Hơn một thế kỷ trước, những người Mỹ kiệt quệ và chán nản vì đại dịch cúm năm 1918 chỉ muốn quên đi dịch bệnh, và do đó nhiều vấn đề xung quanh đại dịch vẫn còn bỏ ngỏ. Các chuyên gia cảnh báo không nên để tình huống này lặp lại với đại dịch COVID-19 hiện nay.

Các nhà sử học không rõ dịch cúm năm 1918 thực sự kết thúc khi nào — một phần do người dân thời đó đã quá chán nản với dịch bệnh, như cách mọi người ngày nay chán nản với đại dịch COVID-19 sau hai năm, và các biện pháp theo dõi dịch bệnh không còn sát sao. Số ca nhiễm cúm tiếp tục tăng đột biến vào năm 1920 và cả sau đó nữa, nhưng phần lớn hồ sơ lưu lại về đại dịch cúm 1918 là từ hai năm đầu tiên.

Nhân viên Bệnh viện Hải quân Mỹ chăm sóc bệnh nhân trong khu bệnh cúm ở California. Các bệnh viện thiếu nhân viên trong đại dịch năm 1918, nhưng có rất ít tài liệu lưu lại về những khó khăn của nhân viên y tế thời đó.

Ngày nay, chúng ta bắt gặp tình huống tương tự. Hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mọi người ngày càng chán nản và nhiều người kêu gọi nới lỏng các biện pháp y tế công cộng như khẩu trang và quy định về vaccine. Tuy nhiên, nhà sử học Nancy Bristow, tác giả cuốn Đại dịch Mỹ: Những thế giới đã mất của đại dịch cúm năm 1918, nói rằng việc miễn cưỡng quay trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch sẽ để lại những hệ lụy với đại dịch lần này - và cả các đại dịch tiếp theo.

Một tiệm cắt tóc ngoài trời ở Berkeley, California vào năm 1919. Khi đó thông gió cũng là một cách quan trọng để tránh lây nhiễm virus.

Các nhà sử học nghiên cứu lịch sử bệnh cúm như Bristow chỉ ra rằng không thể so sánh trực tiếp hai đại dịch này. Thế giới ngày nay không còn như đầu thế kỷ 20 – hồi đó chiến tranh lan rộng, không có vaccine cúm và không có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cho những người bị ốm khi đó. Virus cúm 1918 cũng nhắm mục tiêu đến các nhóm dân số trẻ hơn, và các phản ứng chống dịch gần như không bị chính trị hóa nhiều như hiện nay.

Nhưng có những điểm tương đồng trong cách xã hội mong muốn vượt qua và cho ký ức đại dịch vào quên lãng. Giống như hiện nay, trong những đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch cúm năm 1918, phản ứng y tế cộng đồng từ các bang và chính quyền địa phương không đồng nhất và để lại các kết quả khác nhau. Các thành phố như New York thực hiện sớm các biện pháp y tế công cộng có tỷ lệ tử vong thấp. Trong khi đó, các thành phố như Philadelphia chậm thực hiện các biện pháp y tế và những thành phố như San Francisco nới lỏng sớm các biện pháp phòng dịch có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Và giống như hiện nay, một thế kỷ trước cũng có nhiều tranh cãi về thời điểm nên nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo Thomas Ewing, nhà sử học tại Virginia Tech. Chẳng hạn, tại Denver, Colorado, nhà chức trách đã bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang vào tháng 11/1918, khi đợt bùng phát đầu tiên hạ nhiệt, nhưng sau đó một đợt bùng phát thứ hai nổ ra ở đây, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên khôi phục lại yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang hay không.

“Trong cả hai đại dịch, mọi người đều tỏ ra bối rối, không chắc chắn và có những khuyến nghị mâu thuẫn và trái ngược nhau,” Ewing nói.

Khi đại dịch cúm kéo dài, các biện pháp can thiệp y tế công cộng càng trở nên yếu kém hơn. Chính sách yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đã bị gỡ bỏ ngay cả khi số ca nhiễm tăng đột biến, thậm chí cả khi một số thành phố ghi nhận tỷ lệ tử vong vào năm 1920 tương đương với đợt bùng phát đầu tiên vào năm 1918. Giống như bây giờ, nhiều người bắt đầu phản đối việc áp dụng các biện pháp y tế công cộng ngay cả khi đại dịch bùng phát trở lại.

Đến cuối năm 1920, đại dịch cúm bắt đầu suy giảm. Nước Mỹ tiếp tục chứng kiến ​​một làn sóng các ca nhiễm và tử vong vào năm 1922, nhưng công chúng ít chú ý đến những trường này vì khi đó đại dịch cúm đã không còn là tiêu điểm.

Mệt mỏi dẫn đến lãng quên

Trong năm đầu tiên của đại dịch cúm 1918, các nhà lập pháp ở cấp tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại về những đại dịch trong tương lai và công chúng cũng kêu gọi họ hành động. Năm 1919, Quốc hội đưa ra Dự luật về Cúm, hay Chống Cúm, dự định dành khoảng 5 triệu USD để điều tra dịch bệnh, nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Nhưng sau đó thì đạo luật không được hiện thực hóa. Đến năm 1920, số tiền giảm xuống còn 250.000 USD. Các nhà quản lý không muốn tăng thêm tiền cho các cơ quan y tế Công cộng để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đại dịch. Cuối cùng, không có khoản đầu tư nghiên cứu nào, và “Hoa Kỳ đã không ban hành những thay đổi có ý nghĩa về sức khỏe cộng đồng sau đại dịch”, Nichols nói.

Cộng đồng khoa học không thể duy trì nỗ lực điều tra loại virus gây ra đại dịch cúm 1918. Năm 1922, một bài xã luận đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho rằng cần phải tiếp tục hướng nghiên cứu này. Và một số nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục, nhưng đến năm 1925, một bài xã luận khác trên cùng tạp chí lưu ý rằng “mối quan tâm chung đối với bệnh cúm… giảm đi khá nhanh chóng”.

Nước Mỹ đáng nhẽ đã có thể đã học được những bài học về mạng lưới an toàn xã hội và bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, nếu các nghiên cứu về nguyên nhân và hệ quả của đại dịch được thực hiện một cách rốt ráo. Trong đại dịch cúm 1918, các cộng đồng yếu thế có nguy cơ tử vong cao hơn, cũng như hiện nay với COVID-19, nhưng những lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe thì vẫn còn nguyên đó.

Tin tốt là trong đại dịch sau thì công tác lưu trữ hỗ sơ về dịch bệnh đã tốt hơn nhiều. Từ đầu đại dịch COVID-19, các bệnh viện, thư viện, hiệp hội lịch sử và các tổ chức địa phương đã bắt đầu thu thập tất cả hồ sơ liên quan. Không chỉ hồ sơ y tế mà còn bao gồm lời khai của từng cá nhân, cũng như ghi lại việc cộng đồng đã bị ảnh hưởng như thế nào thông qua các cuộc phỏng vấn với tất cả mọi người, từ nhân viên cửa hàng tạp hóa, tình nguyện viên y tế, trẻ em và cha mẹ, v.v...

Việc chú ý thu thập hồ sơ có thể hữu ích cho việc hoạch định các chính sách trong tương lai, giúp ứng phó với đại dịch tiếp theo - chắc chắn sẽ xảy ra - chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên cũng có thể tất cả hồ sơ này sẽ chỉ nằm im trong kho, nếu xã hội lại tiếp tục muốn né tránh những tổn thương từ đại dịch.

Nguồn: nationalgeographic.com