Tiến sĩ Nicholas Reeves và các cộng sự sẽ sử dụng radar không xâm lấn để kiểm tra ngôi mộ Vua Tutankhamun nhằm xác định xem liệu Nữ hoàng Nefertiti có được an táng tại đây hay không.
Cách đây hơn 1 tháng, nhà khảo cổ học người Anh Nicholas Reeves đã gây xôn xao dư luận khi công bố giả thuyết xác ướp của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti nằm ở trong chính khu mộ chôn Vua Tutankhamun - con trai của bà.
Cách đây hơn 1 tháng, nhà khảo cổ học người Anh Nicholas Reeves đã gây xôn xao dư luận khi công bố giả thuyết xác ướp của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti nằm ở trong chính khu mộ chôn Vua Tutankhamun - con trai của bà.
Ngày 28/9 vừa qua, ông Reeves cùng một nhóm các nhà khoa học đã tới mộ của Vua Tutankhamun tại thung lũng các vị vua ở Luxor (Ai Cập) để tìm cách chứng minh cho giả thuyết này mà ông tin rằng “có thể là một phát hiện khảo cổ học vĩ đại nhất từ trước tới nay”.
Được biết, tiến sĩ Nicholas Reeves và các cộng sự sẽ sử dụng radar không xâm lấn để kiểm tra ngôi mộ Vua Tutankhamun nhằm xác định xem liệu Nữ hoàng Nefertiti có được an táng tại đây hay không. “Các nhà khoa học đã được chúng tôi cho phép sử dụng radar trong vòng một tháng để tiến hành nghiên cứu. Sở dĩ có quyết định đó vì họ cam đoan sẽ không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho công trình khảo cổ này” - Mouchira Moussa, cố vấn truyền thông của Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Mamdouh Eldamaty - cho hay.
Các nhà khoa họcsẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cho đến khi công việc nghiên cứu kết thúc. Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Mamdouh Eldamaty cho hay, ngôi mộ của Vua Tutankhamun sẽ tạm thời đóng cửa từ tháng 10/2015 để tiến hành trùng tu.
Theo ông Mamdouh Eldamaty, đây là động thái nhằm “bảo tồn, bảo vệ ngôi mộ - vốn là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất Ai Cập”. “Xác ướp của Vua Tutankhamun sẽ được chuyển vào một căn phòng phụ trong khu mộ”- ông Mamdouh Eldamaty cho hay. Hiện chưa rõ việc trùng tu ngôi mộ này kéo dài bao lâu. Khu mộ Vua Tutankhamun vốn nổi tiếng là chứa nhiều báu vật. Trong số này, đáng chú ý nhất là chiếc mặt nạ bằng vàng nặng 11kg, nạm ngọc và đá quý.
Vào tháng 1/2015, giới khảo cổ và những người quan tâm đến chiếc mặt nạ 3.300 năm tuổi này đã thực sự choáng váng trước sự tắc trách đến khó tin của các nhân viên thuộc Bảo tàng Ai Cập. Số là trong quá trình trùng tu, những người này đã làm bộ râu của chiếc mặt nạ bị gãy rời ra. Để sửa chữa, họ đã đổ một loại keo không phù hợp để dán nó lại. Kết quả là keo đã chảy đầy ra cằm của mặt nạ. Sau đó, những người này lại tiếp tục dùng dao để cạo sạch lớp keo!
Lê Mai (Theo Aljazeeeza)