Gần một thập kỷ trước khi Thomas Edison nghiên cứu phát minh đèn sợi đốt, một tòa dinh thự tại vùng nông thôn gần thị trấn Rothbury, Northumberland (Anh Quốc) đã hoàn toàn được thắp sáng bằng điện.
Thời đó, cụ thể là trong giai đoạn trị vì của nữ hoàng Victoria (1837 – 1901), chưa hề có lưới điện quốc gia để khai thác, đồng nghĩa với việc: nếu muốn có điện thì chúng ta phải tự tạo ra nó. Tuy nhiên, hầu hết mọi người khi ấy đều không thể có bí quyết công nghệ (know-how) lẫn xu hướng thắp sáng nhà bằng điện; và ngay cả khi một số cá nhân rất mong muốn tạo nên sự khác biệt, thì dường như các nguồn lực hạn hẹp, nhất là tài chính, đã ngăn cản họ “đơm hoa kết trái” giấc mơ.
Nhưng William Armstrong (1810 – 1900), một nhà phát minh và tư bản công nghiệp giàu có đã làm được điều kỳ diệu đó. Cùng với người bạn thân là kiến trúc sư Richard Norman Shaw, Armstrong đã xây dựng nên Cragside – một ngôi biệt thự khiêm nhường, mang phong cách nhái Tudor (phổ biến trong thời Trung cổ ở Anh, nhất là thế kỷ 15 – 17) – trên sườn của một ngọn đồi nhỏ ngoài rìa Rothbury. Sau khi công trình hoàn tất, ông đã trang bị cho nó tất cả những phát minh tuyệt vời nhất thời đó, bao gồm máy giặt thủy năng (water-powered laundry), phiên bản sơ khai của máy rửa chén đĩa, thang máy thủy lực (hydraulic lift), lò nướng thủy điện (hydroelectric rotisserie) và một chiếc dumb waiter (loại thang máy nhỏ dùng để di chuyển hàng hóa giữa các tầng), và vô vàn thứ khác …
Để cấp năng lượng cho tất cả các thiết bị trên, năm 1869, Armstrong đã xây đập ngăn những dòng suối nhỏ trong vùng, tạo thành 5 hồ chứa nước lớn và lắp đặt một động cơ thủy lực để vận hành nhiều loại máy móc trong nhà. Một năm sau (1870), ông lại triển khai thêm máy phát điện (dynamo) và tạo ra nhà máy thủy điện gia đình đầu tiên trên thế giới, cấp năng lượng cho Cragside và nhiều tòa nhà thuộc trang trại trong khu đất. Căn phòng đầu tiên của Cragside được thắp sáng bằng điện chính là phòng trưng bày. Ban đầu, cả tòa nhà chỉ có duy nhất một đèn hồ quang treo trên trần, sau khi toàn bộ được nối điện thì xuất hiện thêm 12 đèn treo nữa trong khu vực phòng trưng bày, cùng 8 đèn bổ sung khác để có thể bật lên khi đã tắt đèn phòng ăn. Theo thời gian, Armstrong đã liên tục cải tiến và mở rộng công suất của nhà máy điện lên gấp nhiều lần.
Có thể nói, Armstrong là người gần như đã dành trọn tình yêu của cả đời mình cho nước, bắt đầu từ khi còn rất trẻ. Một ngày nọ, khi đang câu cá trên sông Dee tại Dentdale ở Pennines (xứ Wales), chàng trai Armstrong bỗng nhìn thấy một bánh xe nước đang hoạt động, cung cấp năng lượng cho một mỏ đá cẩm thạch. Nhận thấy chỉ một phần nhỏ thủy năng đã được tận dụng để lái bánh xe, trong đầu anh bỗng nảy ra ý nghĩ, rằng nếu có thể tập trung năng lượng của nước vào cùng một chỗ thì nó sẽ lớn đến mức nào? Vì thế, khi trở về Newcastle, anh đã mày mò thiết kế một động cơ quay (rotary engine) chạy bằng thủy năng, và chế tạo nó trong công xưởng High Bridge của người bạn thân Henry Watson (1827 – 1903, một nhà toán học, thành viên của Royal Society – Hiệp hội Khoa học Hoàng gia). Sau này, Armstrong còn phát triển một động cơ pít-tông (piston engine) khác để thay thế cho động cơ quay, và lắp đặt nó trên chiếc cần cẩu thủy lực đầu tiên của thế giới.
Phát minh trên đã biến Armstrong trở thành một doanh nhân đặc biệt thành công trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp cần cẩu thủy lực, với rất nhiều đơn hàng từ Edinburgh; Northern Railways (Công ty Đường sắt phương Bắc, xây dựng rất nhiều công trình ở Ấn Độ); xưởng đóng tàu ở Liverpool, hay nhiều loại máy móc thủy lực khác cho cầu cảng ở Grimsby. Tính trung bình, công ty của Armstrong đã chế tạo cả trăm cần cẩu mỗi năm. Ngoài ra, trong Chiến tranh Crimea (1853 – 1856) giữa liên minh Anh, Pháp, Ottoman và Sardinia (nay thuộc bán đảo Ý, Sicilia, Tunisia và quần đảo Baleares) chống lại Đế quốc Nga, Armstrong đã thiết kế một khẩu súng trường hạng nhẹ, có khả năng di động cùng tầm bắn và độ chính xác vượt xa tất cả các đối thủ; sau đó chuyển giao bằng sáng chế cho Chính phủ Anh, được phong tước Hiệp sĩ (huân tước) và bổ nhiệm làm kỹ sư trong Bộ Chiến tranh (War Department). Đến những năm 1880, công ty của ông còn lấn sân sang mảng đóng tàu, với công xưởng được xây dựng trải dài cả 3/4 dặm dọc sông Tyneside (vùng Đông Bắc Anh), và là nhà máy duy nhất trên thế giới vào thời đó có thể tự chế tạo và vũ trang hoàn chỉnh một tàu chiến.
Khi về già, Armstrong bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho một công việc khác mà ông cực kỳ yêu thích, bên cạnh các thí nghiệm tại Craigside trong lĩnh vực điện, đó là trồng cây. Theo nhiều tài liệu viết lại, ông đã trồng mới hơn 7 triệu cây to và cây bụi xung quanh khu đất của mình, đồng thời làm cải thiện đáng kể khí hậu ở khu vực Northumberland.
Năm 1900, Nam tước Armstrong Đệ nhất qua đời ở tuổi 91 sau một cuộc đời đầy ý nghĩa và thành tựu; tuy nhiên, những người thừa kế của ông đã không thể duy trì được gia sản, dần trở nên sa sút và khiến ngôi nhà bị bỏ hoang. Sang thời tiền Đệ nhị Thế chiến, Cragside được quân đội tiếp quản (năm 1940) như một phần của những nỗ lực phục vụ chiến tranh; sau khi họ rời đi, khu bất động sản được kết nối với lưới điện quốc gia và bắt đầu mở cửa cho công chúng vào tham quan từ năm 1979. Đến năm 2006, sau gần một thế kỷ bị bỏ hoang, người ta đã tìm cách khôi phục lại hoạt động của nhà máy thủy điện do Armstrong xây dựng; và sau nhiều lần cải tiến, đến năm 2014, công suất của nó đã được nâng lên thành 12 kW – đủ để thắp sáng toàn bộ 350 bóng đèn trong ngôi nhà.