Chernobyl, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất mọi thời đại, được ví như Khải huyền (Apocalypse) trong Kinh Thánh, có thể sẽ trở thành Di sản Thế giới (World Heritage) – giới chức Ukraine cho biết.

Nếu những nỗ lực vận động thành công, địa danh gắn liền với một chương đen tối trong lịch sử, sẽ gia nhập hàng ngũ di tích mang tính biểu tượng văn hóa và đại diện cho văn minh nhân loại, giống như thành cổ Petra tại Jordan, các cột đá khổng lồ ở Stonehenge, Tử cấm thành Bắc Kinh và các tượng đá trong Vườn Quốc gia Rapa Nui ở Đảo Phục sinh (Easter Island).

Một ngôi trường bị bỏ hoang tại Pripyat. Ảnh: Anton Petrus/Getty Images.

35 năm trước, ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Chernobyl – nằm cách Kiev (khi ấy còn thuộc Liên Xô, nay là thủ đô Ukraine) khoảng 81 dặm (130 km) về phía Bắc – phát nổ khiến hai công nhân tử vong, hàng chục người chết không lâu sau đó và để lại di chứng cho cả ngàn người khác. Chưa hết, bụi phóng xạ từ vụ nổ bay khắp Ukraine, Nga, Belarus, … còn khiến dân các nước này không dám uống sữa nội địa trong nhiều năm.

Chính quyền Liên Xô khi ấy đã cho di tản dân sống trong bán kính 19 dặm (30 km) quanh nhà máy. Ngày nay, nơi này thường được gọi bằng cái tên Khu vực cách ly (exclusion zone) Chernobyl. Giới chức Ukraine hiện đang cố gắng đưa nhà máy điện hạt nhân và vùng đất bị bỏ hoang xung quanh vào Danh sách đề cử Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) – Reuters cho biết.

Để được công nhận Di sản Thế giới, một địa danh cần mang những giá trị phổ quát nổi bật và phù hợp với tiêu chí lựa chọn của UNESCO. Lấy ví dụ: Công viên Quốc gia Yosemite và Yellowstone National Parks (Mỹ), Vịnh Hạ Long (Việt Nam), Rạn san hô Great Barrier Reef (Úc), hay Rừng nguyên sinh Białowieża (nằm giữa biên giới giữa Nga và Belarus),… đều là các biểu tượng thiên nhiên hùng vĩ. Trong khi đó, Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), khu du tích Chichén Itzá (Mexico), hay Thành Venice (nước Ý), … lại mang ý nghĩa lịch sử quan trọng bên cạnh vẻ đẹp hiếm có. Tất cả những di sản này đều nhận được sự hỗ trợ tài chính và pháp lý từ Quỹ Di sản Thế giới để phục vụ mục đích bảo tồn.

Xe đồ chơi chạy điện trong công viên giải trí ở Pripyat. Thảm họa xảy ra chỉ vài ngày trước khi công viên này được khai trương. Ảnh: Edward Neyburg/Getty Images.
Ngày 25/04/2021, các nhân viên Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cùng làm lễ tưởng niệm những nạn nhân thảm họa tại Slavutych (cách nhà máy khoảng 50km). Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, trước khi được UNESCO đề cử, địa danh còn phải nằm trong danh mục di sản văn hóa và lịch sử của nước. Theo Bộ trưởng Chính sách Văn hóa và Thông tin Ukraine – Oleksandr Tkachenko: nước này đã đưa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và các tòa nhà lân cận bị bỏ hoang vào danh mục di sản, đồng thời xem xét mở rộng đề xuất cho toàn bộ Biệt khu.

“Chúng tôi tin việc vận động để đưa Chernobyl trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là một bước đi quan trọng, được thế giới quan tâm và ủng hộ”, Tkachenko nói. “Tầm quan trọng của Chernobyl thực sự vượt xa biên giới Ukraine. Nó không chỉ là hoài niệm mà còn mang rất nhiều giá trị lịch sử, bao gồm cả quyền con người”, ông khẳng định.

Ngày 26/4 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã gửi thông điệp nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Thảm họa hạt nhân Chernobyl (26/4/1986 - 26/4/2021). Ông nói: “Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại quá khứ để rút ra bài học và hướng về tương lai. Kể từ năm 1986, những nỗ lực chung của LHQ và thế giới đã giúp Chernobyl và khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa dần phục hồi.” Thông điệp kêu gọi sự đoàn kết vì lợi ích chung: “Thảm họa không có biên giới. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn những biến cố tương tự và mang lại sự hồi sinh mạnh mẽ cho khu vực đổ nát, cũng tương tự như việc ứng phó với đại dịch Covid-19”.

Trên thực tế, du lịch đã bắt đầu bùng nổ tại nơi này trong vài năm qua. Thành phố Pripyat nằm trong biệt khu, vốn là nơi sinh sống của hơn 49.000 người vào năm 1986, nay chỉ còn là một thị trấn ma với toàn bộ nhà cửa, trường học, bệnh viện,… bỏ hoang và bị xâm lấn bởi động thực vật hoang dã. Sau khi được mở cửa đón du khách vào năm 2010, các tòa nhà cỏ mọc um tùm mang màu sắc ma quái tại Pripyat đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và giới nhiếp ảnh tới khám phá.

Nhưng hoạt động du lịch tại Chernobyl chỉ thực sự bùng nổ sau series phim “Chernobyl” chiếu trên HBO, khiến lượng khách đặt phòng (năm 2019) tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước – đạt gần 124.000 khách, khoảng 100.000 trong số đó đến bên ngoài Ukraine – theo hãng tin Agence France-Presse (AFP) của Pháp.

Ngoài ra, giới khoa học cũng đang thực hiện nhiều nghiên cứu tại Chernobyl để theo dõi sự thích nghi của nhiều loài động thực vật hoang dã với mức độ phơi nhiễm phóng xạ ở nơi này – khiến nó không an toàn cho người sinh sống. Kết quả thu được có lẽ sẽ khiến không ít người phải ngạc nhiên. Chẳng hạn, theo một cuộc điều tra gần đây, loài sói xám (Canis lupus) đang sinh sôi rất mạnh tại Chernobyl do có nhiều con mồi hơn và môi trường sống của chúng ít chịu tác động bởi loài người. Dấu hiệu tích cực tương tự cũng được ghi nhận với Przewalski (Equus ferus przewalskii) – loài ngựa châu Á quý hiếm.