Khi nhắc tới thuyết tiến hóa, hẳn ai trong chúng ta cũng đều nhớ tới cái tên Charles Darwin. Thế nhưng, ít ngườibiết rằng, vào thời điểm Charles Darwin công bố nghiên cứu của mình còn có một cái tên nữa được xướng lên, đó là nhà tự nhiên học Alfred Russel Wallace.

Alfred Russel Wallace ra đời vào ngày 8/1/1823 ở Usk, Monmouthshire, trong một gia đình trung lưu. Nhưng rồi, khi gia cảnh xuống dốc, ông buộc phải nghỉ học ở tuổi 13. Sau khi rời ghế nhà trường, ông làm trắc địa viên tại công ty của anh trai. Lòng say mê lịch sử tự nhiên đã được khơi dậy và trở thành đam mê suốt đời ông. Năm 1844, ông được mời làm giáo viên và kết bạn với nhà tự nhiên học chung chí hướng – Henry Walter Bates. Bates là người giới thiệu cho Wallace những khía cạnh mới mẻ của sinh học.

Alfred Russel Wallace (1823-1913)
Alfred Russel Wallace (1823-1913)

Bốn năm sau đó, vào năm 1848, Wallace cùng Bates du hành tới vùng Amazon. Kế hoạch của họ là thu thập các mẫu vật và cố gắng trả lời câu hỏi quan trọng của thời đại: các loài đã hình thành như thế nào? Gần như không xu dính túi, hai người gom kinh phí cho chuyến đi bằng cách bán mẫu vật về Anh cho các nhà sưu tập. Trong khoảng thời gian này, Wallace đã đi dọc theo các con sông, vẽ bản đồ, thu thập và ghi lại các mẫu vật. Trên đường khám phá những tuyến đường chưa ai biết tới, ông đã nghiên cứu ngôn ngữ và tập tục sinh hoạt của các bộ lạc bản địa mà mình gặp được. Wallace thu thập được hàng ngàn mẫu vật về các loài chim, bọ và bướm.

Bộ sưu tập bướm và bướm đêm được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London.
Bộ sưu tập bướm và bướm đêm được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London.


Sau bốn năm miệt mài, Wallace quay về cố hương. Nhưng thật không may, vào ngày thứ hai sáu rời bến, con thuyền chở ông bốc cháy và chìm xuống đáy biển, kéo theo hầu hết ghi chú cùng bộ sưu tập mẫu vật quý giá của Wallace. Tài sản còn lại của ông chỉ là vài cuốn sổ và một con vẹt.

Không nản lòng thoái chí, hai năm sau ông lại rời nước Anh, dong thuyền tới Quần đảo Mã Lai, những quần đảo trải dài từ Malaysia đến New Guinea. Trong tám năm, từ năm 1854 đến năm 1862, ông đã di chuyển hết đảo này sang đảo khác, với quãng đường tổng cộng 22.000 kilomet và thu thập được hơn 125.000 mẫu vật, bao gồm hơn 5000 loài mới. Tại đây, ông may mắn bắt gặp loài chim thiên đường cánh chuẩn tuyệt đẹp sống sâu trong những khu rừng. Và ngày nay, loài chim này được gọi là Semioptera wallacei theo tên ông.

Chim thiên đường cánh chuẩn Semioptera wallacei
Chim thiên đường cánh chuẩn Semioptera wallacei


Vào năm 1855, ông đăng một bài báo có tầm ảnh hưởng lớn về sự hình thành của các loài mới. Trong đó, ông đề xuất rằng các loài phát sinh là nhờ tiến hóa. Ba năm sau, Wallace tìm ra lý do vì sao điều này lại xảy ra: các loài động vật thích nghi với môi trường của mình. “Cuộc sống của các loài động vật hoang dã là đấu tranh để sinh tồn, và những loài yếu ớt nhất và kém tổ chức nhất sẽ luôn chết dần chết mòn…”. Còn những loài động vật phù hợp nhất với môi trường hoang dã sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở và sống sót, truyền lại những đặc tính mạnh mẽ của mình cho thế hệ sau. Ông đã viết một bài báo nữa phát triển ý tưởng và gửi cho Charles Darwin. Bài báo này xuất hiện trước khi Darwin đưa ra bất kỳ công bố nào.

Quẫn trí vì bị đồng nghiệp trẻ hơn vượt mặt và có nguy cơ mất ánh hào quang, trong khi ông đã mất gần 20 năm để phát triển lý thuyết của mình, Darwin hỏi ý kiến của hai người bạn, nhà địa chất Charles Lyell và nhà thực vật học Joseph Hooker. Hai người này quyết định sẽ đọc bài báo của Wallace và bài viết của Darwin trong một cuộc họp của Hiệp hội Linnean ở London vào năm 1858, thế nhưng Wallace không hề hay biết.

