Trong đó, rùa và cá sấu là hai loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Các chuyên gia đánh giá dữ liệu hiện có của hơn 10.000 loài bò sát và tình trạng bảo tồn của chúng theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Nhìn chung, 21% các loài bò sát đang bị đe dọa, theo kết quả báo cáo trên tạp chí Nature. Có nghĩa là tình hình bảo tồn các loài bò sát đang tốt hơn các loài lưỡng cư (41% các loài lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng) và động vật có vú (25%). Nhưng tình hình bảo tồn bò sát kém hơn một chút so với chim (14%) .
Tổng cộng có 1.829 loài bò sát dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp.
Có 1.507 loài bò sát không đủ thông tin để đánh giá, vì thế các nhà nghiên cứu ngoại suy cho những loài đó, giả định rằng nguy cơ tuyệt chủng cũng là 21% như các loài bò sát còn lại.
Nguy cơ tuyệt chủng không đồng đều giữa các loại bò sát khác nhau. Trong số 10 nhóm phân loại bò sát chính, họ hàng rùa có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Mối đe dọa chính với nhóm này là săn bắn và đánh bắt. Loài rùa hiếm nhất trên thế giới là rùa mai khổng lồ Dương Tử (Rafetus swinhoei), chỉ còn ba cá thể sống sót trong tự nhiên ngày nay. Một cá thể rùa Dương Tử đã từng sống ở Hồ Gươm, Hà Nội.
Cá sấu cũng thuộc nhóm nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Trong đó loài cá sấu gharial cực kỳ nguy cấp (Gavialis gangeticus), còn ít hơn 250 cá thể, chỉ tồn tại ở một vài nơi ở Ấn Độ và Nepal. Đây là loài cá sấu dài nhất, thường bị săn bắn để làm thuốc cổ truyền và cũng vô tình bị mắc vào lưới đánh cá.
Đối với hầu hết các loài bò sát, các mối đe dọa dẫn đến tuyệt chủng cũng tương tự như các sinh vật bốn chi khác: sự tàn phá môi trường sống do canh tác, khai thác gỗ và đô thị hóa. Các loài xâm lấn (loài du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa, và trong một số trường hợp do không có các đối thủ cạnh tranh tự nhiên, chúng nhanh chóng sinh sôi và áp đảo hệ động thực vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái) cũng gây ra mối đe dọa.Ví dụ, trên đảo Christmas, ở Ấn Độ Dương, loài rắn sói xâm lấn đang đẩy thằn lằn đuôi xanh và các loài bò sát khác đến bờ vực tuyệt chủng.
Tin tốt là hầu hết các loài bò sát đủ điều kiện hưởng lợi từ các hoạt động bảo tồn, bao gồm loại bỏ các loài xâm lấn có hại và bảo vệ môi trường sống khỏi bị phá hủy.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp