Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào vừa ra mắt quyển hồi ký mới - Hoài niệm và mộng du - do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

Tiếp nối những ký ức dài miên man của một người phụ nữ Việt đi xuyên qua thế kỷ 20 – từ hình ảnh cô con gái nhỏ của một gia đình trí thức lớn, đến người vợ lính, người mẹ, nhà nghiên cứu khoa học – những hồi ức đó thông qua thời gian thăm thẳm được tác giả lọc lắng lại, trong trẻo, tỉ mỉ, nhân hậu, xót thương.



Theo dòng đời đến nay đã gần 90 năm của tác giả, cuốn hồi ký 235 trang gồm có 7 phần: Mùa hè - Biển thứ nhất của đời tôi, Từ mùa đông đến mùa thu, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, Đường tản cư qua bao suối lạ sông ngàn, Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, Hòa bình trở lại và Vỹ thanh - chu kì của đời người. Trong đoạn Vỹ thanh, tác giả lại đi ra biển như hồi thơ bé, như vòng tròn của cuộc sống mà sau đó là sự im lặng vĩnh hằng: “Xuân hạ thu đông, một chu kỳ khép kín. Ta sẽ được là cát ngoài khơi…”.

Giữa hai lần ra biển đó, tất cả các con đường mà người phụ nữ con cụ Đặng Thai Mai và gia đình đi qua, từ Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Sầm Sơn, Tân Trào, Việt Bắc, Hà Nội... đều bàng bạc nỗi sầu thương như mưa giăng. Về người chồng, trung tướng Phạm Hồng Sơn, người đã “đánh úp” vị Đại tướng nổi tiếng, anh Văn, khi khoái chí báo cáo sau một lần nghỉ phép rằng, “người hứa hôn với tôi ngẫu nhiên là em chị Hà, Tổng tư lệnh ạ!” Và cũng người trung tướng quanh năm đi trận đó, cuối đời khi mắc bệnh quên, y tá phải xúm lại trói chân tay làm xét nghiệm để mổ, đã gào lên, “Bác Hồ ơi! Bọn phản động đang định bắt tướng của Bác đây! Cứu với!”. Người vợ già lúc “nghe kể lại chỉ thấy buồn cười. Giờ đây, nghĩ lại mà xót xa”… Về người chị Đặng Thanh Lê nghịch ngợm hồi bé, thời thanh nữ có năm người yêu cũ hồi học Lam Sơn và Huỳnh Thúc Kháng, cuối đời mất trong lạnh lẽo, ừ cuộc biệt ly sinh tử nào chả đắng cay… Về những món ăn, những đồ vật xinh xắn, những cái đẹp trong quá khứ nay đã không còn tìm thấy. Người sắp già đọc hồi ký người quá già mà buồn quá, buồn như lẽ tất nhiên…

Cái thú vị đặc biệt của hồi ký là tính cá nhân. Những nhân vật lịch sử của thế kỷ 20 được Đặng Anh Đào miêu tả với góc nhìn cá nhân, kỷ niệm riêng tư nhiều lúc làm người đọc thú vị đến không ngờ. Là người bạn thân kiêu ngạo Trần Quốc Vượng, hay người bạn nổi tiếng khác - Vũ Tuyên Hoàng, khi hai gia đình Vũ Ngọc Phan và Đặng Thai Mai đi thuyền ngược sông Chu về tản cư ở Quần Tín, bên thuyền này là 2 chị em gái Đào và Lê, bên thuyền kia là Vũ Tuyên Hoàng và Vũ Huyền Giao đấu khẩu liên tục, cho đến gần sáng thiu ngủ thì con trai nhà họ Vũ lăn xuống sông, được vớt lên và bên này nghe tiếng bốp bốp phát vào mông mà cười khoái chí, đáng đời! Hay một người bạn hồi thiếu nữ ở Sầm Sơn của chị em nhà họ Đặng, da đen giòn, má lúm, mặc áo tắm không áo khoác, chơi đùa suốt bãi biển với Tây đầm, đẹp như một ánh sao băng, sau này là mẹ ca sĩ tài sắc nổi tiếng Thanh Lan, người mà tác giả thấy rằng vẫn không đẹp bằng mẹ.

Cuốn sách còn ghi lại những câu chuyện khác gần gũi xúc động về các nhà văn, các tác gia như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Sĩ Ngọc... Và từ những kỷ niệm riêng, từ những hiểu biết hết sức rộng lớn về văn học, triết học Ðông Tây, từ những cảm thụ tinh tế, người viết đã có những bình luận thoáng qua mà sâu sắc về những tác phẩm thơ ca, âm nhạc, hội họa của nền nghệ thuật kháng chiến và cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Cũng dễ hiểu, bởi đó là những bình luận được thốt ra tưởng chừng bâng quơ nhưng từ sự cẩn trọng về học thuật, vốn hiểu biết về đời sống, lặng lẽ mà cô đọng, cảm động.

Là nhà nghiên cứu văn học phương Tây nổi tiếng, tác giả đã kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc của tâm hồn phương Đông, làm cho tác phẩm có một vẻ chính xác để tra cứu mà lại lãng đãng rất thơ, rất nữ tính để miên man hoài niệm. Đặng Anh Đào đã yêu, đã nghiên cứu và dịch nhiều tác phẩm của Marcel Proust, và trong hồi ký của bà, “những thiên đường thực sự bao giờ cũng là những thiên đường đã mất” (Proust). Ðó không phải là cái nhìn bi quan, mà là một cái nhìn thông suốt, lạnh lùng mà ấm áp.