Một nghiên cứu mới từ Đan Mạch cho thấy tỷ lệ béo phì đã bắt đầu tăng từ những năm 1930, trước Thế chiến thứ hai, cũng có nghĩa là có thể có các nguyên nhân bí ẩn chưa được biết dẫn đến "đại dịch" béo phì.

Từ năm 1970 đến nay, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần, tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại đến mức được gọi là "đại dịch" béo phì.

Hầu hết giả thuyết đến nay cho rằng gốc rễ của vấn đề là các yếu tố của thời hiện đại, như đồ ăn chế biến sẵn và ít vận động. Nhưng một nghiên cứu mới từ Đan Mạch công bố ngày 13/9 trên tạp chí Science Advances cho thấy tỷ lệ béo phì đã bắt đầu tăng từ những năm 1930, trước Thế chiến thứ hai, cũng có nghĩa là có thể có các nguyên nhân bí ẩn chưa được biết dẫn đến đại dịch béo phì.

Kết quả nghiên cứu dựa trên hồ sơ của hàng trăm nghìn thanh niên Đan Mạch trong quá khứ, cho thấy nhiều thập kỷ trước khi béo phì bị coi là đại dịch, những thành viên nặng ký nhất trong xã hội đã ngày càng to lớn hơn.

Các phép đo cân nặng và chiều cao được thu thập vào giữa những năm 1900 cho thấy những dấu hiệu sớm của đại dịch béo phì.

Hầu hết các nhà dịch tễ học cho rằng đại dịch béo phì bắt đầu từ những năm 1970, thời điểm bắt đầu quan sát thấy tỷ lệ béo phì - được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI - cân nặng chia cho bình phương của chiều cao) trên 30 - tăng lên ở nhiều quốc gia phương Tây. Nguyên nhân thường được cho là ngành thực phẩm chế biến, rẻ tiền và giàu calo, nở rộ sau chiến tranh, cũng như lối sống ngày càng ít vận động và khẩu phần ăn ngày càng tăng.

Nhưng nhà dịch tễ học Thorkild Sørensen của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này. Sørensen nghi ngờ rằng kích thước cơ thể của con người đã tăng dần trong nhiều năm trước những năm 1970, và sự gia tăng này có thể để lại dấu vết trong dữ liệu lịch sử. Sørensen cho rằng chế độ ăn uống và lối sống không phải là toàn bộ nguyên nhân.

Việc thiếu dữ liệu BMI trước những năm 1970 gây khó khăn cho các nghiên cứu lịch sử về bệnh béo phì. Nhưng nhóm Sørensen đã để mắt đến 2 bộ dữ liệu của chính phủ Đan Mạch. Bộ dữ liệu đầu tiên bao gồm các hồ sơ chi tiết về cân nặng và chiều cao của gần như tất cả học sinh tiểu học ở Copenhagen trong khoảng thời gian từ những năm 1930 đến những năm 1980. Bộ dữ liệu thứ hai bao gồm các hồ sơ chi tiết về cân nặng và chiều cao của nam giới, 18-26 tuổi, nhập ngũ vào quân đội Đan Mạch từ năm 1957 đến năm 1984.

Hai bộ dữ liệu rất phong phú, nhưng tất cả đều nằm trên giấy, do đó việc tìm kiếm các mẫu hình một cách có hệ thống là không thể. Sørensen cho biết quá trình số hóa hơn 2 triệu phép đo từ tất cả 526.115 đối tượng trong hai bộ dữ liệu mất nhiều năm làm việc.

Cuối cùng, dữ liệu số hóa cho thấy càng về sau, trẻ tiểu học Đan Mạch càng có tỷ lệ béo phì cao hơn. Ví dụ, 0,18% bé trai sinh năm 1930 được xếp vào loại béo phì khi lên 10 tuổi. Đến năm 1970, tỷ lệ này là 1,13%.

Để xác định xem xu hướng này có phải là kết quả của việc tăng chỉ số BMI trên toàn bộ dân số hay không, các nhà nghiên cứu đã xem xét sự phân bổ điểm BMI của toàn bộ 526.115 đối tượng theo năm sinh. Nếu chia mẫu thành 4 nhóm, chỉ số BMI của 3 nhóm xếp dưới cùng vẫn ổn định theo thời gian, không tăng không giảm. Ví dụ, một tân binh quân đội có chỉ số BMI là 20 vẫn sẽ có BMI nhỏ hơn 75% tân binh khác, cho dù anh ta sinh năm 1939 hay 1959.

Nhưng ở nhóm có chỉ số BMI cao nhất, BMI lại tăng dần theo thời gian. Tình trạng này càng rõ ràng hơn ở những nhóm có BMI cực đoan nhất. Ví dụ, 1% lính nghĩa vụ sinh năm 1940 có chỉ số BMI cao nhất sẽ có BMI dao động gần 28. Trong khi đó, 1% lính nghĩa vụ sinh năm 1950 có chỉ số BMI cao nhất sẽ có BMI dao động gần 30.

Những thay đổi này khiến tỷ lệ béo phì tăng chậm trong thời gian đầu đến giữa thế kỷ 20, theo nhóm nghiên cứu, cho dù BMI ở 75% dưới của phổ vẫn duy trì không đổi.

Sørensen cho biết, khi mốc bắt đầu của đại dịch béo phì bị đẩy lùi, một số giả định hiện có về nguyên nhân bị suy yếu, chẳng hạn như vai trò của thực phẩm chế biến sẵn hoặc việc ít vận động. Những thay đổi trong lối sống và sản xuất lương thực chỉ hình thành vào cuối thế kỷ 20.

Nhưng nguyên nhân nào đã làm tăng tình trạng béo phì thì vẫn chưa rõ ràng. Lindsey Haynes-Maslow, chuyên gia về béo phí tại Đại học North Carolina (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu mới, suy đoán rằng nguyên nhân còn có thể nằm ở các yếu tố di truyền hoặc sự phổ biến ngày càng tăng của carbohydrate. Sørensen hy vọng rằng việc hợp tác thêm với các nhà sử học có thể giúp thu hẹp và dần tìm ra nguyên nhân.

Không phải ai cũng bị thuyết phục bởi kết luận của nghiên cứu. Nhà thống kê sinh học Majid Ezzati tại Imperial College London (Anh), cho biết, chỉ số BMI tăng chậm và ổn định không nhất thiết cho thấy đại dịch béo phì đã bùng phát sớm hơn so với mốc 1970. Đó có thể chỉ là tình trạng tăng cân, nhưng dưới mức dịch bệnh. Hơn nữa, nghiên cứu này thiếu dữ liệu về người trưởng thành ở độ tuổi trung niên, đối tượng được cho là khởi nguồn của đại dịch béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu đặt ra một câu hỏi đáng cân nhắc về nguồn gốc của dịch bệnh, Haynes-Maslow nói. “Là một nhà nghiên cứu, tôi nghĩ điều quan trọng là phải cởi mở với những giả thuyết mới", ông nói

Nguồn: