Những “thảm kịch” về trồng cây
Trong các nền văn minh cổ xưa nhất ở Ai Cập, Hy Lạp và Trung Hoa, việc trồng cây ở thành thị đã xuất hiện. Nhưng cây xanh và rừng đô thị thực sự chỉ bắt đầu nở rộ từ thế kỷ 19.
Toronto (Canada) - được mệnh danh “Thành phố của cây” - là một trong những nơi thành công nhất thế giới về trồng cây xanh đô thị. Hiện Toronto có gần 20% diện tích được phủ xanh với 10,2 triệu cây, giá trị khoảng 7 tỷ USD. Trước khi có thành tựu này, Toronto từng nếm những thất bại đau đớn.
Việc trồng ồ ạt cây du đã làm lây lan dịch bệnh từ cây du Hà Lan, khiến 80% số cây du bản địa của Toronto bị chết vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Phải rất nhiều năm sau, chiến dịch cứu cây du mới thành công, nhưng cũng không thể phục hồi như trước.
Sau đại dịch đó, cây phong Na Uy được xem như ứng viên sáng giá cho đô thị Toronto và nhiều thành phố khác của Bắc Mỹ, ngày càng được trồng nhiều. Nhưng tới mùa lá rụng, chúng trở nên trơ trụi, đặt ra vấn đề về thẩm mỹ cho thành phố. Từ chuyện đó, Toronto đã nghĩ tới sự cần thiết bảo đảm đa dạng sinh học khi trồng cây cho đô thị. Hiện thành phố có 10 giống cây phổ biến (chiếm 57,7%) và đặc biệt khuyến khích các cây bản địa.
Nổi tiếng không kém Canada về độ phủ xanh đô thị, Singapore trong chiến dịch Garden City (Thành phố vườn) phát động năm 1963 cũng từng mắc sai lầm khi chọn trồng rộng rãi giáng hương Ấn (Angsana). Cây này được chọn bởi có thể gieo bằng hạt hoặc cắt dâm cành rất nhanh sau khi ghép, đáp ứng nhu cầu rất lớn và cấp bách về số lượng cây trồng trong đô thị.
Hơn 20.000 cây giáng hương Ấn đã mọc lên trong những năm 1969-1982, đem lại bóng mát tức thì cho các đường phố, công viên. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của nó nhanh chóng biến mất khi người ta nhận ra loài cây phát triển nhanh này phải được cắt tỉa cành thường xuyên, cành lại dễ gãy khi có mưa lớn, đe dọa người đi đường.
Mặt khác, trong những năm đầu thế kỷ 20, cây Angsana ở Malaysia và Singapore từng bị tiêu diệt bởi một loại bệnh nấm vẫn luôn rình rập tái phát. Đúng vào những năm 1980, đại dịch này đã trở lại, hơn 800 cây giáng hướng Ấn ở Singapore đã nhiễm bệnh khiến các chuyên gia phải mất nhiều công sức cứu chữa.
Chiến lược tương lai cho đô thị xanh
Sau các thất bại, người Singapore đã thay đổi chiến dịch trồng cây đô thị, chú trọng nhiều hơn tới đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý cây xanh. Chỉ số đa dạng sinh học thành phố với 23 tiêu chí được nhiều thành phố ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand, Nam Mỹ áp dụng.
“Khi Singapore ngày càng được đô thị hóa, chúng tôi cần cây xanh không chỉ đẹp mà còn đảm bảo cho môi trường bền vững và dễ sống. Vì thế Singapore đã quyết định chuyển mình theo chiến dịch “Thành phố trong vườn” mà ở đó, cây được trồng phổ biến ngay cả trên bức tường thẳng đứng hay mái nhà. Đa dạng sinh học sẽ được làm giàu ngay cả trong cảnh quan đô thị” - tiến sỹ Lena Chan - Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học quốc gia Singapore - nói.
Chiến lược trên của Singapore khiến người ta nhớ đến chiến lược “The Forest City” (Thành phố rừng) ở Anh cuối thế kỷ 19 với mô hình xây dựng thành phố được bao bọc bởi một khu rừng. Phương châm của London cũng giống nhiều đô thị khác, tiêu chí rừng và cây đô thị khỏe, đa dạng và có khả năng mở rộng lớn được xem là ưu tiên. “Trồng đúng cây, đặt đúng chỗ” đã trở thành nguyên tắc căn bản trong quản lý rừng đô thị của người Anh.
Nhiều thành phố đã tính đến vấn đề đa dạng cây trồng, chú trọng những giống cây ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thích ứng với sự ấm lên của Trái đất, Toronto đã bắt đầu chọn trồng các loại cây chịu nóng và hạn tốt hơn như phong Acer campestre, cây đoạn lá bạc…
Thống kê của Liên Hợp Quốc cho biết có hơn một nửa dân số toàn cầu sống ở thành phố. Tỷ lệ này sẽ còn cao hơn, dự kiến tới năm 2050 sẽ có 66% dân số sống ở các vùng đô thị, trong đó 95% dân số sống ở các đô thị thuộc các quốc gia đang phát triển. Áp lực đối với “lá phổi xanh” của thành phố trong nay mai vì thế sẽ càng lớn.
“Sự đa dạng về loài, về độ tuổi và cấu trúc cây có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng đô thị, đảm bảo được sự cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái lâu dài của cây xanh đô thị khi phải đối mặt với các thách thức” - các chuyên gia về đa dạng cây xanh đô thị cho biết.