Những câu chuyện được truyền tải trong cuốn "Sụp đổ" của Jared Diamond dường như mang tính vĩ mô, khi tác giả nhìn nhận, phân tích, đánh giá sự thành công hay thất bại của các xã hội dựa trên khả năng con người khai thác thiên nhiên như thế nào và khả năng tái tạo của thiên nhiên đến đâu.

Một đặc trưng tiêu biểu về lịch sử của các xã hội loài người ngay từ buổi hoang phục là những thách thức sống còn được đặt ra trước những lựa chọn của thời cuộc và biến đổi của môi trường sống. Ít nhất cho đến khi các cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ tại châu Âu và Hoa Kỳ, khi khoa học và công nghệ có thể giúp nhân loại kiểm soát tốt hơn và giành thế chủ động hơn với những biến động của thiên nhiên; thì hầu như các xã hội loài người phải chấp nhận những quy định bởi điều kiện sinh cảnh và môi trường nơi họ tồn tại. Xu hướng nghiên cứu lịch sử nhân loại trong các mối liên hệ với điều kiện sinh thái nhân văn dường như là một trend đang ngày càng phổ biến ở các diễn đàn khoa học, đặc biệt là trên phương diện khoa học đại chúng. Tinh thần này cũng được thể hiện trong các tác phẩm của Jared Diamond như Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người; Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào; hay Biến động - Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào...

jjjjk
“Sụp đổ” thuộc trọn bộ 5 tác phẩm nổi bật của Jared Diamond đã được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Omega+

Trong bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả một cuốn sách không phải là mới nhất nhưng quen thuộc của Jared Diamond, đó là Sụp đổ. Không còn là câu chuyện của súng, vi trùng và thép - nơi các dịch bệnh đến từ xã hội nông nghiệp Á-Âu có thể quét sạch những đế chế nông nghiệp tiền Colombo ở cả Mexico và Peru hiệu quả hơn nhiều so với màn phô diễn của những conquistador mặc giáp trụ cưỡi trên lưng ngựa với lưỡi gươm thép và súng hỏa mai trong tay tại Otumba (1520) và Cajamarca (1532); cũng không còn là cuộc đối đầu về ưu thế dựa trên nông nghiệp và công nghệ giữa hai thế lực Cựu Thế Giới và Tân Thế Giới; giữa lục địa Á-Âu so với những vùng rừng mưa xích đạo khó trồng trọt ngũ cốc ở Papua; thay vào đó, Diamond tập trung vào những thách thức mà các xã hội truyền thống đã phải đối mặt để từ đó cho thấy những ví dụ cả về thành công cũng như thất bại và mất mát trước những lựa chọn và thử thách của thời cuộc.

Dễ dàng nhận thấy, tinh thần xuyên suốt của cuốn sách này là mối quan hệ và tương tác giữa thiên nhiên và xã hội loài người. Hầu như trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, đời sống xã hội tiền công nghiệp luôn nhạy cảm trước các biến động hay thay đổi của thời cuộc thiên nhiên. Điều này càng trở nên rõ nét trong các xã hội nguyên thủy, du mục, săn bắn, hái lượm. Ngay cả tại các xã hội nông nghiệp, thiên nhiên luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự hưng thịnh hay lụi tàn của các cộng đồng dân cư.

Là một nhà địa lý và sinh vật học, Jared Diamond cho thấy mối quan tâm và hứng thú hơn bao giờ hết với những xã hội thiểu số và kém phát triển, đặc biệt là những xã hội vẫn còn duy trì nếp sống mang tính thị tộc bộ lạc nơi thiên nhiên vẫn được bảo tồn phần nào tương đối nguyên vẹn trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt. Đó là lý do vì sao, các trường hợp nghiên cứu thường được ông nhắc đến là những thị tộc và cư dân vùng đảo Polynesia, Maori hay các bộ tộc mục vụ du mục, săn bắt hái lượm ở châu Phi. Mặc dù vậy, không thiếu các nghiên cứu trường hợp của các xã hội phức tạp hơn như nền văn hóa Anasazi ở Tây Nam Hoa Kỳ, văn minh Maya tiền Colombo hay những khu định cư của người Viking tại Greenland và cả Nhật Bản dưới thời Mạc phủ Tokugawa.

Những câu chuyện được truyền tải trong cuốn Sụp đổ dường như mang tính vĩ mô, khi tác giả nhìn nhận, phân tích, đánh giá sự thành công hay thất bại của các xã hội trên nhiều lát cắt khác nhau, dù tựu trung đều thuộc về mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội. Điểm chung của các xã hội được đề cập trong Sụp đổ là thịnh vượng hay suy tàn đều phụ thuộc khả năng con người khai thác thiên nhiên như thế nào và khả năng tái tạo của thiên nhiên đến đâu.

