Tại sao bạn nên quan tâm đến việc nghiên cứu các đảng phái chính trị? Câu trả lời ngắn gọn là, hầu như tất cả những gì quan trọng trong đời sống chính trị Hoa Kỳ đều bắt rễ từ nền chính trị đảng phái. Các chính đảng là cốt lõi của nền dân chủ Hoa Kỳ và tạo nên hình hài của nền dân chủ ấy như hiện nay – giữ gần trọn vẹn như từ thời Lập quốc.
Vì sao bạn nên dùng cuốn sách này như chỉ dẫn để tìm hiểu về nền chính trị dân chủ tại Hoa Kỳ? Lời đáp ngắn gọn đó là cuốn sách này là chỉ dẫn tốt nhất bạn có thể có, và trải qua thời gian dài, đây vẫn đang là người dẫn đường xuất sắc nhất trong lĩnh vực này.
Vào những năm 1960, cuốn sách do một học giả đầy triển vọng có tên là Frank Sorauf1 thực hiện. Nối gót nghiên cứu quan trọng của ông về tác động của các đảng phái chính trị lên cơ quan lập pháp Pennsylvania2, Chính trị đảng phái tại Hoa Kỳ đã đưa ông trở thành học giả hàng đầu về đảng phái chính trị ở thế hệ của ông. Vào thời kỳ đó – bây giờ thì ít phổ biến hơn – không có gì lạ khi “giáo trình” (sách được biên soạn để sử dụng trong lớp học) không chỉ dừng lại ở việc cho người đọc biết những người khác viết gì về các chủ đề được nêu trong sách. Mà hơn thế, sách dành cho sinh viên còn được biên soạn để đưa ra luận điểm chặt chẽ về đề tài trong đó – nhằm lôi kéo người đọc theo lối rất thông minh. Về sau vẫn vậy, và với cuốn sách này, thì còn đến ngày nay.
Trong ấn bản lần thứ sáu, phát hành năm 1988, Frank đã đưa thêm Paul Allen Beck là đồng tác giả. Paul giữ vai trò tác giả bắt đầu từ ấn bản đó, tiếp theo là Marjorie Randon Hershey, bắt đầu từ ấn bản lần thứ chín năm 2001, cho tới ấn bản thứ mười sáu bạn sắp sửa đọc sau đây. Mỗi tác giả đều cân nhắc kỹ càng các nội dung chính yếu và quan điểm được trình bày trong những ấn bản trước đó. Điều này đảm bảo tính chất tiếp nối cao độ về mặt tri thức của các ấn bản Chính trị đảng phái tại Hoa Kỳ.
Có một số điểm nối tiếp quan trọng. Trước nhất, Sorauf, Beck, và Hershey rất tích cực sử dụng cách phân chia ba phần khi bàn về các đảng phái chính trị. Cụ thể hơn, họ phân chia đảng chính trị theo các vai trò về cử tri, điều hành và tổ chức. Ba mặt này của đảng tạo thành một hệ thống thống nhất (đôi khi lỏng lẻo, đôi khi lại chặt chẽ hơn) mang tới mức độ thống nhất nhất định cho các hoạt động khác biệt của bất cứ đảng chính trị nào.
Điểm nối tiếp thứ hai là Sorauf, Beck và Hershey xem hai đảng chính tại Hoa Kỳ là một hệ thống. Hệ thống lưỡng đảng từ lâu đã đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển lịch sử của nền chính trị Hoa Kỳ (đặc biệt đọc kỹ Chương 7). Dù hệ thống lưỡng đảng này có quan hệ mật thiết quan trọng đối với tính năng động của nền chính trị Hoa Kỳ, thì các tác giả cũng xem hệ thống lưỡng đảng là một phần của các nhóm trung gian trong xã hội. Như vậy, các tác giả hàm ý các đảng chính trị đóng vai trò là các đầu mối liên hệ giữa nhân dân và chính quyền (tôi tin rằng đây vẫn là nội dung nâng tầm cho cuốn sách với mười lăm ấn bản tới nay).
Điểm nối tiếp thứ ba là các tác giả đều là những học giả xuất sắc về đảng phái chính trị, và dù những sự tiếp nối này giúp cuốn sách giữ được dấu ấn tri thức riêng có, thì sự chuyển tiếp giữa các tác giả đã cho phép mỗi người phát huy thế mạnh riêng của mình trong cuốn sách. Paul Beck với sự nghiệp học thuật lỗi lạc, đã nghiên cứu về vai trò của đảng chính trị trong cử tri và bổ sung một cách tuyệt vời cho chuyên môn của Frank về vai trò điều hành. Paul, cũng như Frank và Marjorie Hershey, là chuyên gia về nền chính trị Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Paul, vượt trên hầu hết những người nghiên cứu về chính trị Hoa Kỳ như chúng ta, còn có kiến thức chân thực về chính trị học so sánh.
Marjorie Randon Hershey, thông qua kiến thức chuyên môn của mình, đã tạo nên đóng góp quan trọng cho một trong các vấn đề hóc búa nhất khi tiến hành nghiên cứu: Ứng viên và chiến dịch của họ đã định hình như thế nào và bị tác động ra sao từ các yếu tố thuộc về cử tri? Mối tương tác này kết nối hai thành phần quan trọng nhất của đảng, là bầu cử và điều hành, thành một tổng thể chặt chẽ hơn. Nhờ thế mà bà đã làm sáng tỏ một trong các vấn đề ngày càng gây hoang mang trong lĩnh vực này. Marjorie cũng nghiên cứu tường tận về vai trò của giới tính trong nền chính trị, khía cạnh chính trị đảng phái không chỉ đóng vai trò quan trọng từ bấy lâu nay ít nhất từ việc để phụ nữ có quyền bầu cử, mà còn đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh “khoảng cách giới” xuất hiện và ngày càng tăng. Cuối cùng, bà có hàng loạt đóng góp giúp chúng ta nắm được cách thức để hiểu về ý nghĩa của những sự kiện phức tạp. Một điểm đặc biệt của cuốn sách này là tăng cường sử dụng chuyện kể từ các nhân vật của đảng cả nổi tiếng và ít tiếng tăm, khiến cho nội dung trở nên sống động.
Không những mỗi tác giả bổ sung hiểu biết độc đáo và mới mẻ của mình về đảng phái chính trị khi tiếp nối vào đội ngũ học giả hàng đầu tạo nên cuốn sách này, mà mỗi ấn bản còn thêm sức sống mới cho văn bản khi xem xét đời sống chính trị của thời kỳ đó. Ấn bản lần thứ mười sáu này không phải ngoại lệ. Trong đó có một số khía cạnh liên quan cụ thể tới tình hình chính trị đương thời mà tôi thấy đặc biệt đáng suy ngẫm với các bạn.
Trích Lời giới thiệu củaJohn H. Aldrich, Đại học Duke
Chú thích:
(1) Frank Sorauf sinh năm 1928 và qua đời ngày 6/9/2013, khi ấn bản này đang trong quá trình thực hiện.
(2) Frank J. Sorauf, Party and Representation, Legislative Politics in Pennsylvania (New York: Atherton Press, 1963).