Bắc ngang sông Thames tại vị trí nằm giữa hai cây cầu Blackfriars và Hungerford ở vùng Đại London (Great London) là cầu Waterloo Bridge hết sức nổi tiếng.

Du khách khi đến với London, đứng trên cầu Waterloo có thể bao quát toàn bộ quần thể kiến trúc Westminster1, quận thương mại và giải trí South Bank lẫn Vòng quay Thiên niên Kỷ (London Eye) ở phía Tây; thành phố London (the City of London) và trung tâm thương mại Canary mới nổi ở phía Đông.

Cầu Waterloo tại London. Ảnh: Maurie Hill | Dreamstime.com.

Mặc dù được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của người Anh cùng liên minh Anh – Hà Lan – Phổ trước quân đoàn của Napoleon trong trận Waterloo (1815), nhưng cây cầu hiện nay lại thường được gọi một cách dân giã là “cây cầu của những người phụ nữ” (The Ladies’ Bridge).
“Những người đàn ông đã xây cầu Waterloo quả thực rất may mắn. Dù cho tên tuổi họ có thể bị lãng quên nhưng thành tựu này của họ sẽ mãi là niềm tự hào cho cả London và các thế hệ mai sau”. Đó là lời phát biểu của ngài Herbert Morrison (1888 – 1965) – lãnh đạo Hạ Viện và Phó Thủ tướng trong Chính phủ Attlee (1945 – 1951) ngay sau khi kết thúc Thế chiến II – trong lễ khánh thành cây cầu vào tháng 12/1945. Mặc dù mang hàm nghĩa tích cực, nhưng những lời của ông Morrison lại không hề đề cập tới một số lượng đáng kể các nữ công nhân đã tham gia xây dựng và hoàn thiện cây cầu.

Cầu Waterloo ban đầu mang tên là cầu Strand, được xây dựng trong khoảng thời gian 1811 – 1817 bằng đá granit, dài hơn 750 m, bao gồm chín mái vòm với các cột đá đôi mang phong cách Doric (Hy Lạp cổ đại) chống đỡ. Sau hơn 100 năm, cây cầu vẫn ở trong tình trạng tốt, nhưng do lưu lượng giao thông ngày càng lớn, một trong những trụ cầu bắt đầu lún xuống khiến cầu đối diện với nguy cơ sụp đổ. Vì thế, sang thập niên 1930, Hội đồng Thành phố London quyết định cho tháo dỡ cây cầu và thay thế nó bằng một kiến trúc mới do Sir. Giles Gilbert Scott (1880 – 1960), kiến trúc sư nổi tiếng, thiết kế.


Ảnh: Daily Herald Archive/Bảo tàng Quốc gia Khoa học và Truyền thông/Thư viện Ảnh Khoa học và Xã hội.

Tại thời điểm Thế chiến II bùng nổ năm 1939, một phần lớn của công trình đã được hoàn thiện. Những người đàn ông sau đó lại bị gọi nhập ngũ và khoảng trống do họ để lại, không còn cách nào khác, phải để cho phụ nữ lấp đầy. Theo ước tính, năm 1939, có khoảng 500 công nhân nam xây dựng cầu Waterloo, nhưng sang năm 1941, con số này giảm xuống chỉ còn 50. Mặc dù rất khó để đưa ra con số chính xác về tỷ lệ công nhân nữ, nhưng theo Hiệp hội Kỹ nghệ của Nữ giới (Women’s Engineering Society) tính toán: có thể đã có khoảng 350 phụ nữ làm việc tại Waterloo. Tuy nhiên, người ta lại tìm thấy rất ít tài liệu ghi chép về họ. Do nhà thầu Peter Lind & Company phá sản và thanh lý phần lớn tài sản trong thập niên 1980, hồ sơ lưu trữ về người lao động của công ty, bao gồm các nữ công nhân xây cầu Waterloo, cũng thất lạc theo.

Nhờ vào nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ của nhà sử học Christine Wall mà chúng ta hôm nay mới có một vài bức ảnh về những đóng góp thầm lặng của họ. Ngoài ra, Wall còn kết hợp với đạo diễn Karen Livesey để cho ra tác phẩm The Ladies’ Bridge – kể lại câu chuyện về đội phụ nữ đã xây cầu Waterloo Bridge trong thời chiến khốc liệt với lời kể và trải nghiệm của các nhân chứng trong cuộc.

Không quá khi nói rằng thủ đô London của nước Anh chính là thành phố của những cây cầu (số lượng hiện tại là 35 nhưng có thể sẽ còn tăng thêm nữa). Nếu thiếu chúng thì có lẽ London đã chẳng tồn tại và nổi tiếng đến vậy. Các cây cầu không chỉ đóng vai trò là tuyến giao thông nối liền bờ Bắc với bờ Nam sông Thames mà còn là biểu tượng, linh hồn của thành phố. Tuy nhiên, người Anh cũng lại là một dân tộc vô cùng thực dụng khi vào năm 1967, Hội đồng Thành phố London quyết định bán cầu London Bridge - đang sụt lún 0,3 cm mỗi năm - cho triệu phú dầu mỏ Mỹ Robert McCulloch với giá 2,46 triệu USD chỉ vì muốn tiết kiệm ngân sách tháo dỡ cây cầu, bất chấp làn sóng phản đối của nhiều người dân. Tuy nhiên, đề xuất này cũng lại nhận được không ít sự quan tâm, trong đó một cậu bé 7 tuổi từ Canada còn gửi thư kèm theo 2 USD: “Mẹ cháu nói là các ông định bán cây cầu. Cháu có mua được không?”. Năm 1971, cây cầu được phục dựng và khánh thành tại một khu bất động sản ven hồ Havasu ở tiểu bang Arizona bằng một chương trình phô trương hổ lốn nhất trong lịch sử. Thương vụ này đã mang lại cho McCulloch thành công đáng kể về mặt thương mại sau khi tiêu tốn tổng cộng 7,5 triệu USD.

Chú thích:
1. Westminster là khu vực công quyền xung quanh Cung điện Buckingham, có quảng trường Trafalgar Square – nơi tổ chức lễ Diễu hành Kỵ binh. Các quán rượu tấp nập trên phố Whitehall là nơi mà ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chính trị gia hòa lẫn với dòng người bận rộn. Tại tòa nhà Quốc hội dọc sông Thames là tháp chuông đồng hồ Big Ben biểu tượng. Bên trong tu viện Westminster (tên đầy đủ: Nhà thờ kinh sĩ đoàn Thánh Peter tại Westminster, được xây dựng từ năm 960, xây lại năm 1517, đến thế kỷ 18 thì xây thêm phần tháp chuông) có mộ phần của nhiều vĩ nhân lịch sử như Issac Newton, Charles Darwin, Stephen Hawking, …