Có đoàn kịch Nga nọ đã quyết định rút lại kế hoạch lưu diễn ở Việt Nam sau khi tham khảo ý kiến của một số đoàn kịch khác từng lưu diễn ở đây. Nhưng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama của Nhà hát Không Tường, Nhật Bản, không chọn cách rút lui dễ dàng đó, kể cả khi nhóm của anh tiến hành khảo sát nhanh và nhận về toàn những thông tin bi quan.
Khảo sát cho thấy khán giả Việt Nam ít quan tâm đến kịch - họ thích xem phim trên truyền hình hoặc ở rạp hơn; những người có chút quan tâm thì phàn nàn “kịch Việt Nam chán lắm, làm chúng tôi mất dần hứng thú với sân khấu”. Nhưng Sugiyama tự tin rằng, nếu chứng minh được kịch nói “có những thứ mà truyền hình hay điện ảnh không có”, anh sẽ kéo được khán giả đến nhà hát.
Anh còn tự tin hơn khi chọn ngay vở kịch kinh điển của A.P Chekov với những lời thoại dài, xoay quanh những triết lý về ý nghĩa của cuộc sống, về sức mạnh phá hủy của lòng tham. Ở đó, các nhân vật chính thường dằn vặt bản thân với câu hỏi “ai đã đánh cắp đời ta hay chính ta đánh cắp nó”. Rõ ràng không phải là một tác phẩm để khán giả giải trí đơn thuần. Một nữ tiến sĩ vì công việc nghiên cứu của mình đã nhiều lần xem vở kịch “Cậu Vanya” ở Nga nhận xét, “vở kịch khá nặng nề”.
Bán vé một vở kịch Nga “nặng nề” cho những khán giả lâu nay chỉ thích xem phim truyền hình, phim bom tấn và ít nhiều mất lòng tin ở sân khấu - vậy Sugiyama đã làm gì để chứng tỏ mình tự tin chứ không hề liều lĩnh? Thực tế, phiên bản “Cậu Vanya” dưới bàn tay dàn dựng của anh đã được biến tấu khá nhiều, từ phục trang, thiết kế bối cảnh, lời thoại đến sự phối hợp các hiệu ứng thị giác. Có những đổi mới là ý đồ được tính toán kỹ lưỡng như cách bài trí sân khấu với bộ bàn ghế khổng lồ hay việc đưa vào các yếu tố đất, nước, lửa để tạo nên sự tương phản với các yếu tố phi tự nhiên như tai nghe, máy quay, quạt máy… Nhưng sự xuất hiện của chiếc xe cút kít hay nhân vật khuyết tật về thể chất - mà khán giả, không hiểu vì lẽ gì đó, quen gọi là “khỉ”, “đười ươi”, hoặc “tinh tinh” - hoàn toàn là những sáng tạo ngẫu hứng từ sự thích thú của cá nhân đạo diễn với chiếc xe tải cát lên sân khấu hay từ những động tác khởi động của một diễn viên trẻ... “Vở kịch trở nên dễ xem hơn rất nhiều và dù có cải biên nhưng vẫn giữ được những lời thoại hay nhất và quan trọng nhất,” nữ tiến sĩ nọ bình luận. “Tôi bừng hiểu nhiều điều trong triết lý của Chekhov mà cách xử lý của người Nga từng khiến tôi bối rối.”
Buổi diễn đầu tiên vào cuối tháng 11/2018, có những khán giả lục tục bỏ về vào khoảng nghỉ giữa giờ. Họ không tìm thấy kết nối nào với vở kịch có một quý bà được đẩy ra sân khấu trên chiếc xe cút kít, các lời thoại thì pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Nhật - vở kịch có sự tham gia của hai diễn viên Nhật Bản, trong đó Che Hemi vào vai nữ chính Elena, xuất hiện ở phần lớn các cảnh. Nhưng trong số những khán giả ở lại, có những người đã trở lại lần hai, thậm chí lần ba vào những suất diễn tiếp theo. Điều đó khiến Sugiyama thích thú hơn cả việc lôi kéo được đông khản giả đến nhà hát. “Đó mới đúng là kịch, như bài toán có rất nhiều lời giải, mỗi lần đến xem lại tìm ra một lời giải khác,” anh nói, hàm ý thưởng thức kịch là trò chơi dùng trí tưởng tượng để giải mã các phép ước lệ, ẩn dụ.
Cô gái trẻ phiên dịch cho Sugiyama trong suốt thời gian anh làm việc với các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, Sugiyama luôn đề cao trí tưởng tượng với các diễn viên. Trước mỗi buổi tập, anh đều yêu cầu họ khởi động bằng trò chơi tưởng tượng – lần lượt từng người phát ra một âm thanh và người bên cạnh phải hình dung ra một tình huống nào đó để diễn.
