Các nhà sử học và khảo cổ học cho biết thành phố cổ thời tiền Colombia được người Inca gọi là Huayna Picchu.

Ảnh: Independent
Tàn tích Machu Picchu và đỉnh núi Huayna Picchu. Ảnh: Independent

Trong một bài báo được xuất bản mới đây trên Ñawpa Pacha: Journal of Andean Archaeology, một nhà sử học Peru và một nhà khảo cổ học hàng đầu của Mỹ cho biết kể từ khi được phát hiện cách đây hơn một thế kỷ, chúng ta đã gọi nhầm tên địa điểm này. Theo họ, cư dân Inca gọi di sản thế giới UNESCO này là Huayna Picchu - tên của một đỉnh núi nhìn ra tàn tích - hay chỉ đơn giản là Picchu.

Cụ thể, ông Donato Amado Gonzales ở Bộ Văn hóa Peru và GS Brian S Bauer ở Đại học Illinois Chicago cho biết, họ đã rà tên các địa danh trên bản đồ thế kỷ 19, thông tin trong các tài liệu thế kỷ 17 và ghi chép thực địa giai đoạn đầu của nhà thám hiểm Mỹ Hiram Bingham - người khám phá ra thành cổ Inca - và nhận thấy rằng không có một nguồn nào gọi tên địa điểm này là Machu Picchu.

Hầu hết các nhà khảo cổ học tin rằng Machu Picchu vốn là một dinh thự nghỉ dưỡng mùa hè cho hoàng đế Inca Pachacutec (1438–1472). Người Inca xây dựng dinh thự này vào khoảng năm 1450 nhưng đã bỏ hoang chỉ sau đó một thế kỷ. Phải đến năm 1911, khi sử gia người Mỹ Hiram Bingham phát hiện và đưa nó đến với công chúng thì Machu Picchu mới trở thành một điểm thu hút khách du lịch quan trọng bậc nhất Peru.

Nhiều sử gia hiện đại cho rằng Bingham chỉ có công đưa Machu Picchu trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới, thực tế người dân địa phương trước đó vẫn rất quen thuộc với địa danh này. Tuy nhiên, Gonzales và Bauer cho biết những phát hiện của họ chứng minh rằng vào thời điểm Hiram Bingham khám phá ra Machu Picchu, đây vẫn là một địa danh xa lạ, ngay cả đối với người dân địa phương sống ở vùng Cusco của Peru.

“Chúng tôi bắt đầu băn khoăn về việc, trước khi Bingham ‘phát hiện' ra di tích thì tên gọi của nó là gì? Vì vậy, chúng tôi bắt đầu xem xét một số bản đồ và atlas có niên đại trước mốc thời gian Bingham khảo sát di tích", Bauer nói. “Có dữ liệu quan trọng cho thấy thành phố Inca từng được gọi là Picchu, hoặc nhiều khả năng hơn, là Huayna Picchu". Cụ thể, một tập bản đồ năm 1904 - bảy năm trước khi Bingham đến Peru - đã đề cập đến tàn tích của một thị trấn Inca cổ có tên Huayna Picchu.

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cho biết, vào năm 1911, Bingham đã được người dân kể về một tàn tích mang tên Huayna Picchu dọc theo sông Urubamba trước khi ông rời Cusco để tìm kiếm địa điểm này. Trong cuốn sổ ghi chép của mình, Bingham đã thuật lại cuộc trò chuyện giữa ông với Adolfo Quevedo, người đứng đầu một thị trấn gần đó và gọi khu di tích là "Huayna Picchu".

Những nhầm lẫn

Vậy vì sao Bingham gọi tên di tích này là Machu Picchu? Thực chất, Machu Picchu và Huayna Picchu là tên gọi của hai đỉnh núi quanh khu vực thành phố cổ. Tuy tàn tích của người Inca không được nhiều người dân địa phương trong vùng Cusco biết đến, nhưng những ngọn núi ở hai bên thành phố từ lâu đã rất nổi tiếng. Đỉnh núi nhỏ và dốc phía sau tàn tích được gọi là 'Huayna Picchu', trong khi đỉnh lớn hơn, dốc về phía nam được gọi là 'Machu Picchu'.

Nhìn từ trên không của Machu Picchu, nằm giữa núi Huayna Picchu và núi Machu Picchu.
Di tích Machu Picchu nhìn từ trên không, nằm giữa núi Huayna Picchu và núi Machu Picchu.

Sự lẫn lộn bắt đầu xuất hiện khi vài ngày sau cuộc trò chuyện với Adolfo Quevedo, một nông dân địa phương đã đến gặp Bingham và báo cáo rằng có một số tàn tích mang tên “Huayna Picchu” ở gần đó. Người này nói thêm cũng có những tàn tích khác trên đỉnh núi Machu Picchu (mặc dù những tàn tích này hóa ra có phạm vi nhỏ hơn nhiều so với những tàn tích nằm gần Huayna Picchu). Sau đó, Bingham đã viết “Maccu Piccu, Huayna Pichu” vào trong sổ ghi chép của mình để chỉ địa điểm này.

Khi Hiram Bingham lần đầu được dẫn đến khu di tích Inca cổ đại, với mong muốn xác nhận đâu là tên gọi đúng, ông đã yêu cầu một chủ đất địa phương ghi tên của địa điểm vào nhật ký thực địa của mình. Người chủ đất đó, Melchor Arteaga, đã viết “Macho Pischo” (Machu Picchu). “Vì ông Arteaga sống ở chân núi và đã từng đến thăm khu di tích này trước đây, nên không có lý do gì để Bingham nghi ngờ về độ chính xác của tên gọi này", các tác giả phân tích. Nhưng có lẽ lúc bấy giờ Arteaga đã hiểu nhầm ý của Bingham, tưởng rằng ông đang hỏi về tàn tích trên Machu Picchu. Từ đó trở đi, địa danh này mắc kẹt trong tên gọi đó. Đến năm 1912, con trai của một chủ đất nói với Bingham rằng thực ra tàn tích được gọi là Huayna Picchu.

Năm 1990, học giả người Andes, John Rowe, là người đầu tiên sử dụng các tài liệu lưu trữ để lập luận rằng "Machu Picchu" là tên gọi sai. Trong một số bức thư và tài liệu, những mối liên hệ chính xác nhất với tên gọi ban đầu của thành phố Inca vẫn còn được lưu giữ trong các tài liệu được viết bởi những người Tây Ban Nha ngay sau khi họ chiếm Cusco vào cuối thế kỷ 16. Lúc bấy giờ họ đã đề cập đến một thị trấn cổ của người Inca được gọi là "Picchu".

Cho đến nay, đỉnh núi mang tên Huayna Picchu vẫn là một phần của địa điểm khảo cổ và du khách có thể đi bộ lên đỉnh để có được cái nhìn bao quát nhất về tàn tích trên dãy núi.

Mặc dù nghiên cứu có khả năng thúc đẩy các cuộc tranh luận mới, nhưng một số nhà sử học cho rằng việc thay đổi tên các địa điểm là điều bình thường. “Chúng ta có thể tạo ra và thay đổi một cái tên, điều này không tạo ra nhiều khác biệt”, Natalia Sobrevilla, giáo sư lịch sử Mỹ Latinh tại Đại học Kent, nói. “Hiện tại Machu Picchu là một thương hiệu lâu đời gắn liền với bản sắc của người Peru, vậy chúng ta thay đổi nó một lần nữa làm gì?”, bà đặt câu hỏi.

Nguồn: