Hẳn nhiều bạn đọc đã chờ đợi từ lâu cuốn sách này, một cuốn sách đậm chất hồi cố và những câu chuyện cá nhân của ông mà nhờ chúng, người ta sẽ nhìn lại rõ hơn những ẩn giấu riêng tư và nhất là, không khí nhân tâm, thế sự miền Bắc từ nửa sau thế kỉ XX.

Dù chứa đầy hồi ức, cuốn sách không hẳn là hồi kí. Nó cũng không được viết ra một lần mà có nhiều mốc viết khác nhau. Điều này khiến các bài viết, thường dưới dạng tùy bút và tiểu luận, trở thành mảnh ghép kết nối ngẫu nhiên, khi đứt đoạn khi liền mạch, diễn biến cuộc đời Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) và những gì thuộc về bạn bè, đời sống xã hội của ông.

Hồi ức văn chương của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được NXB Phụ nữ ấn hành vào tháng 9/2021, nhân 100 ngày mất của ông. Ảnh: phunuonline

Tự nhận là người ngại đám đông, ồn ào và không dễ dàng bắt chuyện với xung quanh, Nguyễn Xuân Khánh chỉ có thể nhớ lại, viết sâu về dăm ba bạn văn mà ông có gắn bó nhất: Trần Dần, Lê Bầu, Châu Diên, Dương Tường, Nguyên Bình, Bùi Ngọc Tấn, Hoàng Hưng,... Ông dường như chủ ý giữ sự kiệm lời, kiệm thông tin về đời tư cá nhân của mình. Ông lại giữ cự li nhất định khi đánh giá, nhìn nhận những sự kiện mà bản thân chắc chắn từng biết đến như Nhân văn Giai phẩm, “Xét lại”,... Ông cũng giữ thái độ điềm nhiên, bình tâm khi nhắc đến những phiền hà, hệ lụy mà ông từng trải qua vào thời điểm viết hai cuốn tiểu thuyết gây ồn ào nhất của mình là Miền hoang tưởng và Trư cuồng.

Nghĩa là, cho dù được phép nhớ lại bao nhọc nhằn vất vả mưu sinh, bộc bạch những sự thật liên quan đến hoạn nạn của bạn bè, Nguyễn Xuân Khánh vẫn không cố tình gây hú vía, thót tim độc giả hôm nay. Trước sau, cuốn sách đều có giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ, hóm hỉnh kể chuyện của một người từng trải, thấm thía nhân tình thế thái, của một trí thức biết rõ phận sự suy ngẫm, nhẫn nại và kiên tâm trước những thử thách cuộc đời khắc nghiệt.

Tính chất nhẹ nhàng, thư thái kể chuyện làm nên sức cuốn hút của cuốn sách và theo tôi, cũng cho phép nhà văn thuận tiện hơn khi sắp xếp, tái dựng các chi tiết nhỏ, thậm chí vụn vặt, nhưng rất sinh động, chân thực, cụ thể. Tiếp nhập những chi tiết này, tôi nghĩ, mới khiến chúng ta hiểu rõ và trân quí cung cách sống, sáng tạo của thế hệ văn nhân tài năng mà lận đận.

Quê cha làng Cổ Nhuế, quê mẹ làng Thanh Nhàn, Nguyễn Xuân Khánh từ tấm bé đã thân thuộc những không gian và nét sinh hoạt của vùng nửa quê nửa thành Hà Nội. Lên sáu tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Xuân Khánh cùng mẹ về ở hẳn Thanh Nhàn, tuy thuộc nội thành, nhưng lại là “một cái làng trồng rau muống, trồng hoa sen, trồng ổi và thả cá”. Bản thân Nguyễn Xuân Khánh, cùng mẹ già, vợ và bốn người con sống trong căn nhà lá, xây bằng đất “nhỏ bé xinh xinh”, phải liên tục mở rộng, sửa chữa. Hình ảnh ngôi nhà của ông, có thể nói, điển hình cho đời sống trí thức nghèo Hà Nội thời chiến, vừa chắt chiu đồng cam cộng khổ, vừa loay hoay cải thiện kế sinh nhai. “Bây giờ nghĩ lại mái nhà của tôi thấy nó thật trứ danh - Nguyễn Xuân Khánh viết. Nó là thứ hổ lốn. Vài viên fibrô xi măng. Một mảnh giấy dầu. Trên nóc nhà là những gianh nứa. Rồi cuối cùng là hai tấm tôn nhựa đường. Tôn xi măng và tôn nhựa đường thì lợp vào chỗ giường nằm, để chống dột”.

