Hippocrates của đảo Kos (460 - 375 TCN) là vị thầy thuốc và triết gia Hy Lạp.

Ở vào thời đại mà con người tin nguyên nhân gây ra bệnh tật là do ma quỷ hoặc sự phẫn nộ của các vị thần thì Hippocrates lại dạy các học trò rằng tất cả mọi loại bệnh đều có căn nguyên tự nhiên.Ông cũng là người lập ra trường y đầu tiên trong lịch sử, và vì vậy được xem là “cha đẻ của y học”.

Tên tuổi của ông được gắn liền với gần 60 tài liệu y học, trong đó có lời thề Hippocrates (Hippocratic oath) truyền tụng đến tận hôm nay. Phần lớn các tài liệu này được tổng hợp lại thành cuốn Tập sao lục Hippocrates (Hippocratic Corpus), và mặc dù đã không viết hết tất cả nhưng triết lý của ông hầu hết đều được phản ánh qua đó.

Nhờ có Hippocrates, nền y học của nhân loại đã rẽ sang một hướng mới, dựa trên lý trí và tri thức khoa học nhiều hơn.

Thuyết bốn thể dịch

Hippocrates thường được ca ngợi vì đã phát triển thuyết bốn thể dịch. Các triết gia như Aristotle hay Galen cũng góp phần xây dựng nên những ý niệm này. Hàng nhiều thế kỷ sau đó, nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare đã đưa các thể dịch này vào trong các tác phẩm đặc tả con người.

Các thể dịch bao gồm dịch vàng, dịch đen, máu và đờm, theo “Thế giới các Thể dịch của Shakespeare” - triển lãm do Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tổ chức. Mỗi loại dịch gắn với một yếu tố (nước, lửa, đất hoặc khí), hay các “tính chất” (lạnh, nóng, ẩm, khô) tương ứng với các bộ phận cơ thể và độ tuổi (trẻ em, thiếu niên, người trưởng thành, người già).

Sự tương tác giữa các thể dịch, tính chất, bộ phận cơ thể và độ tuổi – cùng với ảnh hưởng của ngoại cảnh từ các mùa và môi trường xung quanh – sẽ quyết định sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như tâm trạng lẫn tính cách của con người.

TượngHippocrates tại nơi ông qua đời, Larissa (Hy Lạp). Ảnh: Georgios Alexandris

Theo thuyết bốn thể dịch

- Dịch vàng liên quan tới tính khí nóng nảy, cáu gắt và tính chất khô, nóng. Nó gắn liền với yếu tố lửa, mùa hè, túi mật và tuổi thơ ấu.

- Dịch đen liên quan tới tâm trạng buồn bã, tính lạnh và khô. Các yếu tố gắn liền với dịch đen là đất, mùa đông, lá lách (tỳ) và tuổi già.

- Máu gắn liền với sự lạc quan và tính nóng, ẩm. Nó có liên hệ với khí, mùa xuân, trái tim và tuổi thiếu niên.

- Dịch đờm gắn với sự lạnh lùng, tính lạnh và ẩm. Nó liên qua tới nước, não bộ và tuổi trưởng thành.

Triển lãm của NIH cho thấy, những khác biệt dựa trên tuổi tác, giới tính, cảm xúc và tâm trạng cũng có thể làm hình thành tương tác giữa các thể dịch. Theo thuyết này, nhiệt độ nóng kích thích hành động, trong khi cái lạnh lại có tác dụng kìm hãm. Một người có tính khí nóng nảy thường là người dũng cảm, song dịch đờm lại gây nên sự nhát gan. Tuổi trẻ là biểu hiện của tính nóng và ẩm, còn tuổi già thì lạnh lùng và khô khan.

Chìa khóa để giữ gìn sức khỏe tốt, theo thuyết bốn thể dịch, chính là nhờ duy trì sự cân bằng giữa các dịch. Sự thừa hay thiếu một thể dịch sẽ dẫn đến bệnh tật. Ăn uống hợp lý được xem là một phương pháp quan trọng nhất giúp đạt được sự cân bằng. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Hippocrates là: “Hãy để thức ăn làm thuốc và thuốc làm thức ăn”. Ngoài ra, ông còn đưa ra ý tưởng: thỉnh thoảng các bác sĩ sẽ lọc máu (mở tĩnh mạch và rút máu của bệnh nhân) hoặc kê đơn thuốc gây nôn để cân bằng các thể dịch - theo Liam A. Faulkner, tác giả cuốn “Y học Cổ: Bệnh tật và Sức khỏe ở Hy Lạp và La Mã”, một mục trong series “Lịch sử thế giới trong Một giờ”.

