Với sải cánh dài 182cm, chim chiến (chim Frêgat) có thể bay nhiều tuần mà không cần chạm đất và nghỉ ngơi.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tự hỏi tại sao chúng có thể bay liên tục nhiều ngày như vậy. Bí ẩn này vừa được Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp “bật mí”.
Chim chiến sống chủ yếu trên biển. Thói quen của chúng trên đất liền không được biết đến nhiều. Do đó, các nhà khoa học bắt đầu theo dõi chúng ở Ấn Độ Dương. Trưởng nhóm nghiên cứu Henri Weimerskirch cho biết, họ gắn thiết bị theo dõi bằng vệ tinh có khả năng đo nhịp tim và chức năng cơ thể khác lên 12 con chim chiến.
Các dữ liệu thu thập được cho thấy lũ chim chiến có thể bay ở độ cao ít nhất là 1.500m và sau đó có thể đạt đến 4.000m. Chưa từng có loài chim nào bay ở độ cao lớn đến như vậy so với mực nước biển. Điều đáng ngạc nhiên là theo lẽ thường, việc bay như vậy sẽ mất rất nhiều năng lượng; thế nhưng, các thiết bị theo dõi nhịp tim của chim lại cho thấy chúng chẳng có vẻ gì khó nhọc.
Những con chim chiến đã tận dụng độc chiêu để ít tiêu tốn năng lượng khi bay hàng nghìn kilômét mỗi ngày. Đầu tiên, chúng bay vượt lên trên những đám mây rồi nương vào đó, tận dụng lực nâng của mây và gió. Chim chiến làm được điều này do tỷ lệ bề mặt của cánh so với trọng lượng cơ thể của chúng lớn.
Bí quyết thứ hai là chim chiến nương theo các cơn gió có khả năng phá vỡ sóng biển để săn sinh vật phù du hay cá nhỏ lên mặt biển kiếm ăn. Nhờ cách này, chúng có thể bay không nghỉ hàng tháng trời mà không phải đặt chân lên đất trước khi kết thúc hành trình. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Science.
Việt Hưng (Theo Upi)