Thoát thai từ hiện thực có lẽ là riêng khác bậc nhất của Hà Nội, một thành phố theo Nguyễn Xuân Khánh là đậm chất nông dân từ sau 1954, “họ đã đem lại cho Hà Nội, tiêm vào dòng máu Hà Nội một sức sống mới, đó là sức chịu đựng dẻo dai, đó là sự chất phác hồn hậu, đồng thời cũng làm Hà Nội trở nên xô bồ, hỗn độn”.

Thế hệ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là thế hệ chịu nhiều biến cố lịch sử, xã hội. Hết kháng Pháp lại chống Mỹ, “liên miên sống trong không khí chiến tranh”. Nhưng đây là thế hệ vượt trội và vượt thoát rất nhiều giới hạn về tri thức, kiến văn nhờ nỗ lực tự học. Đó cũng là thế hệ gần như cuối cùng trước 1954 có tiếp xúc văn chương, văn hóa Pháp. Chính ông khi viết về người bạn thân Dương Tường đã khái quát: “thế hệ chúng tôi là thế hệ học sinh của Hà Nội, tuy chưa được nhiều học nhiều, nhưng từ nhỏ đã được giáo dục theo tinh thần văn hóa phương Tây”. Một hành trang thiên về giao thoa văn hóa, tuy chịu nhiều dở dang, song vẫn là vốn quí của thế hệ này, giúp họ luôn cởi mở, hào hứng và quyết liệt lựa chọn cái mới.

Theo Nguyễn Xuân Khánh, “tinh thần trân trọng cái mới, đón chào cái mới vào đầu những năm 40 ấy xuất hiện trong đám thanh niên chúng tôi rất mạnh. Và nó đi theo chúng tôi mãi cho tới sau này”. Nhờ tinh thần này, cùng sự tự học không ngừng, những Trần Dần, Dương Tường, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh đều không bị nhấn chìm, hòa lẫn trong bối cảnh văn nghệ, văn hóa bình dân, bình quân chủ nghĩa đang nổi lên lúc bấy giờ, và trở thành những cá tính lớn trong nghệ thuật lẫn đời sống.

Tôi nghĩ rằng cuốn sách của Nguyễn Xuân Khánh dễ gây nên cảm giác “thèm thuồng” trong nhiều văn nghệ sĩ hôm nay: không phải “thèm” trở về cái thời nghèo khó để thử hình dung mình sẽ vượt qua như thế nào, mà “thèm” được thấm đẫm trong không khí bàn luận tri thức, “thèm” nhìn ra và phát hiện được những miền năng lực cá nhân vượt qua sự nhàn nhạt, nhàm chán và đơn điệu của xung quanh. Đứng trong, thuộc về, và sống cùng một thế hệ như vậy, có lẽ, cũng là phước hạnh đời người. Sự ra đi, dần vơi bóng dáng của thế hệ này, đặt trong sự nổi lên chưa thể nói là rực rỡ của lớp văn nhân ở thì hôm nay, bản thân tôi còn có thêm cảm giác tiếc nuối.

Khi viết về mình và những người bạn, Nguyễn Xuân Khánh không gài cắm quá nhiều bàn luận về sự thành bại trong văn chương, nghệ thuật. Có thể so với Trần Dần và Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh không “gây sự” theo nghĩa là đề đạt, thực hành nghệ thuật tiền phong tuyệt đối. Ông lặng lẽ và vì thế, thâm trầm. Tôi nghĩ, Tiếng người trong văn của ông, nếu được cụ thể hóa thành dạng âm thanh, thì như một đoạn ngân đều, thanh thoát, báo hiệu hồi kết của những gì bay bổng, lãng mạn nhất trước đó. Còn sau đấy, với người thưởng thức, có thể là một khoảng hẫng chưa biết lấy gì bù đắp.