Năm qua, TS Phạm Thị Ly xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo, trong đó có KH&PT, với các bài viết về đề tài giáo dục. Ít người biết rằng, nhiều bài viết được chị chấp bút trong thời gian chờ đợi ở sân bay, trên máy bay, và khi dừng chân nơi khách sạn nào đó giữa hành trình lái xe nghìn dặm.
Bài viết dưới đây được chị đúc rút từ những chuyến đi, như một cách trả lời câu hỏi vì sao con người, dù ở lứa tuổi nào, vẫn không ngừng tìm kiếm trải nghiệm.
Có thời, người ta đánh giá giàu nghèo của con người qua số trâu bò, nô lệ hay nhà cửa, tiền bạc mà bạn sở hữu. Rồi đến thời người ta đánh giá giàu nghèo qua số gigabyte trong dung lượng bộ nhớ máy tính của bạn và giá trị của những thông tin mà bạn làm chủ. Còn bây giờ, người ta đánh giá giàu nghèo qua những trải nghiệm mà bạn đã có, bao gồm cả những hiểu biết và cảm xúc mà bạn tích lũy được trong những bối cảnh đa dạng của cuộc đời và những con người rất khác nhau mà bạn đã tiếp xúc.
Vì thế, rất nhiều người ở các quốc gia phát triển làm cật lực để dành tiền, có được tí ngày nghỉ là xách gói lên và đi. Trào lưu này gần đây đã lan rộng trong giới trẻ Việt Nam, với tên gọi “đi phượt”.
“Đi phượt” khác với du lịch theo lối mua tour trọn gói. Tour du lịch tiết kiệm thì giờ công sức và cả tiền bạc cho bạn, để bạn có thể đến được những danh lam thắng cảnh, những nơi nổi tiếng trên thế giới, chụp tấm hình ở đó và thậm chí khắc cả tên mình lên đâu đó, chỉ để chứng minh với người quen và cả thế giới là “tôi đã đến đây!”, “tôi đã có mặt/đặt chân/để lại dấu vết ở nơi này”. Nếu đó là tất cả mục đích của việc du lịch, thì thật đáng tiếc.
Nhìn tận mắt những công trình kiến trúc đồ sộ, những kiệt tác nghệ thuật, những di sản văn hóa đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm là một trải nghiệm thật lạ lùng và tuyệt vời. Nó cho bạn cảm giác một cách rõ ràng sợi dây kết nối bạn với hàng trăm, hàng ngàn thế hệ những người đi trước, những người giờ đây đã tan biến vào hư không. Bạn cảm thấy bạn là một phần của thế giới này, một mảnh nhỏ trong bức tranh mosaic lạ lùng. Bạn không có cảm giác đó khi xem tranh, xem phim, hay đọc truyện, đọc tài liệu lịch sử về những nơi ấy.
Nhưng không gì có thể thay thế việc quan sát và trò chuyện cùng với người bản xứ. Con người là một tạo vật đa dạng phong phú khác thường, một thứ được nhào nặn và định hình từ hoàn cảnh, môi trường, từ di truyền và giáo dục. Trong lúc con người ở đâu và từ nền văn hóa nào cũng chia sẻ những điểm chung, tình yêu, nỗi buồn, những khát khao cháy bỏng, những lo lắng và sợ hãi, những hy vọng và niềm tin, thì họ cũng đồng thời nhìn cuộc đời và sống một cách rất khác nhau. Việc hiểu được cuộc sống và cách nhìn, dù có thể rất khác, của người khác, lại giúp bạn soi chiếu đời mình, những quan niệm của mình, và lạ lùng thay, hiểu về chính bạn tốt hơn rất nhiều, thậm chí có thể thay đổi cả cuộc đời, lối nghĩ và lối sống của bạn.
Có một người bạn kể cho tôi nghe rằng cách đây vài năm, anh ấy lên núi sống với người Bahnar ở Kontum vài ngày. Mục đích là để đưa một ông giáo sư trường Đại học Hamburg (Đức) đi điền dã cho một công trình nghiên cứu về Tây Nguyên. Chuyến đi phải nhờ một nhà văn rất am hiểu vùng này sắp xếp giúp. Nhưng đến ngày vượt núi rừng để vào làng Bahnar, thì nhà văn không đi cùng được, anh ấy và ông giáo sư đi với một người dân bản địa dẫn đường. Đi bằng xe máy. Có những lúc đường không đi được, phải dắt bộ. Và cuối cùng gửi xe vào nhà dân, cuốc bộ hoàn toàn. Đêm đến, quanh ánh lửa, họ ngồi nghe người Bahnar hát. Hát thật. Khung cảnh thật. Tiếng hát vang lên từ con tim, chứ không phải dàn dựng như ở các buổi biểu diễn văn nghệ. Tuyệt hay. Rất khuya mới đi ngủ, tức là lăn ra nằm tại chỗ trên sàn. Những người Bahnar đó không than khổ bao giờ. Họ sống hồn nhiên. Bạn phải sống trong khung cảnh của họ để hiểu cách mà họ nhìn thế giới, và có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi nhìn lại những đau khổ và vật lộn mà bạn và những người trong thế giới của bạn đang trải qua, những mục đích mà bạn và những người trong thế giới của bạn đang theo đuổi.
Cảm nhận đó không nhất thiết cho thấy những gì bạn đang suy nghĩ hay theo đuổi là vô nghĩa hay vô ích. Nó chỉ cho bạn thấy rõ một điều, thế giới này rộng lớn bao la biết chừng nào, ngoài bầu trời này có bầu trời khác, ngoài cách nghĩ này, con đường này có vô vàn cách nghĩ khác, con đường khác. Bạn sẽ không khăng khăng coi mình là chân lý độc nhất nữa.
Con người có một khả năng kỳ diệu là khả năng tưởng tượng. Nhờ tưởng tượng, bạn có thể phân thân, bạn có thể đặt mình vào cương vị của người khác để suy nghĩ theo cách của họ. Nhờ tưởng tượng, con người tạo ra văn học và nghệ thuật. Nhờ tưởng tượng, con người sáng tạo ra bóng đèn điện, máy bay, trí tuệ nhân tạo, những thứ chưa từng tồn tại trên thế giới này cho đến lúc nó được tạo ra.
Tiếc thay, trong giáo dục, người ta quá nhấn mạnh tới việc cung cấp những kỹ năng và kiến thức để lao động trong những nghề hiện tại, mà ít chú trọng tới việc nuôi dưỡng tâm hồn, khả năng trải nghiệm, cảm nhận và phát triển trí tưởng tượng.
Khi trí thông minh nhân tạo đã trở nên tài giỏi hơn con người, kể cả trong những lĩnh vực sáng tạo xưa nay được coi là độc quyền của loài người, phải chăng khả năng trải nghiệm, cảm nhận và tưởng tượng sẽ là điều phân biệt con người với máy móc, sẽ là thứ khiến chúng ta thấy cuộc đời đáng sống hơn chứ không chỉ là lao động, kiếm ăn, và chết?