Một loài ếch cây được cho là tuyệt chủng cách đây hơn một thế kỷ được các nhà khoa học phát hiện tại rừng rậm nhiệt đới đông bắc Ấn Độ.
|
Ếch Frankixalus làm tổ trong các hốc cây phủ đầy rêu. Ảnh: AP.
|
Nhóm nghiên cứu tái phát hiện loài ếch do nhà sinh vật học nổi tiếng Ấn Độ Sathyabhama Das Biju làm việc tại Đại học New Delhi dẫn đầu và phối hợp với các chuyên gia sinh vật học từ Sri Lanka, Bỉ, Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ và Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London (Anh).
Theo AP, ông Das Biju không tiết lộ cụ thể địa điểm phát hiện để bảo vệ ếch và cho biết phát hiện chúng một cách tình cờ vào một đêm năm 2007.
"Chúng tôi nghe thấy một bản nhạc tình ca của một loài ếch đến từ các tán cây và ngay lập tức điều tra. Đó là một đêm huyền diệu", ông Das Biju nói.
Qua điều tra, nhận dạng và kiểm tra ADN, nhóm nghiên cứu mới xác định đây là ếch Frankixalus trùng khớp với mẫu vật được thu thập bởi nhà tự nhiên học người Anh Jerdon vào năm 1870 và gửi bảo quản tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London (Anh).
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học cho rằng ếch Frankixalus đã tuyệt chủng.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy hành vi bất thường của ếch cái Frankixalus. Ếch cái đẻ trứng đã được thụ tinh xuống một hốc cây đầy nướcởđộ cao khoảng 6 mvà trở về tổ thường xuyên để cho lứa nòng nọc mới nở ăn những quả trứng không được thụ tinh.Các nhà khoa học tin rằng loài này còn có thể được tìm thấy tại các vùng rừng châu Á, từ Trung Quốc cho tới Thái Lan.
Các quan sát cho thấy nòng nọc ếch Frankixalus có miệng trơn như ống hút, không có răng có tác dụng hút kéo những quả trứng do mẹ chúng thả xuống vào miệng. Mắt được định vị trên chóp đầu thay vì hai bên dường như để giúp nó quan sát dễ dàng việc mẹ nó thả trứng xuống nước. Khi phát triển thành ếch trưởng thành, nó to tương đương quả bóng golf. Điều kỳ lạ khác là nó chỉ ăn thực vật chứ không phải là côn trùng và ấu trùng.
"Điều này không thể tin được", ông Das Biju nói.
|
Nòng nọc ếch Frankixalus. Ảnh: AP.
|
"Đây là một phát hiện thú vị nhưng không có nghĩa là ếch được an toàn. Nhiều mảng rừng nơi ếch Frankixalus sinh sống còn nguyên vẹn trong năm 2007-2008 nhưng đến năm 2014 chúng tôi phát hiện chúng bị phá hủy và đốt cháy để canh tác đất nông nghiệp, mở rộng các khu định cư và xây dựng đường giao thông", ông Das Biju bày tỏ lo lắng.
"Những con ếch đã xuất hiện trên Trái Đất cách đây hơn 350 triệu năm và đã tiến hóa theo nhiều cách thức khác nhau để thích nghi với nhiều thách thức môi trường sống", ông Das Biju nói. Nhà sinh vật học này có biệt danh "người ếch" bởi đóng góp to lớn trong việc phát hiện hơn 89 trên 350 loài ếch ở Ấn Độ.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài ếch mới tái phát hiện là Frankixalus (thuộc chi ếch mới Frankixalus) để nhớ đến người thầy cố vấn Franky Bossuyt đã dạy ông thời còn học ở Đại học Vrije (Bỉ).
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong hơn 7.000 loài lưỡng cư được biết đến trên toàn cầu thì có khoảng 32 % loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
|
Cận cảnh miệng của nòng nọc ếch Frankixalus. Ảnh: AP. |