Các bác sĩ từng tin rằng trẻ sơ sinh - đặc biệt là trẻ sinh non - không cảm thấy đau, và nếu có thì trẻ cũng không nhớ.

Nghe có vẻ giống như y học thời Trung cổ, nhưng đến những năm 1980, trẻ sơ sinh chỉ được cho dùng thuốc giãn cơ để làm tê liệt vận động, chứ không được giảm đau trong các ca phẫu thuật - Fiona Moultrie, bác sĩ nhi khoa và nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, người tập trung vào cơn đau ở trẻ sơ sinh, nói. “Vào thời điểm đó, người ta cho rằng hầu hết các hành vi mà trẻ sơ sinh thể hiện chỉ là phản xạ.”

Trong những thập kỷ tiếp theo, các nghiên cứu về hormone căng thẳng và hoạt động của não đã chứng minh trẻ sơ sinh, dù là sinh non, cũng trải qua cảm giác đau đớn. Các nghiên cứu hiện đại tiết lộ, cơn đau liên tục có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh và khả năng vận động ngắn và dài hạn của trẻ, đặc biệt là ở những trẻ sinh non yếu (sớm hơn 37 tuần).

Y học hiện nay cho phép cứu sống nhiều trẻ sinh non, nhưng chúng sẽ phải nằm viện hàng tuần hoặc hàng tháng để trải qua các thủ thuật y tế, thường là đau đớn. Do đó rất cần các phương pháp giảm đau để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dài hạn đến sự phát triển của trẻ sinh non, cũng như trẻ sơ sinh nói chung. Tỷ lệ sinh non đang tăng trên toàn cầu: chỉ riêng tại Mỹ, khoảng 380.000 trẻ bị sinh non mỗi năm, tức cứ 10 ca sinh thì có một trẻ bị sinh non. Trên toàn thế giới, con số này là khoảng 15 triệu.

Hiện nay, trẻ sơ sinh được dùng các loại thuốc như ibuprofen để giảm đau nhẹ đến trung bình, và fentanyl để giảm đau mạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liều lượng chính xác nên sử dụng hoặc tác động lên não của các loại thuốc này đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, ngày càng có nhiều bệnh viện kết hợp các biện pháp can thiệp phi dược phẩm, tập trung vào các kỹ thuật gọi là chăm sóc phát triển như để trẻ ở gần bố mẹ thay vì cách ly trong lồng ấp.

Sở dĩ cần đến các biện pháp này vì nếu tách những đứa trẻ ốm yếu khỏi cha mẹ, cộng với đau đớn và căng thẳng kéo dài, thì sẽ tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về phát triển, theo Manuela Filippa, nhà nghiên cứu về sinh non Đại học Geneva. Bên trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU), đèn sáng và nhiều màn hình nhấp nháy. Trẻ bị căng thẳng do âm thanh ồn ào, với tiếng máy móc kêu bíp, chuông báo thức, tiếng người nói chuyện và máy thở đập mạnh và rít.

Trẻ sinh non được đặt trong lồng ấp để cung cấp các điều kiện môi trường cần thiết để phát triển

Đo lường cơn đau

Trẻ sinh non được chuyển từ phòng sinh đến NICU. Những trẻ nhỏ nhất, dưới 36 tuần, có phổi kém phát triển và được đặt nội khí quản nối với máy thở. Chúng quá yếu để bú và phải được cho ăn bằng ống ở mũi hoặc miệng. Y tá lấy máu gót chân của chúng để xét nghiệm đến 10 lần/ngày, và trẻ bị đặt giữa một loạt các đường truyền, ống và dây điện.

Vào đầu những năm 1980, nhà nghiên cứu y học trẻ sơ sinh người Canada Celeste Johnston, giáo sư tại Đại học McGill, Montreal, tìm cách đo lường cơn đau ở trẻ sơ sinh. Năm 1986, Johnston là một trong những người đầu tiên công bố bằng chứng cho thấy nhịp tim và nồng độ oxy của trẻ sơ sinh thay đổi khi chúng trải qua các thủ thuật đau đớn. Tiếng khóc và nét mặt của chúng tiết lộ các "tín hiệu trung thực", theo cách gọi của Johnston.

Johnston sau đó đã rất kinh hoàng khi biết rằng trong quá trình chăm sóc đặc biệt, trẻ sơ sinh trung bình phải trải qua khoảng 14 thủ thuật y tế đau đớn mỗi ngày.

“Một trong những thách thức lớn nhất trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh là chúng không thể nói," Erin Keels, giám đốc dịch vụ sơ sinh tiên tiến tại Bệnh viện Nhi Nationwide, Columbus, Ohio, cho biết. "Chúng tôi chỉ có thể suy luận bằng các hành vi và các dấu hiệu quan trọng."

