Từ mèo, bò cho đến cá sấu, người Ai Cập cổ đại đã tôn thờ nhiều vị thần động vật phản ánh các sinh vật phong phú và đa dạng của Thung lũng sông Nile.

Cho đến nay, các đền thờ của người Ai Cập cổ đại vẫn còn lưu giữ nhiều tượng điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật về những vị thần có hình dáng giống động vật. Ví dụ như Sobek, vị thần đầu cá sấu của sông Nile; nữ thần chiến tranh Sekhmet; thần chó rừng Anubis; nữ thần Hathor với hai chiếc sừng bò, nữ thần bọ cạp Selket, thần trí tuệ Thoth có phần đầu giống một con khỉ đầu chó, vị thần của gia đình Bes mang nhiều đặc điểm của một con sư tử,…

Người Ai Cập cổ đại tôn thờ nhiều vị thần có hình dạng giống động vật.
Ảnh: History.

Tín ngưỡng tôn thờ các vị thần động vật có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của người dân Ai Cập. Khi sống trong vùng đất Thung lũng sông Nile màu mỡ, người Ai Cập cổ đại đã hiểu biết rất rõ về các loài động vật bản địa. Sau đó, họ đã chuyển những động vật này và các đặc điểm của chúng sang cõi thần thánh. Vì vậy vào thời điểm ban đầu của các triều đại Ai Cập vào năm 3100 trước Công nguyên, các vị thần đã mang hình dạng động vật.

Khi vương quốc Ai Cập thay đổi theo thời gian trong suốt nhiều thiên niên kỷ, các vị nam thần và nữ thần của họ cũng thay đổi, tiến hóa và đôi khi trộn lẫn vào nhau.

Một trong những vị thần cổ xưa nhất của người Ai Cập cổ đại là Horus, vị thần có cơ thể của một người đàn ông với cái đầu chim ưng. Mặc dù Horus là vị thần bầu trời, nhưng lúc đầu người Ai Cập mô tả ông là một “con tàu Mặt trời”. Con tàu này chạy ngang qua bầu trời, đi xuống thế giới bên kia vào buổi tối và sống lại vào lúc bình minh. Đây từng là nguyên lý trung tâm của thần học Ai Cập. Họ tin rằng các vị thần duy trì trật tự vũ trụ, và đại diện của họ trên Trái đất chính là các vị pharaoh.

Thần Horus ban đầu đóng vai trò như một vị thần Mặt trời dần được thay thế bằng hình tượng thần Re (hoặc Ra) cũng có hình dáng của một con chim ưng. Re sau đó hợp nhất với các vị thần khác, bao gồm cả Horus, để tạo ra vị thần tổng hợp Re-Harakhty cũng mang đầu chim ưng.

Ngoài hình dạng chim ưng của Horus, các nam thần còn được miêu tả dưới hình dạng của những con bò đực và cừu đực. Nghi lễ thờ thần bò đực Apis tại một ngôi đền ở thành phố Memphis xuất hiện từ thời kỳ Vương quốc Cổ (2575-2150 trước Công nguyên). Khi một con bò đực Apis chết, xác của nó sẽ được chôn cất tại khu nghĩa trang Saqqara ở gần đó.

Trong thời kỳ Tân Vương quốc (1539-1075 trước Công nguyên), các pharaoh đã chuyển thủ đô của Ai Cập từ Memphis đến Thebes. Sự thay đổi này có tác động sâu sắc tới thần học, nâng Amun lên vị trí vị thần tối cao và được thờ phụng trong các ngôi đền của người Ai Cập cổ đại tại Thebes – chẳng hạn như đền Karnak. Amun thường được thể hiện ở dạng hợp nhất với thần Re với vẻ bề ngoài của một con cừu đực. Người Ai Cập gọi Amun là “thần hai sừng”, vị thần đại diện cho khả năng sinh sản và chiến tranh, cũng như bảo vệ quyền lực cho các pharaoh của Tân Vương quốc.

