Cùng là nói chuyện hồ ly ma quỷ, nhưng sự truy cầu mạnh mẽ, trong sáng, và tốt đẹp đối với chủ nghĩa lãng mạn trong Liêu Trai Chí Dị đã trở nên ảm đạm, giảm sút trong Dạ Đàm Tùy Lục, mà thay vào đó là những ý tứ của một chủ nghĩa hiện thực đầy lạnh lẽo, dữ dằn, và đau thương.
Truyện ngắn văn ngôn được phát triển trên cơ sở từ truyện chí quái thời Lục Triều và truyện truyền kỳ đời Đường. Khoảng cuối đời Minh, phong vận truyền kỳ lan rộng khắp nơi; sang đầu đời Thanh, với tiêu biểu là sự xuất hiện của Liêu Trai Chí Dị của cây đại bút Bồ Tùng Linh, đã hình thành nên một phong trào sáng tác tiểu thuyết văn ngôn mạnh mẽ. Các tập tiểu thuyết văn ngôn học tập theo Liêu Trai Chí Dị nối nhau xuất hiện. Chỉ trong niên hiệu Càn Long đã có rất nhiều tác phẩm ra đời, trong đó Dạ Đàm Tùy Lục của Hòa Bang Ngạch có thể nói là đã tạo được một chỗ đứng riêng trong các tiểu thuyết văn ngôn thể loại liêu trai.
Hòa Bang Ngạch (sinh năm 1736, không rõ năm mất) là người dân tộc Mãn, từ nhỏ đã theo ông nội - từng làm chức tổng binh ở Lương Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông - đi rất nhiều nơi. Sau khi ông nội qua đời, ông đến trường học dành cho con cháu người Mãn ở kinh đô để học tập và tận đến năm 38 tuổi mới thi đậu cử nhân. Hòa Bang Ngạch từng làm các chức: tri huyện huyện Lạc Bình (nay là Tích Dương) tỉnh Sơn Tây, phó đô thống cho Nữu Hỗ Lộc thị…
Dạ Đàm Tùy Lục của Hòa Bang Ngạch được hoàn thành và khắc in lần đầu năm 1779. Trong lời tựa tự viết cho tác phẩm, ông từng nói cuốn sách này là “sách chí quái”, “chẳng phải chuyện kỳ quái sẽ chẳng biên chép”, “người đời mắt chưa từng nhìn thấy, tai chưa từng nghe thấy, đến khi nhìn thấy nghe thấy rồi, chẳng mấy kẻ không cho là quái lạ”, “nói chuyện hư vô còn hơn nói chuyện thời sự”.
Kỳ thực đó là những lời phẫn uất của tác giả. Ông hoàn toàn không cho rằng thế gian lại có chuyện gì gọi là quái lạ cả, “bất cứ việc gì cũng có cái lý của nó, lý đã có rồi, thì quái sao còn có nữa?” Do đó, Dạ Đàm Tùy Lục, hoàn toàn không phải chỉ nói chuyện hư vô mà không nói thời sự, mà nó chính là bàn chuyện thời sự trong khi nói chuyện hư vô, việc “tắt đèn kể chuyện ma quỷ, dưới trăng đàm luận hồ ly” chính là gửi khảng khái sâu xa, ngụ ý tứ rõ rệt.
Thời đại thịnh trị Ung Chính, Càn Long mà Hòa Bang Ngạch sống đã lộ ra những dấu hiệu của việc cực thịnh dần suy, mâu thuẫn xã hội sâu sắc, ngục văn tự (vụ án do chữ nghĩa mà ra) dấy lên, các nhà tiểu thuyết văn ngôn lấy chuyện ma để nói chuyện người, dùng huyễn ảo mà nêu chân thực, chính là thể hiện một cách rõ rệt sự quan tâm và tham dự của họ vào hiện thực xã hội. Truyện Lục Thủy Bộ trong Dạ Đàm Tùy Lục chính là một tiếng kêu bất bình cho những người bị hại bởi ngục văn tự từ trên cao áp xuống. Lục Sinh Nam nhân viết sách “Thông Giám Luận” mà bị giết, là một trong những vụ oan án văn chương lớn nhất dưới triều Ung Chính. Sau này, Tưởng Thụy Tảo trong Hoa triêu sinh bút ký bình luận, Dạ Đàm Tùy Lục “Học theo lối Liêu Trai Chí Dị, tuy văn chương giản dị, không được như thế, song chép lại án hình ngục của Lục Sinh Nam, thì rất ngay thẳng, không sợ hãi che giấu gì, thật cũng là hiếm có. Lại được viết ra bởi chính người Mãn, thì càng hiếm có được hơn nữa.”
Nếu so sánh Liêu Trai Chí Dị và Dạ Đàm Tùy Lục, thì cả hai tuy cùng là những chuyện truyền kỳ chí quái nói về ma quỷ hồ ly, nhưng xét về mặt phản ánh cuộc sống, phê phán hiện thực thì mỗi tác phẩm lại có một đặc sắc khác nhau. Trong Dạ Đàm Tùy Lục, việc vạch trần và phê phán những mặt xấu xa của hiện thực thường cao hơn hẳn việc miêu tả và hướng đến một thế giới lý tưởng đẹp đẽ ảo tưởng. Do vậy, nếu như nói Liêu Trai Chí Dị phần nhiều là thể hiện vẻ đẹp lý tưởng của chủ nghĩa ly kỳ lãng mạn, thì Dạ Đàm Tùy Lục lại bộc lộ nhiều hơn không khí hung bạo của chủ nghĩa hiện thực thô sơ.
Truyện truyền kỳ chí quái xưa nay đều lấy màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn làm đặc trưng, để vẽ lên một thế giới lý tưởng thần kỳ tốt đẹp, đối nghịch với thế giới hiện thực đen tối xấu xa. Bồ Tùng Linh đã kế thừa tinh thần và thủ pháp thể hiện của phong trào văn học theo chủ nghĩa lãng mạn cuối Minh, mở ra một thế giới ảo tưởng ly kỳ hơn, lãng mạn hơn trong Liêu Trai Chí Dị, gửi gắm lý tưởng của mình vào những hồ quỷ hoa yêu ấy, tuôn tràn một hơi thở tự do lãng mạn chân tính chân tình. Nhưng trong Dạ Đàm Tùy Lục, tác giả lại dùng một nét bút lạnh lẽo đen tối để miêu tả thế giới hồ ly ma quỷ ảo tưởng ấy. Thế giới ấy cũng đen tối xấu xa như thế giới con người. Liêu Trai Chí Dị miêu tả một thế giới lý tưởng đẹp đẽ của hồ ma để phản đối lại thế giới hiện thực xấu xa, còn Dạ Đàm Tùy Lục thì lại xem thế giới ảo tưởng của hồ và ma là hình bóng của thế giới hiện thực xấu xa, và không hề lý tưởng tốt đẹp về nó.
Có lẽ cũng chính vì sự khác nhau của thời đại, mà cùng là nói chuyện hồ ly ma quỷ, nhưng sự truy cầu mạnh mẽ, trong sáng, và tốt đẹp đối với chủ nghĩa lãng mạn trong Liêu Trai Chí Dị đã trở nên ảm đạm, giảm sút trong Dạ Đàm Tùy Lục, mà thay vào đó là những ý tứ của một chủ nghĩa hiện thực đầy lạnh lẽo, dữ dằn, và đau thương. Điều đó đã khiến cho những tiểu thuyết văn ngôn chí quái với dung lượng không lớn như Dạ Đàm Tùy Lục có được tầm nhìn phản ánh hiện thực cuộc sống rộng lớn hơn.