Khi đã sang dốc bên kia của cuộc đời, Frances Glessner Lee mới dấn thân vào giới điều tra vốn chỉ dành cho đàn ông. Bà giống như cô Marple bước ra đời thực từ tiểu thuyết của nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie.

Sinh ra vào năm 1878, Frances lớn lên ở một con phố giàu sang bậc nhất ở Chicago, trong một dinh thự rộng gần 2.000m2 hiện là bảo tàng. Cha bà là Phó Chủ tịch của International Harvester – công ty chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp và xây dựng, còn mẹ là một thợ kim hoàn lành nghề. Bà cùng người anh đều học gia sư tại nhà. Sau này, anh trai tới Harvard học còn bà thì không, đơn giản vì cha mẹ bà tin rằng “một quý cô không cần học nhiều”.

Frances đành gác lại giấc mộng học luật hoặc y khoa và tuân theo khuôn mẫu của các thiếu nữ thượng lưu thời đó. Bà được dạy cách quán xuyến gia đình, là một bà chủ nhà hào phóng, làm đồ thủ công. Bà đã thể hiện năng khiếu chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất cùng tài năng nghệ thuật lớn qua món quà sinh nhật tặng mẹ: mô hình thu nhỏ Dàn nhạc Giao hưởng Chicago gồm 90 thành viên, mỗi nhạc công đều có điểm khác biệt, cầm nhạc cụ thu nhỏ cùng bản nhạc nhỏ.

Tới tuổi 20, bà kết hôn với một luật sư là bà con xa của người cha. Nhưng cuộc sống hôn nhân kìm kẹp khiến Frances ngạt thở, nên bà đã ly hôn lúc hơn 30 tuổi. Bà sống luân phiên ở nhiều nơi, trong đó có Boston. Tại thành phố này vào đầu những năm 1930, bà đã có nhiều cuộc trò chuyện với tiến sĩ George Magrath, một người bạn học thân thiết của anh trai mình tại Harvard. Từ đây, Francesđã tìm được hướng đi mới cho cuộc đời: điều tra án mạng.

Frances Glessner Lee (1878-1962) - đang thiết kế mô hình lập thể tái dựng hiện trường án mạng. Nguồn: Nhà Glessner
Frances Glessner Lee (1878-1962) - đang thiết kế mô hình lập thể tái dựng hiện trường án mạng. Nguồn: Nhà Glessner

Magrath là nhân viên giám định pháp y kỳ cựu của quận Suffolk, học nghề ở châu Âu. Ông đã làm chứng trong khoảng 2.000 vụ án và điều tra 21.000 ca tử vong trong suốt sự nghiệp của mình. Những câu chuyện ông kể về nguyên nhân tử vong đáng ngạc nhiên mà cảnh sát vụng về bỏ sót, vụ giết người được ngụy trang thành tự tử hay đôi khi cảnh sát nhầm lẫn tự tử với giết người, niềm đam mê của ông đối với hoạt động trong cơ thể người và chúng tiết lộ manh mối gì về cái chết và địa vị xã hội của nạn nhân đã khiến Frances mê mẩn.

Bà bắt đầu đi theo Magrath trong các cuộc khám nghiệm tử thi và hiện trường vụ án, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và theo dõi luật pháp của từng tiểu bang liên quan tới điều tra tử vong. Frances muốn thay thế hệ thống giám định viên tử thi chắp vá, thường là những người không được đào tạo về y khoa mà lại đưa ra quyết định quan trọng về nguyên nhân tử vong.

Áp phích cho “Giết người là sở thích của cô ấy". được trưng bày ở cuộc triển lãm năm 2017 tại Renwick của Smithsonian về sự ra đời của pháp y hiện đại, trưng bày 19 hiện trường vụ án có kích thước bằng ngôi nhà búp bê của Frances Glessner Lee.
Áp phích cho “Giết người là sở thích của cô ấy". được trưng bày ở cuộc triển lãm năm 2017 tại Renwick của Smithsonian về sự ra đời của pháp y hiện đại, trưng bày 19 hiện trường vụ án có kích thước bằng ngôi nhà búp bê của Frances Glessner Lee.

Được thừa hưởng gia tài kếch xù sau khi cha mẹ qua đời, bà đã tài trợ cho trường Harvard để thúc đẩy khoa pháp y được thành lập, đồng thời đưa người bạn Magrath về làm giáo sư. Đây là chương trình đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, giảng dạy các phương pháp tiên tiến để phân tích vết máu bắn tung tóe, hóa học thuốc súng... Tâm nguyện của bà là đảm bảo rằng tất cả nạn nhân – đàn ông hay phụ nữ, giàu hay nghèo – đều được điều tra đầy đủ và công bằng. Bà quyết tâm theo đuổi sứ mệnh này, bất chấp nhiều khó khăn cản trở bà tại Harvard và các sở cảnh sát địa phương trên cả nước.