Các nữ thần thường chịu trách nhiệm về những thứ liên quan đến cuộc sống và sự sinh sôi nảy nở, bao gồm khả năng sinh sản và nuôi dưỡng. Một số nữ thần đầu tiên mang hình dạng đặc biệt, có phần đầu giống như một con bò cái. Ví dụ, nữ thần Bat được mô tả với cặp sừng của một con bò trên Bảng màu Narmer, một phiến đá ghi lại lịch sử Ai Cập có niên đại khoảng năm 3100 trước Công nguyên.

Theo thời gian, hình tượng về nữ thần Bat phát triển thành một nữ thần rất mạnh mẽ khác tên là Hathor, người có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống bao gồm tình mẫu tử, âm nhạc, nông nghiệp, niềm vui, và thậm chí cả cái chết.

Vai trò của thần Hathor dần được thay thế bởi Isis, vị thần mang hình dạng của một người phụ nữ với sừng bò trên đầu giống như Hathor. Trong suốt nhiều thế kỷ, Isis tiếp nhận các trách nhiệm của Hathor, như một biểu tượng chung của người mẹ và người vợ Ai Cập trong vai trò phối ngẫu và bảo vệ của chúa tể của thế giới bên kia, Osiris.

Trong số những vật nuôi phổ biến nhất thế giới, chó và mèo cũng đóng những vai trò nổi bật và xuất hiện trong các đền thờ thần của người Ai Cập. Một vị thần chó rừng nổi tiếng phục vụ Osiris ở thế giới bên kia là Anubis. Đây là vị thần liên quan đến quá trình ướp xác và cuộc sống sau khi chết. Người ta thường nhầm lẫn Anubis với thần chó rừng Wepwawet do họ có vai trò trùng lặp với nhau.

Các nhà sử học tin rằng những vị thần chó mạnh mẽ, hành động vì lợi ích của người chết, là sự bảo vệ tốt nhất chống lại chó rừng trong thế giới tự nhiên. Chúng có thói quen đào bới những ngôi mộ mới được chôn cất, gây ra nỗi sợ hãi trong lòng người dân Ai Cập.

Các bức tượng điêu khắc và tranh vẽ về nữ thần mèo là những điều thu hút khách tham quan tại nhiều bảo tàng hiện nay. Vào thời cổ đại, người dân ở thành phố Memphis tôn thờ nữ thần chiến tranh Sekhmet – vị thần có một cái đầu sư tử, cũng như là biểu tượng của sự hung dữ. Sekhmet là vị thần yêu thích nhất của pharaoh Amenhotep III, người đã cho chạm khắc hàng trăm bức tượng đá nữ thần để bảo vệ lăng mộ của mình. Lăng mộ này được xây dựng tại thành phố Thebes vào thế kỷ 14 trước Công nguyên.

Người ta cũng thường nhầm lẫn Sekhmet với một nữ thần mèo khác được sùng bái ở vùng hạ Ai Cập tên là Bastet. Trái ngược với Sekhmet, nữ thần Bastet có nét tính cách dịu dàng, đáng yêu. Hai nữ thần mèo này đã cùng nhau thể hiện những mâu thuẫn trong tính cách của loài mèo, bao gồm cả sự hung dữ và thân thiện.

Giới khảo cổ đã phát hiện một lượng lớn xác ướp chim và thú tại các địa điểm khảo cổ trên khắp Ai Cập. Năm 2018, các nhà nghiên cứu tìm thấy hàng chục xác ướp mèo và 100 bức tượng nữ thần Bastet trong một ngôi mộ 4.500 năm tuổi ở Saqqara. Họ cũng tìm thấy xác ướp của những con chim ibise (cò quăm) gắn liền với vị thần của trí tuệ và chữ viết Thoth tại khu vực Abydos, nơi chôn cất những người cai trị sớm nhất của Ai Cập.

Đến cuối thời kỳ Ptolemaic vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tín ngưỡng tôn thờ các vị thần động vật không còn được ưa chuộng. Trong giai đoạn cai trị của người La Mã và sự mở rộng của Cơ đốc giáo vào Ai Cập, các vị thần động vật dần bị lãng quên. Ngày nay, những khám phá mới và những đồ tạo tác mang tính biểu tượng của Ai Cập cổ đại là lời nhắc nhở về thời kỳ kéo dài ba thiên niên kỷ, trong đó sức mạnh và vẻ bề ngoài duyên dáng của một số loài động vật được tôn thờ.