Bản thân Sugiyama vốn là diễn viên trước khi trở thành đạo diễn. Khi nhóm kịch của anh - gồm 3 nghệ sĩ kết thân với nhau từ khi còn là sinh viên - bắt đầu đi vào hoạt động chuyên nghiệp, anh quyết định phải học lấy nghề đạo diễn vì “cả nhóm toàn là diễn viên”. Đó là câu chuyện cách đây 10 năm, khi Sugiyama sang Moscow học nghề - giờ anh nói tiếng Nga vẫn trôi chảy.
Nói về sự giống và khác nhau giữa đời sống sân khấu Nhật Bản và Việt Nam, đạo diễn Sugiyama chia sẻ, “Ở Nhật Bản cũng có nhiều người thấy rằng chẳng có lý do gì đến nhà hát để xem kịch trong khi ở nhà có nhiều thứ hay ho hơn, hấp dẫn hơn và ít cần nghĩ ngợi hơn rất sẵn trên TV, trên internet. Nhưng các đoàn kịch rất chịu khó bỏ tiền ra để làm truyền thông. Họ chụp rất nhiều ảnh, quay video, sau đó lựa chọn những đoạn clip, những hình ảnh ‘kích thích’ nhất để giới thiệu trên trang web, trên tạp chí. Và khán giả Nhật một khi đã vào nhà hát thì dù không thấy hay thì họ cũng sẽ ngồi đến cùng, thể hiện sự tôn trọng công sức của đạo diễn và diễn viên.”
Nhóm kịch về sau lấy tên chính thức là Nhà hát Không Tường - chúng ta có thể hiểu rõ thêm về tên gọi của nhóm qua chính vở “Cậu Vanya”. Ở vở kịch này, đạo diễn không che giấu ý đồ xoá mờ mọi ranh giới, giới hạn: bối cảnh Nga mà cũng không Nga; những nhân vật đã vượt khỏi tính dân tộc mà tiến đến tính nhân loại; thời gian không đặc trưng cho thời đại nào; ngôn ngữ đan xen giữa hai thứ tiếng, và có cảm giác, nếu thêm vài thứ tiếng nữa, vài diễn viên “đa quốc gia” nữa cũng chẳng sao, vì tổng thể câu chuyện được diễn đạt không chỉ bằng ngôn ngữ.
Chỉ có 3 người, nhưng năm nào nhóm cũng dựng vở mới và chủ yếu sống nhờ tiền bán vé. Do người thầy của nhóm theo trường phái kịch Nga nên nhóm chuyên dàn dựng các vở kịch Nga. “Ở Nhật, người thầy ảnh hưởng rất mạnh đến con đường sự nghiệp của học trò sau này,” Sugiyama kể. Nhóm lưu diễn nhiều hơn cả ở các nước Đông Âu, nhưng cũng từng lưu diễn ở Pháp. Và nhờ tham gia vào một mạng lưới những người làm sân khấu ở Nhật Bản, nhóm có thể mời ngoài tất cả các khâu của một vở kịch. Vở “Cậu Vanya” cũng vậy, được chăm chút từ đầu đến cuối bởi các chuyên gia trong ngành sân khấu Nhật Bản, kể từ khâu bán vé.
Nhóm Không Tường khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến nhóm LucTeam của đạo diễn Trần Lực mới nổi lên thời gian gần đây qua các vở “Quẫn” của Lộng Chương, “Cơn ghen của Lọ Lem” của Moliere hay mới nhất là vở “Nữ ca sĩ hói đầu” của Eugene Ionesco. LucTeam đã đưa các vở kịch kinh điển trở lại sân khấu trong hình hài mới hoặc lạ mà ở đó các diễn viên trẻ bộc lộ vai trò đồng sáng tạo một cách chủ động và mạnh mẽ. Ngạc nhiên là, trong khi báo chí thường tỏ ý nghi ngại những cách tân của LucTeam khó được công chúng tiếp nhận thì trên thực tế các vở của nhóm đều bán vé tốt. Riêng vở kịch phi lý của Ionesco trong buổi ra mắt tối 12/1/2019 không những bán hết vé mà còn phải kê thêm ghế phụ. Đạo diễn Trần Lực đã không sai khi nói rằng, “chúng ta mang đến cho khán giả những vở diễn quá cũ kỹ rồi lại than phiền bị họ quay lưng”.
Sự xuất hiện của những nhóm kịch độc lập đầy sức sáng tạo và luôn đặt lòng tin vào khán giả như Không Tường hay LucTeam với những tác phẩm mà giá trị của chúng bước đầu đã được chứng thực bởi những khán giả sẵn lòng bỏ tiền mua vé, đang hứa hẹn một đời sống sân khấu sôi nổi trong năm mới này.
“Cậu Vanya” là tác phẩm đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ được thực hiện theo quy chuẩn dàn dựng của sân khấu Nhật Bản qua quá trình thảo luận, casting gần 3 năm và tập luyện, sáng tạo của các nghệ sỹ hai bên trong suốt 3 tháng. Vở kịch đã ra mắt ở Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long vào những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12/2018, và dự kiến sẽ đến Nhật Bản trong năm 2019. |