Đến năm 1936, việc đào tạo nhân viên giám định pháp y đã tiến triển tốt. Tuy nhiên, các vụ tử vong do bạo lực vẫn chưa được giải quyết vì lực lượng hành pháp không biết cách xử lý hoặc thậm chí là xác định bằng chứng y khoa có liên quan. Vì thế, Frances đã mở Hội thảo Harvard về Điều tra án mạng (sau đổi tên thành Hội thảo của Hiệp hội Harvard về Khoa học Cảnh sát và ngày nay vẫn tổ chức), thiết kế nội dung theo nhu cầu của cảnh sát. Bà tổ chức các hội thảo kéo dài một tuần và quản lý chương trình giảng dạy. Không quá hai sinh viên từ một tổ chức được phép tham dự. Ban đầu hội thảo chỉ dành cho nam giới, nhưng đến năm 1949, với sự kiên trì của Frances, phụ nữ đã được mời tham gia.

Tại đây, các chuyên gia sẽ thuyết trình về mọi vấn đề liên quan tới điều tra tử vong, bao gồm xác định danh tính nạn nhân, xác định thời điểm tử vong, vai trò của thông tin đó trong quá trình điều tra và kỹ thuật thẩm vấn. Tuy nhiên, do những hạn chế về thời gian, lo ngại về quyền riêng tư và không có khả năng một vụ án mạng xảy ra trong lúc diễn ra hội thảo, việc đào tạo thực hành cho người tham gia không thể tiến hành. Điều này đã thúc đẩy Frances tạo ra các mô hình hiện trường vụ án, một công cụ giảng dạy mà bà gọi là Nghiên cứu tóm lược cái chết không được giải thích.

Một mô hình lập thể tái dựng hiện trường án mạng. Nguồn: CC
Một mô hình lập thể tái dựng hiện trường án mạng. Nguồn: CC

Để tạo ra mô hình, Frances thường pha trộn các chi tiết từ một số câu chuyện có thật. Bà nghiên cứu vụ án thông qua tin tức trên báo, phỏng vấn cảnh sát và nhân viên nhà xác. Bà thể hiện các vụ tự tử ngoài đời thực như tử vong do tai nạn, vụ giết người thành vụ tự tử tiềm năng. Bà thậm chí còn tạo ra những cái chết hư cấu.

Mỗi hiện trường vụ án đều xuất hiện rất nhiều bằng chứng vật chất, nhưng với kiến thức và kỹ thuật phù hợp, các điều tra viên có thể được đào tạo để xác định và thu thập bằng chứng theo hệ thống. Bà hy vọng Nghiên cứu tóm lược của mình sẽ có ích. Mục đích ở đây không phải là giải quyết vụ án trong mô hình, mà là quan sát và nhận thấy các chi tiết quan trọng lẫn bằng chứng tiềm năng – những thứ có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra.

Bà bắt tay làm mô hình đầu tiên vào năm 1943: “Vụ án người nông dân treo cổ” mất ba tháng lắp ráp, nguyên liệu là những mảnh gỗ hỏng và ván cũ lấy từ một nhà kho 100 năm tuổi. Sau đó là mô hình bà nội trợ nằm sõng xoài trên sàn bếp, một bộ xương nằm trên giường cháy đen... Đi kèm mỗi mô hình là bản ghi chú, nêu rõ một số khía cạnh của vụ án. Đây đều là những công cụ đầy thách thức nhưng hiệu quả đối với người học pháp y. Họ phải cẩn thận xác định manh mối giữa những thông tin sai lệch trong các buổi đào tạo kéo dài 90 phút. Frances thường gợi ý họ quan sát theo hình xoắn ốc co lại theo chiều kim đồng hồ – áp dụng cho các hiện trường vụ án để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ bằng chứng nào.

Ralph Mosher, thợ mộc toàn thời gian của bà, đã làm các hộp, nhà, căn hộ, tủ quần áo, cửa sổ, sàn nhà và bất kỳ món đồ gỗ cần thiết nào. Phần còn lại sẽ do Frances lo liệu, gồm cả hình nhân. Bà tô màu lên khuôn mặt của búp bê để phản ánh mức độ phân hủy; tỉ mỉ vẽ tay từng nhãn, biển báo và lịch. Chi tiết trong mỗi mô hình thật đáng kinh ngạc. Đèn bật sáng, mở tủ ra thấy quần áo vải lanh, que đánh trứng và cán lăn. Bà còn đan hoặc may tất cả quần áo mà từng hình nhân mặc, tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để làm điều này.

Mỗi năm, Frances cùng Mosher tạo ra ba mô hình. Người ta cho rằng đã có 20 mô hình được làm ra, nhưng giờ chỉ còn lại 18 cái. Trong số đó, 11 mô hình miêu tả nạn nhân là phụ nữ, tất cả đều tử vong vì bạo lực.

Sau khi khoa pháp y ở Harvard bị giải tán vào năm 1967, các mô hình này đã được chuyển tới Văn phòng của Trưởng giám định y khoa ở Đại học Maryland và tiếp tục sứ mệnh đào tạo của mình.

Nguồn:

bostonglobe, deathindiorama, smithsonianmag