Cuối tháng tư vừa qua, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy xà lan phun thức ăn tự động (feeding barge) và tàu thu hoạch hiện đại (clean harvest) tại vùng nuôi thủy sản của công ty trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.
Đây là hai thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản vô cùng hiện đại, ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất và thuộc loại đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó, xà lan phun thức ăn (công suất 250 tấn) được trang bị hệ thống cảm biến và camera quan sát cực nhạy để theo dõi hành vi và sức khỏe cá nuôi, cùng với công cụ phân tích dữ liệu bằng AI giúp tối ưu hiệu quả cho ăn (kiểm soát hệ số FCR) và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; còn tàu thu hoạch bằng phương pháp bơm hút trực tiếp cũng có công suất lên đến 75 tấn/h, giúp cá tránh được tình trạng sợ hãi, căng thẳng và đảm bảo phúc lợi,…
Lễ hạ thủy đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Australis, khẳng định công ty đang đi đúng hướng trên con đường trở thành một thế lực lớn trong nền kinh tế biển xanh. Như bà Marie Damour - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP. HCM - chia sẻ, thành công của Australis cũng chính là thành công của Hoa Kỳ với cam kết và chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam theo hướng bền vững. Ông Keijo Norvanto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, người từng đóng vai trò điều hành Quỹ Finn Fund, đơn vị cung cấp khoản vay gần 10 triệu USD cho Australis – hết sức phấn khởi trước sự lớn mạnh vượt bậc của công ty. Hay Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đặc biệt ghi nhận những đóng góp không nhỏ của Australis vào sự phát triển của ngành thủy sản Khánh Hòa lẫn cả Việt Nam,...
Xà lan phun thức ăn tự động công suất 250 tấn được Australis hạ thủy chiều 25/04 tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.
Australis được doanh nhân Joshua Nathan Goldman (người Mỹ) thành lập từ năm 2008, có trụ sở tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hiện là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản biển với sản lượng gần 10.000 tấn cá chẽm (barramundi) – lớn nhất thế giới, chủ yếu để phục vụ xuất khẩu (hơn 95%). Thương hiệu The Better Fish của Australis đang rất được ưa chuộng tại các nhà hàng, chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Mỹ, bao gồm Whole Foods Market (thuộc sở hữu của Tập đoàn Amazon), HEB, BJS, Cosco, Mariano’s, VONS, Harris Teeter, Giant Eagle, Safeway,… và nhiều thị trường khác.
Thủy sản được nuôi với công nghệ cao, theo hướng phát triển bền vững với khoảng 10.000 tấn cá/năm. Ảnh B. Trang
Là một trong những doanh nghiệp vốn nước ngoài hoạt động sớm nhất tại Khu kinh tế Vân Phong và rất được chính quyền tỉnh hậu thuẫn, sau hơn 15 năm, Australis đã đầu tư tổng cộng gần 200 triệu USD để đưa công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhất thế giới vào phù hợp với điều kiện khí hậu cùng các loài đặc thù ở Việt Nam, cụ thể là cá chẽm – loài thủy sản có giá trị kinh tế rất cao, ít để lại tác động tiêu cực lên môi trường và thường được ví như “cá hồi nhiệt đới”. Công ty chính là đối tác đầu tiên tại Việt Nam được OPIC (Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Hoa Kỳ) tài trợ, bên cạnh nguồn vốn huy động thêm từ DFC (Tập đoàn Tài chính Phát triển Hoa Kỳ) và Quỹ Finn Fund (Phần Lan) để hiện thực hóa các kế hoạch tăng trưởng. Trong thập niên tới, Australis dự kiến sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD, với những dự án mở rộng quy mô sản xuất tại tỉnh Khánh Hòa và xây dựng khu liên hợp nuôi trồng thủy sản hiện đại mới tại tỉnh Kiên Giang, đồng thời phát triển mô hình trồng rong Asparagopsis – được dùng làm phụ gia thức ăn giúp ngành chăn nuôi gia súc giảm thiểu phát thải (khí metal),…
Cùng chia sẻ tầm nhìn với tác giả, chuyên gia quản trị nổi tiếng Peter Drucker: “Không phải internet, nuôi trồng thủy sản mới đại diện cho cơ hội đầu tư hứa hẹn nhất trong thế kỷ 21”, ông Josh tin tưởng mô hình cùng những tri thức, công nghệ và kinh nghiệm của Australis hoàn toàn có thể được nhân rộng để tạo động lực thúc đẩy sự biến đổi sâu sắc và toàn diện của ngành nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam, trở thành một lĩnh vực xuất khẩu trị giá nhiều tỷ USD, giống như cách mà Na Uy (nước có đường bờ biển dài tương đương Việt Nam) trong quá khứ đã làm với cá hồi. Điều này sẽ giúp Việt Nam chiếm lĩnh ngôi vị “cường quốc nuôi biển số 1 Đông Nam Á”, cải thiện hiệu quả và hiệu suất sử dụng tài nguyên, đồng thời khuyến khích sự phát triển đa dạng của ngành nuôi trồng thủy sản – vốn đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và bão hòa, do các đối tượng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra,… hiện không còn nhiều dư địa.
Mô hình Australis là một ví dụ nổi bật về hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường khi không hoặc gây ra rất ít tiếng ồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hay cản trở tầm nhìn quy hoạch không gian,... Ngoài ra, công ty cũng đang chuẩn bị cho những kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản biển kết hợp du lịch trải nghiệm theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Na Uy, Hy Lạp,… Khác với cách hiểu sai lầm trước kia rằng “Thủy sản đi đến đâu, du lịch lùi tới đó”, du lịch và nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể cùng chung sống, thậm chí hỗ trợ cho nhau (cộng sinh), bên cạnh mục đích giải trí còn có tác dụng thúc đẩy giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách địa phương, trong và ngoài nước.
Năm 2021, Australis vinh dự được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Corporate Excellence in Climate Innovation (Doanh nghiệp xuất sắc vì những đổi mới trong lĩnh vực khí hậu). Trước trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vẫn nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với tỉnh Khánh Hòa, đồng thời còn đóng góp tài chính, vật lực, ... vào cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam. Ông Josh cho biết Australis cam kết sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nền kinh tế xã hội Việt Nam, bên cạnh sứ mệnh giúp nhân loại chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm.