Một nghiên cứu mới đã xác định những con bọ cạp lớn có ít độc tố hơn.

Trong bộ phim giả tưởng Indiana Jones và Vương quốc Đầu lâu Pha lê, nhà thám hiểm nhân vật chính nói rằng: “Đối với bọ cạp, càng to càng yên tâm.” Giờ đây, đã có bằng chứng khoa học ủng hộ giả thuyết này.

Bộ phim hành động - phiêu lưu nổi tiếng Indiana Jones và Vương quốc Đầu lâu Pha lê

Bọ cạp đốt hơn 1 triệu người và giết chết hơn 3.000 người mỗi năm. Độc tố của bọ cạp có thể gây ra nhiều dạng triệu chứng, từ đau và tê dữ dội đến co thắt cơ, chảy nước dãi và loạn nhịp tim. Các bác sĩ có thể điều trị vết cắn của bọ cạp dựa trên triệu chứng, chẳng hạn như sử dụng thuốc an thần để giảm co thắt cơ và thuốc giảm đau. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, cần đến thuốc kháng nọc độc - một dạng thuốc chuyên điều trị độc tố nhưng có nhiều tác dụng phụ. Nhưng vấn đề là nạn nhân không biết loại bọ cạp nào đã cắn họ, vì vậy các bác sĩ phải phỏng đoán mức độ nghiêm trọng khi điều trị vết cắn, nhiều khi dẫn đến áp dụng phương pháp điều trị không thích hợp.

Loài bọ cạp đá này (Hadogenes granulatus) có nguồn gốc từ Mozambique, là một loài bọ cạp lớn nhưng hiền lành đến mức thường được bán làm thú cưng.

Và cho dù được điều trị, một số vết cắn vẫn có thể gây chết người, đặc biệt nếu nạn nhân có phản ứng dị ứng. “Bọ cạp là một vấn đề y tế lớn trên toàn cầu," Bryan Fry, nhà nghiên cứu nọc độc tại Đại học Queensland, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết.

Trong nghiên cứu mới, nhà sinh thái học Kevin Healy tại Đại học Quốc gia Ireland và các đồng nghiệp đã tổng hợp dữ liệu về 2.500 loài bọ cạp đã biết. Dữ liệu bao gồm cơ thể bọ cạp, kích thước/ hình dạng móng và đuôi, cũng như độc tính. Kết quả nghiên cứu của họ chỉ đưa ra kết quả phân tích đối với 36 loài, nhưng bao gồm đủ các nhóm bọ cạp khác nhau, từ bọ cạp cỡ nhỏ nhất, chỉ bằng hạt óc chó, như bọ cạp Mexico (Centruroides noxius) đến bọ cạp lớn gấp nhiều lần, như bọ cạp đá (Hadogenes granulatu).

Xu hướng chung cho tất cả các loài bọ cạp là nọc độc của các loài lớn, như bọ cạp đá, gây kích ứng nhẹ, trong khi nọc độc từ các loài bọ cạp nhỏ có thể gây phản ứng sốc nặng. Một yếu tố khác dự báo mức độc tố cao là độ mảnh của vòi chích, theo kết quả báo cáo trên tạp chí chuyên về độc tố Toxins.

Những phát hiện này chỉ ra một sự đánh đổi trong quá trình tiến hóa. Khi mới xuất hiện, loài bọ cạp dùng những chiếc móng to như càng cua để tấn công con mồi. Nhưng một khi đã có nọc độc nguy hiểm, chúng không cần dùng đến móng và kích thước cơ thể lớn nữa, theo các nhà nghiên cứu suy đoán.

Phát hiện mới về tương quan giữa kích thước của bọ cạp và độc tố sẽ giúp các bác sĩ phỏng đoán chính xác hơn dựa trên mô tả của bệnh nhân về kích thước của con bọ cạp đã cắn họ, từ đó quyết định có cần sử dụng thuốc kháng nọc độc hay không.

Nhện, một loài khác cùng lớp với bọ cạp, cũng có xu hướng này. Những loài nhện lớn, răng nanh lớn, có tuyến nọc độc nhỏ. Ngược lại, những loài nhện nhỏ, răng nanh nhỏ, như nhện góa phụ đen mảnh mai, lại có tuyến nọc độc lớn.

Nguồn: