Chiêm tinh y học có nguồn gốc từ các nền văn minh ở khu vực Lưỡng Hà. Họ cho rằng sự di chuyển của Mặt trời, Mặt trăng và năm hành tinh qua các chòm sao trên bầu trời tượng trưng cho hoạt động của thần linh, và nó có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tật của con người.

Các nhà chiêm tinh y học nhìn vào biểu đồ sao ngày sinh của mỗi cá nhân để dự đoán các vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải trong suốt cuộc đời. Ảnh: Wikivisual.
Các nhà chiêm tinh y học nhìn vào biểu đồ sao ngày sinh của mỗi cá nhân để dự đoán các vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải trong suốt cuộc đời. Ảnh: Wikivisual.

Trong nhiều thế kỷ, con người tin các thiên thể trong vũ trụ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ. Sự trỗi dậy và sụp đổ của các vương quốc cũng như vận mệnh của mỗi cá nhân đều liên quan đến sự chuyển động của các thiên thể trên bầu trời. Đây chính là cơ sở nền tảng của chiêm tinh học. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người ta cho rằng Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau của con người, đặc biệt là sốt và điên loạn.

Giới khoa học tìm thấy những tài liệu cổ xưa nhất về chiêm tinh y học bắt nguồn từ nền văn minh của người Sumer, Babylon và Assyria tại khu vực Lưỡng Hà. Các nhà chiêm tinh khi đó đã cố gắng kết nối bệnh tật với sự chuyển động của các hành tinh – thứ được cho là phản ánh ý chí và ý định của các vị thần (người Babylon liên kết 5 hành tinh, Mặt trời, Mặt trăng với những vị thần khác nhau: sao Mộc với thần Marduk, sao Kim với thần Ishtar, sao Thổ với thần Ninurta, sao Thủy với thần Nabu, sao Hỏa với thần Nergal, Mặt trời với thần Shamash và Mặt trăng với thần Sin).

Trong thời kỳ Trung cổ, chiêm tinh y học và thiên văn học trở nên quen thuộc với người phương Tây, đặc biệt là người Hy Lạp. Đến cuối thời kỳ Trung Cổ và đầu thời hiện đại, người ta tin rằng các bộ phận trên cơ thể người chịu sự chi phối của các dấu hiệu hoàng đạo, hoặc cung hoàng đạo khác nhau. Ví dụ, phần đầu bị ảnh hưởng bởi cung Bạch Dương, trong khi cổ họng chịu tác động của cung Kim Ngưu. Do đó, những người sinh ra thuộc cung hoàng đạo Bạch Dương thường mắc các bệnh ở đầu, còn những người thuộc cung Kim Ngưu thường mắc bệnh liên quan tới cổ họng.

Vào cuối thời kỳ Trung Cổ, các nhà chiêm tinh y học tin rằng cung hoàng đạo chi phối bệnh tật của con người. Ảnh: Wikimedia.
Vào cuối thời kỳ Trung Cổ, các nhà chiêm tinh y học tin rằng cung hoàng đạo chi phối bệnh tật của con người. Ảnh: Wikimedia.

Tuy nhiên đến thế kỷ 17, cuộc các mạng khoa học đã làm thay đổi căn bản chiêm tinh y học phương Tây. Các nhà chiêm tinh không chỉ dựa vào biểu đồ sao ngày sinh (natal chart) và tác động siêu nhiên, họ bắt đầu có những giải thích khoa học về ảnh hưởng của các thiên thể trong vũ trụ đối với sức khỏe con người. John Gadbury, một nhà chiêm tinh y học nổi tiếng thời bấy giờ, tin rằng các hành tinh gây ra nhiễu loạn trong khí quyển, từ đó ảnh hưởng đến con người và động vật sống bên dưới.

