Lê Thị Phương Dung, học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, vừa trở thành thủ lĩnh của dự án tổ chức TEDx Đà Nẵng – một dự án toàn cầu đưa những câu chuyện truyền cảm hứng nhất đến giới trẻ. Khoa học và Phát triển hỏi chuyện cô thủ lĩnh này.
Sao học sinh cuối cấp, trường chuyên, không lo tập trung học để thi đại học hoặc du học mà lại đi lo chuyện tổ chức TEDx làm gì?
Về chuyện học, em không thích bản thân mình đi vào guồng quay chạy theo những giá trị bề nổi. Em cho rằng giáo dục như vậy là phản giáo dục nhất trên đời, và việc học qua cách làm dự án (project-based learning), học qua thử thách (challenge-based learning),... mới có ý nghĩa thực sự. Không ăn vài cái tát thì không bao giờ thực sự biết bị tát đau như thế nào.
Còn em, em không phải chỉ là Phương Dung. Em là sự tiếp nối và cộng hưởng của nhiều thứ khác trên cuộc đời. Và em tin là một việc gì đó em làm cũng ảnh hưởng đến làn sóng chung hết - điều quan trọng duy nhất là chuyện đó nhỏ hay lớn, xấu hay đẹp, đúng hay sai mà thôi. Dĩ nhiên, TEDx là một đóng góp nhỏ xíu.
Vả lại, em cũng đi nhiều lắm rồi, từ ăn cơm của ba mẹ, đến ăn cơm của xã hội. Dĩ nhiên là ba mẹ nào cũng không coi con mình là khoản đầu tư để rút lãi, và những ai làm dự án cho tiền em đi học cũng không mong cầu gì ở một đứa khùng khùng (như em). Nhưng em thấy, sống mà toàn đi nhận, mà thiếu tinh thần pay-it-forward thì chán, thế là em làm.
Tại sao lại chọn chủ đề của chương trình là “The Dead Child – Đứa trẻ đã chết”?
Cục pin lớn nhất của em là em trai ở nhà. Bạn thấu cảm rất tốt, và thậm chí có lần còn hỏi sao Ba Dung buồn chỉ vì nguyên buổi tối mình không nói với bạn lời nào. Bạn làm mọi thứ với hệ thống niềm tin của riêng mình, nghi vấn mọi vấn đề, và đặt vấn đề với sơ tâm.
Em thua bạn rất nhiều, ở chỗ sống hời hợt, và đôi lúc thiếu sự mềm mỏng, thấu cảm.
Tuy nhiên, em tin là đứa trẻ nào cũng có những điều như em trai em. Đây không phải là tài năng, mà là thiên bẩm cần được trui rèn, mà trong quá trình sống, có lúc chạy theo tiền bạc, deadline,..., “người lớn” đã lỡ mắc vô một cái guồng quay.
Ừa, mắc chỗ nào thì gỡ ra chỗ đó. Vì làm người mà không cảm thông, yêu thương, không khóc cười, thì còn gì vui nữa?
Với lại, trong tương lai, người ta không cần “knowledge workers” nữa rồi, không cần những ai giỏi quá và đâm đầu vô làm. Thay vào đó, người ta cần “smart creatives”, những người sáng tạo thông minh.
Đừng quên trẻ con là cỗ máy sáng tạo không biên giới.
Vậy tại sao lại mời một chuyên gia xăm mình làm diễn giả?
Tại sao không?
Ở Việt Nam, em thấy những việc như xăm hình, cà phê, nước hoa, hay chơi tẩu chưa được hiểu đúng. Nhiều người đi theo xu hướng vì thương hiệu, giá cả, và “nhìn cool ngầu”, hơn là những mách bảo thuần tuý từ bên trong. Vậy thì hãy tạo cơ hội cho những người xứng đáng được nói lên những gì mình nghĩ, và hãy mở rộng lòng mình để nhìn xăm hình như bản chất của nó - một môn nghệ thuật.
Với cả team TEDxBachDang, việc cân bằng năng lượng trong dàn diễn giả là quan trọng. Có người nhỏ, có người lớn, có nam, có nữ, có người làm kinh doanh, có người làm giáo dục, và cũng có người làm nghệ thuật. Em tin chị Lương Việt Nga sẽ thổi một làn gió với nhiều sắc màu vào bức tranh chung : sự trẻ trung, năng động, tính nữ, và sự mềm mại, sáng tạo của người làm nghệ thuật.
Tới giờ thì bạn đã học được gì, trưởng thành như thế nào trong quá trình tổ chức cái này?
Khi vào vị trí thủ lĩnh, em mới hiểu sâu được cảm giác của những bạn thủ lĩnh của em khi em “lầy” deadline ở mấy dự án trước. Đúng là không dễ chịu một xíu nào. Thế nên sau này, ai nhờ em làm gì mà nhắm làm được là em đặt hết cái tâm vô và làm cho trọn vẹn, giữ chữ tín. Em tin là mọi người cảm nhận được hết.
Hơn nữa, em học được một điều rất hay: làm việc với con người không chỉ là nói, không chỉ là trừng phạt, mà còn là thấu cảm, yêu thương, và truyền cảm hứng. Cái này ba em cũng có tâm sự, là đôi khi ba biết thợ của ba làm không đúng, nhưng tùy lúc, tùy người mà chọn im lặng, hay thẳng thắn, hay..hung dữ.
Rất khó, nhưng những thứ tốt đẹp đều cần nhiều thời gian.
17 tuổi, quá trẻ để được giới thiệu là “cựu chủ tọa” của ASEAN summit giả lập nhỉ? Câu chuyện về cái chức danh này như thế nào?
