Trong số 6 lĩnh vực tại Cuộc thi, hai lĩnh vực không tìm được giải Nhất đó là Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; và Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC trao giải nhất cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC trao giải nhất cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 30/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo KH&CNViệt Nam VIFOTEC lần thứ 29.

Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các nghiên cứu giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội; góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu; và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.

Trong số 130 công trình dự thi thuộc sáu lĩnh vực (Cơ khí tự động hoá; Công nghệ vật liệu; Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và Sử dụng năng lượng mới), Hội đồng giám khảo lựa chọn 47 công trình tiêu biểu, trao bốn giải Nhất (80 triệu đồng/ giải), chín giải Nhì (60 triệu đồng/giải), 16 giải Ba (40 triệu đồng/giải) và 17 giải khuyến khích (20 triệu đồng/giải).

Trong đó, giải Nhất lĩnh vực Cơ khí tự động hóa thuộc về công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính cho tàu hải quân sử dụng công nghệ cảm biến sợi quang" của nhóm tác giả Đại tá, PGS.TS. Trịnh Đăng Khánh, Trung tá, GV.TS. Nguyễn Đình Tĩnh, Thiếu tá, GV.ThS. Phạm Văn Hùng và các cộng sự Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.

Giải Nhất lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và Sử dụng năng lượng mới thuộc về công trình "Ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, siêu mỏng, tiết kiệm năng lượng" của AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, ThS. Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Văn Thành, Công ty cổ phần Kinh doanh-xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt.

Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ vật liệu thuộc về công trình "Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh" của tác giả PGS.TS. Hồ Xuân Năng, GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu và các cộng sự thuộc Tập đoàn Phenikaa.

Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống thuộc về công trình "Giống cà phê vối lai TRS1" của tác giả Đinh Thị Tiếu Oanh, TS. Trần Vinh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai và các cộng sự, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

g
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao chứng nhận Giải thưởng WIPO 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho 2 công trình. Ảnh: VGP/Hải Minh

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình trao giải, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã trao Giải WIPO 2023 cho hai công công trình đoạt giải Nhất, gồm công trình về nhựa PEKN của Tập đoàn Phenikaa và công trình về sản xuất gạch ngói tiết kiệm năng lượng của công ty Kinh doanh-xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt.

Kết thúc chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã phát động Giải thưởng VIFOTEC năm 2024.