Robert Boyle, một trong những người tiên phong của ngành hóa học hiện đại, đã làm cho chiêm tinh y học trở nên đáng tin hơn về mặt khoa học khi đề xuất giả thuyết các hạt có nguồn gốc từ những thiên thể trên bầu trời ảnh hưởng đến khí quyển Trái đất. Tuy nhiên, Boyle không nói rõ bản chất của các hạt này là gì.

Ý tưởng của Robert Boyle đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác quan tâm đến y học. Họ phát triển các lý thuyết liên quan đến những căn bệnh do Mặt trăng gây ra. Phương pháp tiếp cận của họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hiện tượng tự nhiên để giải thích tác động của các thiên thể, đặc biệt là Mặt trời và Mặt trăng, đối với sức khỏe con người.

Bác sĩ Richard Mead người Anh đã viết một chuyên luận về cách thức lực hấp dẫn của Mặt trăng ảnh hưởng đến chất lỏng trong cơ thể người giống như cách nó tạo ra thủy triều trên đại dương. Khi các chất dịch của con người bị nhiễu loạn, nó có thể gây ra những căn bệnh khác nhau. Mead tin rằng lực hấp dẫn của Mặt trời và Mặt trăng thay đổi sẽ tác động đến hoàn lưu khí quyển và ảnh hưởng đến chất lượng không khí, thứ mà ông nói là “yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe”. Những tác động này làm trầm trọng thêm các cơn sốt và nhiều căn bệnh khác.

Các nhà chiêm tinh cho rằng ảnh hưởng của những thiên thể đặc biệt mạnh ở vùng nhiệt đới. Do đó, chiêm tinh y học trở nên phổ biến trong số các bác sĩ hành nghề ở vùng xích đạo. Ngoài trọng lực, nhiệt độ cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe – vì vậy, một số bệnh sẽ tồi tệ hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày, tùy thuộc vào vị trí của Mặt trời và Mặt trăng.

Giống như thời kỳ Trung Cổ, các nhà chiêm tinh sau thế kỷ 17 tin rằng tồn tại mối liên hệ giữa chứng điên loạn và các giai đoạn [pha] khác nhau trong chu kỳ của Mặt trăng. Sự khác biệt chính là cách họ lý giải nó. Lời giải thích của các nhà chiêm tinh cổ đại mang tính chất huyền bí, trong khi các nhà chiêm tinh đầu thời hiện đại cố gắng dựa vào khoa học tự nhiên.

Sau thế kỷ 19, nhiều kiến thức của chiêm tinh y học không còn phù hợp với nền tảng y học hiện đại phương Tây. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu không tìm ra bằng chứng nào cho thấy Mặt trăng ảnh hưởng đến tình trạng sốt và chứng điên loạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết mối tương quan giữa thiên văn học và sức khỏe con người không phải là không có cơ sở. Một số thiên thể thực sự có tác động đến sức khỏe của chúng ta. Ví dụ, ánh sáng từ Mặt trời giúp cơ thể tạo ra vitamin D khi nó tiếp xúc với da. Trong khi đó, những người tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng Mặt trời có thể bị cháy nắng và ung thư da. Nhiệt độ Mặt trời cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến khí hậu và thời tiết, qua đó tác động đến sức khỏe con người.

May mắn là từ trường Trái đất bảo vệ chúng ta tránh khỏi tác hại của tia vũ trụ [các hạt mang năng lượng cao, di chuyển với vận tốc rất lớn trong không gian]. Nhưng nếu các phi hành gia vượt ra ngoài sự bảo vệ của từ trường Trái đất, sức khỏe của họ có thể bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tia vũ trụ tác động xấu đến não, gây tổn hại hoặc làm ngắn telomere [mũ DNA ở đầu nhiễm sắc thể] – thứ có liên quan đến bệnh ung thư và lão hóa. Đây là thách thức mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phải đối mặt khi dự định đưa con người bay xa hơn vào không gian sâu, đặc biệt là tới sao Hỏa, trong tương lai gần.