Lần đầu tiên em làm chủ tọa là lúc chương trình được tổ chức bởi Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, hồi tháng 09/2017. Lúc đó có anh chị kia thương em và biết em thích nên giới thiệu em vô làm. Và dù lúc đó em còn chưa đủ 16 tuổi, xém bị ban tổ chức cho dừng (vì đại biểu muốn tham gia thì phải 17+ chứ huống hồ chi chủ tọa), nhưng mấy anh chị đó nói đỡ cho em rất nhiều. Lần thứ 2 em đi làm chủ tọa ở Vinh, mới hồi hè vừa rồi, cũng vì được mọi người thương yêu. Em nghĩ câu chuyện không có gì ngoài việc cứ cởi mở và chân thành bước đi.
Nhưng mà 17 tuổi, nếu đi làm chủ tọa của ASEAN Summit thiệt thì mới đáng nói, chớ mô phỏng thì đâu có gì để bàn?
Nghe nói mới học xong Đại học không giảng đường về, có gì vui để chia sẻ không?
Dạ, em nghĩ là trải nghiệm ở Đại học Không giảng đường cho em rất nhiều khoảnh khắc “eureka” về bản thân, và em hiểu rằng không có gì quan trọng bằng những chuyển hóa từ bên trong. Có một khoảnh khắc em không bao giờ quên được là lúc bên dòng sông Hoài, ba bốn chục người lục đục dậy từ 4h sáng cùng nhau thực tập chuyển động trị liệu (movement therapy). Lăn lê, bò trườn trên cát, rồi lúc 8h cùng ôm nhau khóc. Có ai đặt tay lên lưng em vỗ vỗ, nhưng em không biết đó là ai cho đến tận bây giờ. Lúc đó em cũng không tin là mình dám khóc trước mặt nhiều người vậy...
Tụi em được học những thứ tụi em chưa bao giờ được học. Học về nghệ thuật hề (clowning) để chữa lành bản thân. Học về triết lý Tổng hạnh phúc quốc dân của Bhutan để có góc nhìn mới trong việc phát triển xã hội. Học về laddership (cách chơi chữ của “leadership” + “ladder” (cái bậc thang)) tức cách quản trị đội nhóm bằng tình yêu thương, sự nâng đỡ và sự thấu cảm. Thầy em cũng vừa nói một ý rất giống với laddership trong một lần gặp vừa rồi - đó là hãy tự “lead” bản thân mình trước khi “lead” một đội nhóm.
Ngoài ra, vui cái là lỡ mai mốt em có rớt đại học chính quy, thì em vẫn tự hào nói rằng “Hê hê tui có học đại học rồi nè!”.
Điều gì làm bạn tự hào nhất về mình?
Em được nhiều người thương yêu và nâng đỡ. Mọi người cần mẫn tha thứ và chấp nhận em. Em nghĩ không có gì đáng tự hào hơn điều này.
Vì sao Dung không muốn làm con ngoan trò giỏi theo công thức thường thấy?
Vì em học dở ẹc và em ý thức được điều đó. Đã dở mà còn cố thì mọi người kiểu gì cũng sẽ so sánh em với các bạn trong lớp. Nên thôi, em đi con đường riêng, trong hệ quy chiếu riêng, để lỡ có ngu thật thì người ta cũng thông cảm hay chậc lưỡi kiểu “chắc tại nó không chịu học chứ học chắc cũng không đến nỗi…”. Thiệt tình là em rất ngưỡng mộ ai học giỏi, chép bài cần mẫn và chịu học bài - em nghĩ đó cũng là một cách trong một ngàn cách.
Bạn nghĩ mình có phải là một cô gái nổi loạn không?
Nếu nổi loạn là không thỏa hiệp, là đứng lên bảo vệ cho hệ thống niềm tin của mình bất chấp việc bị cô lập, em nghĩ mình có. Và với em, mọi nỗ lực để “fit in” đều vô nghĩa. Chuyện ai đúng ai sai với em không quan trọng bằng chuyện cái gì đúng cái gì sai (trong tiếng Latin có một cụm rất hay mà em đặt làm motto của mình, là “veritas magis amicitiae” - sự thật quan trọng hơn tình bạn).
Cuối cùng thì định nghĩa thế nào về Dung là đúng nhất?
Không có định nghĩa nào đúng cả. Dung là một sinh vật thay đổi theo thời gian và không gian. Ai xui lắm thì gặp trúng lúc khó ở.
5 năm nữa, 10 năm nữa bạn sẽ như thế nào?
Có thể 5-10 năm nữa ngồi đọc lại là lúc em đang ru con ngủ. Có thể lúc đó em đi tu. Có thể lúc đó em đang là chủ một công ty kinh khủng lắm. Hoặc có thể em đang ở một vùng đất xa xôi nào đó và đi trồng cây.
Em không biết nữa, cũng không chắc, cũng ít khi nghĩ tới việc đó một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cuối cùng em chỉ mong rằng mình sẽ hạnh phúc.
Về nhà em, người mà ‘4.0’ nhất là ba và chị gái. Em được mặc đồ secondhand và rộng rãi, em được làm những gì em tin là đúng, được đi những nơi em muốn - miễn là em có lý do tốt và động cơ tích cực. Nhưng em tin là, để được như hôm nay thì em đã đấu tranh rất nhiều, và phần lớn thời gian em không thỏa hiệp với quan điểm ‘ba mẹ luôn đúng”.
Cảm ơn cô gái và chúc TEDx thành công.