Mặc dù ngày nay, những phương pháp kể trên và thuyết thể dịch nghe có vẻ lạ tai và không rõ ràng, nhưng chúng đã đại diện cho những bước đi đầu tiên của y học khi tách khỏi cái nhìn siêu nhiên, mê tín về bệnh tật. Đồng thời, ngành y từ đây cũng hướng tới nhận thức rằng bệnh tật sinh ra là do ảnh hưởng của môi trường và hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể người.

Tập sao lục Hippocrates

Tập sao lục Hippocrates, được coi là tài liệu y học lâu đời nhất thế giới, gồm có 60 văn bản, hoặc “quyển”, ghi lại các bài giảng, bài tập, nghiên cứu, bệnh án và luận văn triết học của Hippocrates về các chủ đề phong phú liên quan tới y học. Một số bài viết trong Tập sao lục khá ngắn, chỉ bằng một đoạn văn, trong khi nhiều bài khác lại có độ dài hàng chương – theo Faulkner. Đáng chú ý, văn phong biến tấu đa dạng xuyên suốt các tập sách, cho thấy tập tài liệu rất có thể đã được viết bởi nhiều tác giả. Giới sử gia vẫn tin rằng các văn bản này có thể là thành quả của nhiều thầy thuốc hành nghề trong thời Hippocrates sinh sống và sau đó – theo nhận định trên Biography.com

Tập sao lục được tập hợp lần cuối tại Alexandria, Ai Cập vào giữa thế kỷ thứ 3 TCN, và đã trở thành tài liệu tiêu chuẩn cho các thầy thuốc phương Tây về sau. Thậm chí, nhiều kiến thức trong tập sách vẫn còn được ứng dụng rất nhiều cho đến tận thế kỷ 19.

Lời thề Hippocrates

Thường được đi kèm trong Tập sao lục là lời thề Hippocrates, quy ước các chuẩn mực đạo đức lâu dài cho các thầy thuốc. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chắc chắn liệu tác giả của lời thề này có phải là Hippocrates hay không.

Ngày nay, lời thề Hyppocrates chỉ còn mang tính quy ước và giá trị chứng nhận lịch sử đạo đức y học, chứ không phải được thực hiện hoàn toàn đúng như nguyên văn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nằm ở tính lâu đời (dẫn đến lỗi thời), khi trong văn bản gốc, các thầy thuốc đã thề trước những vị thần tiêu biểu của Hy Lạp. Một số yếu tố khác cũng trở nên không còn phù hợp hoặc rất khó để các bác sĩ tuân thủ trong bối cảnh hiện đại hôm nay. Chẳng hạn như lời kêu gọi đào tạo sinh viên ngành y miễn phí, hay các thầy thuốc không được sử dụng dao (phẫu thuật) và khuyên đối xử với thầy giáo như cha mẹ - nói cách khác, là coi con của giáo viên như anh em và đưa “người anh em” đó tiền, nếu thấy cần thiết.

Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp trường y vẫn noi theo, ở một chừng mực nào đó, các biến thể hiện đại của lời thề Hippcrates.

Mặc dù nhiều chi tiết trong lời thề gốc đã không còn phù hợp để có thể áp dụng trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội hôm nay (chẳng hạn như việc hợp pháp hóa nạn phá thai, bác sĩ trợ tử cho bệnh nhân và nhiều hành vi khác chưa xuất hiện trong thời đại của Hippocrates), nhưng các bác sỹ vẫn giữ vững những nguyên tắc thiêng liêng của lời thề: cam chết cứu chữa bệnh nhân bằng tất cả mọi năng lực, bảo vệ họ khỏi những tổn hại và bất công, đảm bảo bí mật cá nhân cho họ và truyền lại những kiến thức y học cho các thế hệ sau.