Sau phát hiện của Johnston, trong 30 năm qua, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp 40 chỉ số khác nhau để đánh giá mức độ đau ở trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như tổ hợp các chỉ số nhịp tim, độ bão hòa oxy, nét mặt và chuyển động của cơ thể. Nhưng sinh lý có thể thay đổi vì nhiều lý do, và em bé có thể quá ốm để nhăn nhó hay cử động, các chỉ số này không phải lúc nào cũng chính xác. Do đó các bác sĩ vẫn nỗ lực để hiểu thêm về cách trẻ sơ sinh nhận thức và trải qua cơn đau.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã thử đo lường cơn đau ở trẻ sơ sinh bằng cách quan sát điện não đồ (EEG). Họ đã xác định một hình mẫu hoạt động não liên quan đến cơn đau ở trẻ sơ sinh, và đang thử nghiệm lâm sàng. Đây có thể là cuộc cách mạng trong việc điều trị cơn đau ở trẻ sơ sinh.

Trong một nghiên cứu sau đó, nhóm Oxford đã sử dụng quét MRI để xác định hoạt động của não. Họ phát hiện, ở người lớn, 22 vùng não được kích hoạt để phản ứng với cơn đau, còn ở trẻ sơ sinh là 20. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn trong não trẻ sơ sinh. “Khi bộ não còn nhỏ và kém phát triển, sự khác biệt giữa đau và căng thẳng là không rõ ràng," theo Johnston.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu đang khám phá những hậu quả sinh lý lâu dài của cơn đau. Một nghiên cứu cho thấy ở tuổi đi học, trẻ sinh rất non (ở tuổi thai từ 24 đến 32 tuần) có vỏ não mỏng hơn ở 21 trong số 66 vùng não, chủ yếu ở thùy trán và thùy đỉnh - liên quan đến suy giảm khả năng vận động và nhận thức.

Trẻ sinh non cũng phải đối mặt với nguy cơ IQ thấp, rối loạn thiếu tập trung, các vấn đề về trí nhớ, khó tương tác xã hội và kiểm soát cảm xúc. Heidelise Als, nhà tiên phong trong việc tìm hiểu các rủi ro về thể chất với trẻ sơ sinh, cho rằng một phần nguyên nhân do trải nghiệm giác quan bị thay đổi đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh non nớt của trẻ.

Ở một số NICU hiện đại, phụ huynh được khuyến khích có mặt thường xuyên hơn. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng giọng nói của mẹ giúp giảm căng thẳng, giảm đau, kích thích não trẻ sơ sinh phát triển tối ưu để giải thích âm thanh và hiểu ngôn ngữ.

Phương pháp điều trị của tương lai

Vì chưa có cách chính xác để đo lường cơn đau, rất khó để kiểm tra mức độ hiệu quả của bất kỳ loại thuốc nào. Nhưng nhìn chung, đến những năm 1990, các bác sĩ hiểu rằng việc sử dụng gây mê trong các cuộc đại phẫu giúp cải thiện cơn đau. Tuy nhiên, can thiệp bằng thuốc có thể dẫn đến nghiện opioid, khó thở và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh.

Mặt trái của thuốc đã thúc đẩy việc tìm kiếm các phương pháp giảm đau thay thế. Một nghiên cứu đã phát hiện, cho con bú trong khi thực hiện các thủ thuật liên quan đến kim tiêm giúp giảm đau nhiều hơn so với các biện pháp can thiệp như quấn tã, giữ trẻ, gây mê tại chỗ, âm nhạc hoặc núm vú giả.

Môi trường vật chất cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng ở các em bé trong quá trình phẫu thuật. Năm 2000, một thử nghiệm ở Thụy Điển đã so sánh sức khỏe của trẻ sơ sinh được chăm sóc trong khu chăm sóc đặc biệt truyền thống so với một căn phòng tối, yên tĩnh, giống như bụng mẹ hơn, cùng với sự hiện diện của cha mẹ. Nhóm thứ hai được xuất viện nhanh hơn và đã phát triển nhanh hơn một chút.

Ngày nay, nhiều chuyên gia về trẻ sơ sinh cho rằng loại hình chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm là xu hướng của tương lai. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là Kangaroo Mother Care, bao gồm việc quấn da kề da trẻ sơ sinh trên ngực của mẹ hoặc bố.

Nhiều năm sau ở Canada, Johnston cũng nhận thấy việc tiếp xúc da kề da mang lại cảm giác êm dịu hơn cho trẻ khi tiến hành các thủ thuật thông thường trong NICU, trẻ sơ sinh đều có phản ứng đau nhẹ hơn và hồi phục nhanh hơn.

Năm 2010, một nghiên cứu cho thấy ngay cả những em bé nhỏ nhất, ốm yếu nhất cũng hưởng lợi từ việc có cha mẹ ở bên 24/7. Đáng chú ý, chúng có ít vấn đề về phổi hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn nhiều. Từ hiểu biết này, Thụy Điển đã thiết kế lại nhiều NICU để cha mẹ có thể sống cùng con mình, ngay cả trong các tình huống chăm sóc đặc biệt nghiêm trọng.

Nguồn: