Tại thời nữ hoàng Victoria trị vì (1837 – 1901), mặc dù không có những dịch vụ truyền hình hiện đại như Netflix (1), nhưng người Anh cũng đã biết sáng tạo cách xem phim nhiều tập độc đáo của riêng mình, nhờ vào một loại “đèn lồng phép thuật”.

Đèn lồng phép thuật (magic lantern) có thể được xem là một phiên bản sơ khai của máy chiếu (projector), cho khả năng hiển thị hình ảnh 3D, và cả hình động (gần giống định dạng GIF ngày nay), nhằm phục vụ cho hoạt động giải trí của con người. Bởi vì những chiếc đèn thường có giá thành rất cao, cho nên hầu hết các nhà sử học đều tin rằng chỉ những hộ gia đình giàu có mới đủ điều kiện sở hữu chúng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây lại cho thấy, các gia đình trung lưu cũng thường xuyên thuê đèn lồng phép thuật cho tiệc sinh nhật, kỳ nghỉ lễ và nhiều sự kiện xã hội khác. Kết quả trên đã được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội nghiên cứu về thời kỳ Victoria tại Đại học Exeter (Anh Quốc).

Đám đông tụ tập xem phim chiếu bằng đèn lồng phép thuật.
Ảnh: Bill Douglas, Bảo tàng phim ảnh/Đại học Exeter

Giáo sư John Plunkett (chuyên ngành Anh văn, ĐH Exteter) đã tổng hợp nhiều bài báo có từ thời Victoria và phát hiện thấy điều thú vị trên sau khi đọc được một loạt quảng cáo đèn lồng phép thuật, chứng tỏ người dân Anh đã hay thuê chúng cùng những cuộn phim đi kèm để chiếu tại các dịp lễ như Giáng sinh hay sinh nhật trẻ nhỏ.

Do ngày càng phổ biến, những chiếc đèn đã được bày bán nhiều tại các cửa hàng, bên cạnh nhiều cuộn phim mới được thuê để chiếu trong nhà thờ, tòa thị chính hay hộ gia đình. Nội dung của các cuộn phim thường được chuyển thể từ tiểu thuyết, chẳng hạn “A Christmas Carol” của Charles Dickens, hay chứa hình ảnh về những vùng đất xa xôi như Ai Cập.

Mặc dù bắt đầu được sử dụng từ thế kỷ XVI, nhưng phải đến giữa thế kỷ XIX, khi những người thợ đo kính, nhiếp ảnh gia và kinh doanh văn phòng phẩm ở Anh bắt đầu tìm thuê và sử dụng chúng, những chiếc đèn lồng phép thuật mới được phổ biến và lan truyền rộng rãi.

Trong những năm 1850, người ta bắt đầu cho thuê thêm kính nhìn nổi (stereoscope) - giúp hiển thị hình ảnh nhìn từ mắt trái và mắt phải trong cùng một khung hình để tạo ra ảnh nổi 3D. Hoạt động cho thuê đèn, phim và kính nổi đã trở thành một ngành kinh doanh vô cùng phát đạt dưới thời Victoria, nhờ vào sự yêu thích đặc biệt của người dân và các gia đình giành cho chúng.

Plunkett đã tìm thấy mục quảng cáo đèn lồng phép thuật đầu tiên trên tờ Morning Post (năm 1824), khi một người thợ đo kính trên phố Oxford (London) đăng tin “cho thuê đèn trong một buổi tối”. Trong một mẩu quảng cáo khác (năm 1843), Thomas Bale - thợ sửa đồng hồ kiêm thêm nghề đo kính tại Bristol - đã treo bảng cho thuê đèn lồng phép thuật cùng những cuộn phim về chủ đề thiên văn học, Kinh thánh, lịch sử tự nhiên và hoạt họa (truyện tranh). Vào thời đó, những nhà kinh doanh đèn lồng và phim như Bale đã có thể dựng được cả một hệ thống màn hình với khả năng trình chiếu đến 100 cuộn phim trong một đêm, thậm chí còn có nhạc và người thuyết giảng đi kèm.

Kim tự tháp Giza, Ai Cập. Ảnh: Bill Douglas, Bảo tàng phim ảnh/Đại học Exeter

Tuy nhiên, việc lắp đặt những chiếc đèn lồng phép thuật cũng không hề dễ dàng. Ban đầu, để trình chiếu các cuộn phim, người ta phải sử dụng ánh sáng từ một ngọn nến. Về sau, do nhu cầu về nguồn sáng mạnh hơn, các nhà phát minh đã nghĩ ra giải pháp thay thế bằng cách đốt đá vôi với hỗn hợp khí gồm có oxy và hydrogen (chứa trong các túi) - mặc dù việc này rất nguy hiểm và đã có nhiều vụ tai nạn cháy nổ liên quan đến đèn lồng xảy ra, nhưng người ta vẫn thường xuyên thuê và lắp chúng trong nhà; ngoài ra cụm từ “in the limelight” (ở vào trung tâm của sự chú ý) cũng được ra đời từ đó.

Lúc đầu, tần suất thuê đèn và phim ở tầng lớp trung lưu rất bị giới hạn do giá thành quá cao so với mức sống của họ, và lại càng đắt đỏ hơn nếu thuê người lắp đặt; nhưng qua thời gian, chúng ta đã dần trở nên ở trong tầm giá phải chăng hơn.

Sau này, do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt với sự ra đời của phim điện ảnh (năm 1920), những chiếc đèn lồng phép thuật đã bị chìm vào quên lãng. Nhưng rõ ràng, cách hàng thế kỷ trước khi các dịch vụ như DVD hay Netflix trở nên phổ biến, dân Anh dưới thời Victoria đã cho thấy họ là những người rất biết cách tạo ra xu hướng.

(1). Netflix là dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu (có trả phí), khi DVD và đĩa Blu-ray được gửi qua thư điện tử bởi Permit Reply Mail. Công ty được thành lập từ năm 1997 và có trụ sở đặt tại Los Gatos, California. Hiện tại, dịch vụ của Netflix đang được triển khai tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, Syria, Bắc Triều Tiên và Crimea; Tính tới tháng 7/2018, Netflix đã có hơn 130 triệu người theo dõi trên toàn cầu, trong đó 57,38 triệu ở Mỹ; Doanh thu của Công ty (năm 2017) ước đạt 11.692 tỷ USD, tuy nhiên nợ dài hạn cũng lên tới 21.9 tỷ USD do phải đầu tư quá nhiều chi phí, đặc biệt về mặt nội dung.