Hôn nhân cận huyết của người Ai Cập cổ đại có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, các Pharaoh Ai Cập dường như không quan tâm đến những vấn đề này. Họ tin rằng hôn nhân cận huyết là điều cần thiết để duy trì quyền lực và sức mạnh của hoàng gia.

Ảnh: Newslinereport.
Ảnh: Newslinereport.

Nhiều người nói rằng các thành viên hoàng gia Ai Cập cổ đại thường kết hôn trong nội tộc, nghĩa là các vị Pharaoh kết hôn với anh chị em ruột, hoặc thậm chí cả con gái của họ. Nhưng điều này có đúng hay không?

Câu trả lời là có. Không phải chỉ riêng hoàng gia mà ngay cả dân thường ở Ai Cập cổ đại cũng kết hôn cận huyết với họ hàng của họ, nhưng thực tế có thể khác nhau tùy theo từng thời kỳ và tầng lớp xã hội.

Trong thời gian người La Mã cai trị Ai Cập từ năm 30 trước Công nguyên đến năm 395 sau Công nguyên, việc kết hôn giữa anh chị em thường xuyên xảy ra trong dân chúng nói chung, nhưng hiếm hơn ở các thời kỳ trước đó. Trong khi đó, tập tục kết hôn cận huyết của các thành viên hoàng gia Ai Cập phần nào phản ánh niềm tin tôn giáo của họ.

“Vấn đề loạn luân ở Ai Cập cổ đại đã gây ra nhiều cuộc tranh luận giữa các học giả”, Marcelo Campagno, nhà nghiên cứu tại Đại học Buenos Aires và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Argentina (CONICET), cho biết.

Các ví dụ về những vị vua Ai Cập kết hôn với anh chị em của họ bao gồm Pharaoh Senwosret I (trị vì từ năm 1961 trước Công nguyên đến năm 1917 trước Công nguyên), người đã kết hôn với em gái mình tên là Neferu. Tương tự, Pharaoh Amenhotep I (trị vì từ năm 1525 trước Công nguyên đến năm 1504 trước Công nguyên) kết hôn với em gái Ahmose-Meritamun; và nữ hoàng Cleopatra VII (trị vì từ năm 51 trước Công nguyên đến năm 30 trước Công nguyên) kết hôn với em trai Ptolemy XIV trước khi ông bị giết.

Không những vậy, Pharaoh Ramesses II (trị vì từ năm 1279 trước Công nguyên đến năm 1213 trước Công nguyên) thậm chí đã lấy Meritamen, một trong những con gái của ông làm vợ.

Các pharaoh ở Ai Cập thường có nhiều vợ và thê thiếp, và những cuộc hôn nhân loạn luân đôi khi sinh ra những đứa con dị tật.

“Hôn nhân cận huyết đã góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe của Pharaoh Tutankhamun”, theo kết quả nghiên cứu của Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, và cộng sự được công bố trên tạp chí JAMA vào năm 2010. Các dữ liệu phân tích xác ướp cho thấy Pharaoh Tutankhamun có một hàm răng hô, khuôn mặt lệch, một bàn chân bị vẹo, hông dị tật và có thể mắc bệnh động kinh.

Hôn nhân cận huyết phản ánh niềm tin tôn giáo

Nhiều thành viên hoàng gia Ai Cập kết hôn cận huyết để bắt chước cách làm của Osiris và Isis, hai vị thần Ai Cập là anh em ruột kết hôn với nhau.

“Osiris là một trong những vị thần quan trọng nhất trong tôn giáo ở Ai Cập. Vợ ông, Isis, cũng là em gái của ông theo vũ trụ quan của người Ai Cập cổ đại”, Leire Olabarria, giảng viên về Ai Cập học tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết. “Vì vậy, Pharaoh và các thành viên hoàng gia kết hôn với họ hàng gần để noi gương Osiris và Isis, đồng thời duy trì hình ảnh của họ như những vị thần trên Trái đất.”