Nhờ sự kiện này, Darwin đã được công nhận hoàn toàn xứng đáng, còn Wallace có được tấm vé để bước vào giới khoa học. Cuối cùng khi đã biết chuyện, ở Indonesia xa xôi, Wallace đã viết thư cho Hooker để cảm ơn ông “vì cách giải quyết của ông cực kỳ công bằng với cả hai bên và mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân tôi”.

Wallace vẫn ở lại Quần đảo Mã Lai trong năm 1859 khi Darwin xuất bản tác phẩm Về nguồn gốc các loài.

Đảo Dobbo trong mùa giao thương.
Đảo Dobbo trong mùa giao thương.


Vậy Wallace đang làm gì khi cuộc họp trọng đại đó diễn ra ở Hiệp hội Linnean? Ngay khi gửi đi bức thư cho Darwin, Wallace khởi hành tới New Guinea, “vùng đất của đà điểu đầu mào và chuột túi cây”.

Vào 18/6/1858, khi bức thư tới được tay Darwin, ông đã tuyệt vọng rời khỏi vùng đất này. New Guinea là mội nơi đầy bệnh tật, nguy hiểm và đáng thất vọng. Ông liên tục gặp cảnh ốm đau và đói kém. Những đàn kiến ăn mất các mẫu vật mà ông vất vả sưu tầm. Vào 1/7/1858, khi bài báo của ông được đọc, mọi việc còn trở nên tệ hơn thế. Một trong những trợ lý của ông mất mạng vì bệnh kiết lỵ, còn Wallace đang phải chịu đựng hậu quả của một trận sốt khác. Không hề hay biết về những sự kiện đang xảy ra ở London, chẳng những không được hưởng vinh quang xứng đáng, ông còn phải làm việc trong điều kiện sức khỏe tồi tệ.

Người dân bắt con trăn lớn ra khỏi nơi ở của Wallace ở đảo Ambon.
Người dân bắt con trăn lớn ra khỏi nơi ở của Wallace ở đảo Ambon.


Quay lại nước Anh vào năm 1861, Wallace chuyển sự chú ý sang câu đố lớn khác – tại sao các loài lại phân bố như vậy? Địa lý đóng vai trò gì trong quá trình tiến hóa của các loài?

Trong rừng Amazon, ông đã tìm thấy những loài hơi khác nhau ở hai bên bờ sông. Nhiều năm ở Quần đảo Mã Lai càng củng cố phát hiện này, ông quan sát những hòn đảo có những loài độc đáo riêng. Đáng chú ý nhất là khi băng qua con kênh hẹp nhưng sâu giữa hai hòn đảo Bali và Lombok, ông đã phát hiện ra nhiều loại chim và con vật khác biệt đầy ấn tượng. Wallace nhận thấy mình đã vượt qua ranh giới giữa hai phạm vi động vật học lớn: một bên là những con vật điển hình của châu Á, bên còn lại là các động vật thuộc khu vực sinh thái Australasia (bao gồm Úc, New Guinea và các đảo cận kề, các đảo của Indonesia như Lombok và Sulawesi).

Wallace đưa ra giả thuyết là các đảo phía nam sẽ liên kết với lục địa Úc, còn các hòn đảo phía bắc liên kết với Indonesia, đại dương giữa các đảo là do băng tan trong Kỷ băng hà khiến nước dâng lên nhấn chìm các khu vực nông và tạo ra các hòn đảo. Giả thuyết nảy sinh khi ông thấy giữa những hòn đảo có vùng nước nông thì các loài động vật tương tự nhau, còn những hòn đảo bị ngăn cách bởi vùng nước sâu thì các loài động vật có sự khác biệt vô cùng rõ rệt. Đa phần các nhà khoa học ngày nay, với hiểu biết sâu hơn về khu vực này, đều đồng tình với các giả thuyết của Wallace.

Ranh giới giữa hai khu vực này được gọi là Đường Wallace. Một nhóm các hòn đảo của Indonesia bao gồm đảo Sulawesi (đảo lớn nhất), Lombok, Sumbawa, Sumba, Timor, Halmahera, Buru, Seram và nhiều đảo nhỏ khác được gọi là Wallacea. Wallace được coi là Cha đẻ của ngành sinh địa lý – một lĩnh vực nghiên cứu cách thức và lý do tại sao động vật và thực vật sống ở nơi chúng sống - vì nghiên cứu sâu rộng của ông ở nước ngoài về động vật hoang dã ở Nam Mỹ và Châu Đại Dương.

Vùng đảo Wallacea được đặt theo tên ông.
Vùng đảo Wallacea được đặt theo tên ông.


Không chỉ là một nhà sinh vật học thực địa vĩ đại và một nhà tư tưởng lỗi lạc, Wallace còn là một nhà văn thành công và sung mãn. Tác phẩm Malay Archipelago của ông được xuất bản năm 1869 là một trong những hồi ký du hành sống động nhất từ trước tới nay và không ngừng được tái bản.

Cuốn sách The Malay Archipelago.
Cuốn sách The Malay Archipelago.


Nguồn: newscientist.com; oxsci.org; theguardian.com