Các xã hội Maya và đảo Phục Sinh là minh chứng rõ ràng hơn bao giờ hết cho việc tàn phá thiên nhiên đến mức không thể tái sinh sẽ dẫn đến hậu quả ra sao. Người Polynesia đã tàn phá môi trường sống của chính họ để phục vụ cho những mục tiêu chính trị, quân sự hay tôn giáo; để rồi sau đó kết hợp với nạn nhân mãn cuối cùng đã mang đến sự lụi tàn của chính họ. Tương tự như vậy, người Maya tự đóng đinh số phận của mình vào chiếc quan tài sụp đổ từ sau thế kỷ X, mặc dù họ vẫn kéo dài chút hơi tàn của một nền văn minh đang ngày càng xuống dốc đến tận những năm cuối cùng của thế kỷ XVII. Khai thác quá mức rừng, mở rộng đất canh tác tràn lan cũng như hệ lụy của việc dân số gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ Cổ điển của Maya kết hợp với những chu kỳ hạn hán và thiên tai định kỳ đã khiến phần lớn các thành thị bị bỏ hoang hoặc bị xâm chiếm bởi những thế lực bên ngoài. Có thể thấy, xã hội Phục Sinh và Maya đều tồn tại trong một hệ sinh thái phổ tạp, với đặc tính tái sinh nhanh cùng sự đa dạng về giống loài, nhưng đều bị lụi tàn bởi khai thác tự nhiên nặng nề đến mức không còn có thể tái tạo cảnh quan trong một thời gian ngắn.

Trong khi đó, ở trường hợp như Nhật Bản, tầm nhìn của các Shogun và Daimyo cuối cùng đã bảo tồn được phần lớn các cánh rừng trên bốn hòn đảo chính đã mang đến những lợi ích to lớn cho người Nhật. Câu chuyện của Nhật Bản, cũng như New Guinea và Tikopia cho thấy những xã hội thành công đối lập với các xã hội bị sụp đổ bởi phá rừng và các vấn đề môi trường khác không phải là những trường hợp hiếm hoi.

Tuy nhiên, trong trường hợp khu định cư của người Viking tại Greenland, mỉa mai thay, môi trường là thứ chủ động quyết định đến sự lụi tàn của họ trước cả khi người Viking kịp làm những gì theo bước người Polynesia hay Maya. Người Viking đã thành công trong việc thiết lập các căn cứ và khu định cư tại Iceland và Greenland, thậm chí xa hơn nữa là một tiền đồn cô lập tại vùng duyên hải Bắc Mỹ. Các cư dân định cư người Viking bên cạnh hoạt động cướp bóc cũng tăng cường khai thác các nguồn lợi tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên như mùa đông dài và đóng băng phần lớn thời gian trong năm, khả năng tái tạo chậm của hệ thực vật và sự suy kiệt nhanh chóng của những nguồn lợi vốn mất hàng ngàn năm để tích lũy đã đẩy người Viking tại các tiền đồn đến chỗ suy tàn.

Jared Diamond đã chứng minh cho một thực tế: thiên nhiên quá ưu đãi hay hào phóng sẽ chỉ dẫn đến con người phát triển như một đứa trẻ không gặp bất cứ thách thức nào đáng kể để có thể vươn lên. Tuy nhiên, thiên nhiên quá khắc nghiệt so với khả năng chịu đựng của đa số nhân loại và công nghệ sẽ khiến cho không một cộng đồng dân cư đáng kể nào có thể phát triển. Nhưng ngay cả trong những môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của các xã hội loài người, khai thác quá mức tự nhiên sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ.

Những câu chuyện về người Maya và Polynesia chắc chắn sẽ không chỉ hiện hữu trong quá khứ mà sẽ còn trở lại trong xã hội ngày nay khi việc khai thác tự nhiên và hủy hoại môi trường sống vẫn đang tiếp tục diễn ra, bất chấp nỗ lực của nhiều quốc gia, tổ chức và cá nhân khác nhau. Hy vọng lớn nhất của nhân loại là rút ra những bài học từ quá khứ để định hướng sự phát triển trong tương lai. Nói tóm lại, Sụp đổ là một cuốn sách đáng đọc bởi nó không chỉ cung cấp những bài học quý giá trong lịch sử nhân loại, mà còn đặt lịch sử nhân loại vào bối cảnh sự sinh tồn trong một môi trường và thế giới đang ngày càng đổi thay và khắc nghiệt.