Chim cánh cụt quai mũ "chợp mắt" hơn 10.000 lần mỗi ngày, cho phép chúng liên tục để mắt đến tổ, bảo vệ trứng và chim con khỏi những kẻ săn mồi trong khi vẫn ngủ được tổng cộng 11 giờ mỗi ngày.

Trưởng nhóm nghiên cứu chim cánh cụt quai mũ trên đảo King George ở Nam Cực, Paul-Antoine Libourel của Trung tâm nghiên cứu khoa học thần kinh Lyon, cho biết: “Con người không thể duy trì trạng thái ngủ ngắn nhiều lần này, nhưng chim cánh cụt thì có thể. Trong thế giới tự nhiên, giấc ngủ phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với những gì chúng ta đã biết".

“Giấc ngủ trong quá trình sinh sản của chim cánh cụt quai mũ rất phân mảnh,” nhóm nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên tạp chíScience.Các giấc ngủ ngắn, liên tục, có thể thực hiện ít nhất một số chức năng phục hồi của giấc ngủ. Những con chim cánh cụt được nghiên cứu có thể ngủ đứng hoặc nằm.

Hình minh họa. Nguồn: Science

Giấc ngủ khiến các loài động vật dễ bị săn vì mất khả năng phản ứng nhanh.

“Giấc ngủ là cốt lõi của hành vi động vật và cũng chịu áp lực chọn lọc. Hầu hết các nghiên cứu về giấc ngủ đến nay được thực hiện ở chuột và người, nhưng nghiên cứu trên các loài khác cho chúng ta thấy nhiều đặc điểm của giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường,” Libourel nói.

Nhóm đã nghiên cứu chim cánh cụt quai mũ trong tự nhiên bằng cách sử dụng phương pháp theo dõi điện não đồ (EEG) và quay video liên tục. Giấc ngủ ngắn có thể được quan sát thông qua hoạt động của não liên quan đến giấc ngủ và việc nhắm mắt. Họ ghi nhận độ sâu của giấc ngủ tăng nhẹ vào khoảng giữa trưa, khi nguy cơ bị săn mồi ở mức thấp nhất.

Đối với chim cánh cụt quai mũ, một con bố mẹ sẽ ngồi trong tổ vài ngày trong khi đối tác đi kiếm ăn. Giấc ngủ kéo dài có thể khiến trứng hoặc con non của chúng có nguy cơ bị các động vật săn mồi ăn thịt.

Nhóm đã nghiên cứu 14 con chim cánh cụt đang ấp trứng, trong một đàn gồm hơn 2.700 cặp sinh sản và phát hiện rằng những con chim này đang thực hiện hàng nghìn giấc ngủ ngắn chỉ kéo dài 4 giây. Đây là phát hiện mới, chưa từng được biết đến trước đây.

Một số loài thường xuyên ngủ rất ít mà không ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của chúng khi thức. Có nghiên cứu cho thấy voi rừng châu Phi ngủ trung bình 2 giờ mỗi ngày và chủ yếu ngủ khi đứng. Đôi khi chúng đi suốt 48 giờ mà không ngủ.

Ở một số loài, có sự khác biệt giữa hai giới: ruồi giấm đực cần ngủ hơn 10 giờ mỗi ngày, trong khi con cái chỉ cần ngủ 4 giờ và có thể sống sót ngay cả khi ngủ ít hơn 15 phút.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các bằng chứng này thách thức quan điểm phổ biến về giấc ngủ, rằng ngủ là trạng thái thiết yếu quyết định hiệu suất của động vật khi thức giấc.

“Việc chứng minh rằng ngủ theo cách này không gây tổn hại gì cho chim cánh cụt sẽ thách thức cách giải thích hiện tại rằng sự phân mảnh là có hại cho chất lượng giấc ngủ,” các nhà nghiên cứu Christian Harding và Vladyslav Vyazovskiy đã viết trong một bài báo liên quan được xuất bản bởi Science.

Nguồn: