan hoang dinh thự của Mobutu ở Gbadolite và lấy đi nhiều thứ có giá trị. Nhà máy đóng chai Coca-Cola, nơi đã từng mang lại công ăn việc làm cho gần 7.000 người, bị đóng cửa vĩnh viễn và sau được Liên Hợp Quốc thuê làm cơ sở hậu cần; khách sạn 5 sao Motel Nzekele trong tình trạng vô chủ đã xuống cấp thảm hại; ghế ngồi trong rạp chiếu phim thì thủng lỗ chỗ; sân bay từng một thời nhộn nhịp về cơ bản đã không còn hoạt động (chỉ để phục vụ hai ba chuyến hàng cứu trợ bằng máy bay nhỏ của LHQ mỗi tuần). Rừng bắt đầu bao phủ trở lại, dây leo quấn đầy những cây cột trụ phong cách La Mã, khu vực hồ bơi nhiều tầng thì chi chít dòi bọ và ấu trùng xanh, … Gbadolite phồn hoa ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức.

Tuy nhiên, không ít người dân tại nơi này vẫn bày tỏ sự yêu mến đối với Mobutu và tiếc nuối quá khứ hoàng kim. Họ tình nguyện coi sóc khu nhà đổ nát của ông và thi thoảng làm công việc hướng dẫn du khách tham quan để kiếm thêm chút tiền. Một số ý kiến còn than thở về sự hủy diệt tàn nhẫn tại Gbadolite. Như Olenghankoy, chủ tịch Đảng Lực lượng đối lập Liên minh và Đoàn kết của DRC, chia sẻ: “Mobutu là một người đàn ông. Tuy ông ấy đã mất nhưng tất cả những thứ này chính là tài sản quốc gia và cần được bảo vệ. Sai lầm của quân nổi dậy là đã phá hủy và cướp đi mọi thứ. Họ làm vậy để xóa ký ức về Mobutu, nhưng quá khứ thật ra nên được trân trọng. Dù tích cực hay tiêu cực thì nó vẫn là một phần trong lịch sử của chúng ta, cho nên cần phải được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau một cách trung thực”.