Campagno cũng đồng ý với quan điểm của Olabarria khi cho rằng cuộc hôn nhân Osiris và Isis giúp giải thích lý do tại sao hoàng gia Ai Cập kết hôn cận huyết với niềm tin duy trì dòng máu hoàng gia thuần khiết. Các Pharaoh được coi là hậu duệ của các vị thần, và hôn nhân cận huyết sẽ giúp họ duy trì quyền năng và sức mạnh của các vị thần.

Theo nhà nghiên cứu Olabaria, chúng ta khó phát hiện hôn nhân giữa anh chị em sau khi Ai Cập bắt đầu thời kỳ Tân Vương quốc (kéo dài từ năm 1550 trước Công nguyên đến năm 1070 trước Công nguyên) vì những thay đổi trong cách sử dụng từ ngữ của người Ai Cập. Ví dụ, thuật ngữ “snt” thường được dịch là “chị em gái” nhưng ở thời kỳ Tân Vương quốc, người ta cũng dùng thuật ngữ này để nói về vợ hoặc người yêu.

Thời kỳ La Mã cai trị

Trong số những người không thuộc hoàng gia, hôn nhân giữa các thành viên trong gia đình dường như không trở nên phổ biến cho đến khi người La Mã cai trị Ai Cập. Các tài liệu ghi chép cho thấy có một số lượng lớn cuộc hôn nhân giữa anh chị em trong thời kỳ này.

Đây là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Trong cuốn sách “Gia đình Ai Cập thời kỳ La Mã cai trị: Một cách tiếp cận so sánh về sự đoàn kết và xung đột giữa các thế hệ” (Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2013), Sabine Huebner, nữ giáo sư về nền văn minh cổ đại tại Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã đề xuất một giả thuyết khác để lý giải vấn đề này. Bà cho rằng cuộc hôn nhân giữa anh chị em trong thời kỳ La Mã cai trị có thể không cùng huyết thống. Một người đàn ông được gia đình vợ nhận làm con nuôi không lâu trước khi kết hôn.

Những bậc phụ huynh không có con trai có thể lựa chọn cách làm trên, bởi vì con rể sẽ chuyển đến sống ở nhà họ thay vì con gái phải rời đi. “Tục lệ tiếp nhận con rể theo hình thức này cũng xảy ra ở các xã hội cổ đại khác, bao gồm cả Hy Lạp”, Huebner cho biết. “Việc sống cùng với con gái và con rể [với danh nghĩa là con nuôi] giúp các bậc cha mẹ ổn định cuộc sống khi về già”.

Đây có thể là lời giải thích tốt nhất cho hiện tượng hôn nhân giữa anh chị em xảy ra một cách phổ biến tại Ai Cập vào thời kỳ người La Mã cai trị.

“Đối với tôi, đây là cách giải thích hợp lý và chuẩn xác hơn so với việc xem xã hội Ai Cập dưới thời La Mã là trường hợp duy nhất trong lịch sử loài người, nơi hôn nhân của anh chị em ruột được tổ chức thường xuyên trong dân chúng”, Huebner nói.

Tuy nhiên, một số học giả có quan điểm theo chiều hướng ngược lại. “Các câu chữ trong giấy chứng nhận kết hôn của người Ai Cập – ‘con trai và con gái của cùng cha và mẹ’ – loại trừ khá tốt việc nhận con nuôi trong tất cả các trường hợp đó”, Brent Shaw, giáo sư tại Đại học Princeton, nhận định.

Một cách giải thích khác là cha mẹ đã khuyến khích con cái của họ kết hôn để cho tài sản và của cải của gia đình không bị phân tán khi họ qua đời. Nhưng tập tục này dường như chỉ xảy ra ở một bộ phận dân số gốc Hy Lạp. “Hôn nhân giữa anh chị em ruột có thể được sử dụng như một dấu hiệu nhận biết những người Ai Cập có nguồn gốc Hy Lạp”, Olabarria cho biết.