Chất thải hạt nhân, một vấn đề khó giải quyết. Cộng hòa Pháp được xem là quốc gia thành công trong việc tái xử lý chất thải hạt nhân, bên cạnh việc duy trì phương thức chôn lấp.


Chôn lấp cẩn trọng

Nhật Bản đang nghiên cứu để xử lý chất thải hạt nhân, dù quốc gia này lâu nay vẫn chọn phương án chôn lấp và khu vực này được cách ly hoàn toàn với các khu dân cư. Hiện, toàn bộ rác thải từ sản xuất điện hạt nhân của Tập đoàn Kansai được chôn tại một ngôi làng bỏ hoang ở vùng nông thôn tại Nhật Bản.

Cộng hòa Pháp, một trong những quốc gia đi đầu về phát triển điện hạt nhân cũng đang chịu “gánh nặng” chất thải bởi có khoảng 75% sản lượng điện được sản xuất từ điện hạt nhân.Ông Gerard Kottmann, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu công nghiệp trong ngành hạt nhân Pháp (AIFEN) hồi năm ngoái đã nói đến một kế hoạch thúc đẩy những dự án, hoạt động hợp tác về điện hạt nhân ra nước ngoài của Chính phủ Pháp.

Theo đó, Pháp cũng có thể cung cấp giải pháp về nhiên liệu, đặc biệt trong việc thu hồi nhiên liệu đã bị cháy và tái chế chúng, giảm khối lượng chất thải.

Tại nước Pháp, luật pháp không cho phép vận chuyển chất thải hạt nhân ra nước ngoài, cũng như không cho phép lưu trữ chất thải hạt nhân từ các nước khác chuyển đến.Viện Quản lý chất thải hạt nhân là một cơ quan nhà nước của Pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các biện pháp quản lý cũng như quản lý vĩnh cửu các chất thải hạt nhân tạo ra bên trong nước Pháp. TS Vũ Minh Ngọc - Viện quản lý chất thải hạt nhân của Pháp trong một hội thảo do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam tổ chức hồi tháng 3/2015, cũng nói về những công trình rất lớn, có dự án trị giá tới 40 tỷ Euro, để lưu trữ chất thải hạt nhân sâu trong lòng đất mà Chính phủ Pháp đầu tư.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng quy định: Các công trình chứa chất thải hạt nhân phải gồm 3 lớp bảo vệ.Một là, lớp bảo vệ các kiện chứa chất thải, bên trong được lấp đầy bê tông để giam hãm chất thải. Hai là, lớp bảo vệ công trình có thể là từ lớp bảo vệ công trình kỹ thuật đơn giản trong các cột bê tông hay đường hầm lớn. Lớp bảo vệ này phải được bổ xung bởi hầm quan sát cũng như hầm thu gom nước, nhằm tránh phân tán nước ra môi trường bên ngoài. Ba là, lớp bảo vệ môi trường, tức là lớp điạ chất tự nhiên. Ở đây, để xử lý loại chất thải hoạt tính cao, thời gian sống dài, các chuyên gia đã sử dụng địa chất môi trường có thời gian tồn tại tương tự thay cho bê tông.

Tại nước Pháp, theo TS Ngọc, còn có các trung tâm lưu trữ chất thải thấp, với rất nhiều máy đo về môi trường, sinh học, vật lý, nhằm đánh giá sự an toàn. Tất nhiên, do lưu trữ chất thải có hoạt tính thấp nên công trình cũng đơn giản hơn, chỉ là một cái hố sâu bên dưới để chứa chất thải có mái vòm che tạm thời, tiếp theo là một lớp gạch và cuối cùng là lấp một lớp đất sét, nhưng đây chính là lớp bảo vệ tự nhiên.

Chú trọng tái chế

Trong khuôn khổ luật pháp, các doanh nghiệp không có cách nào khác là nỗ lực tái chế chất thải hạt nhân nhằm giảm số lượng chất thải, bên cạnh việc duy trì phương thức chôn lấp tương tự Nhật Bản.

Việc tái xử lý nguyên liệu hạt nhân dân dụng từ các lò phản ứng năng lượng đã được thực hiện trên phạm vi rộng ở Pháp. Việc này, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

TS Vũ Minh Ngọc - Viện Quản lý chất thải hạt nhân (Cộng hòa Pháp) cho biết, trong quá trình lưu trữ chất thải, các công trình tiếp tục được xây dựng.

Trên thực tế, các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vẫn còn đến 95% giá trị năng lượng, việc tái chế không chỉ giúp khai thác giá trị năng lượng một cách đáng kể mà còn giảm khối lượng và độc tính phóng xạ của chất thải hạt nhân.

Người Pháp phân loại chất thải hạt nhân dựa trên hai yêu tố: hoạt tính và chu kỳ bán bã. Trong hoạt tính lại gồm: hoạt tính thấp, hoạt tính trung bình và hoạt tính cao. Tùy loại chất thải hạt nhân mà người ta có biện pháp quản lý khác nhau. Chẳng hạn, đối với chất thải hoạt tính thấp, thời gian sống ngắn, người Pháp có thể quản lý, lưu trữ, tái chế ngay trên mặt đất trong các trung tâm của Viện Quản lý chất thải hạt nhân.

TS Ngọc cho biết, Viện Quản lý chất thải hạt nhân đang tiếp tục nghiên nghiên cứu và bước đầu đưa ra giải pháp xử lý chất thải hoạt tính thấp, thời gian sống dài và chất thải hoạt tính trung bình và cao có thời gian tồn tại ngắn.

Về nguyên tắc, quốc gia sử dụng nguyên liệu hạt nhân phải chịu trách nhiệm xử lý chất thải sau khi sản xuất điện. Điều này có nghĩa, toàn bộ chất thải sau sản xuất điện, sẽ được đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất điện hạt nhân chuyển về nước của họ để xử lý.

Xử lý chất thải hạt nhân an toàn sẽ vẫn là thách thức đối với các quốc gia phát triển điện hạt nhân, song kinh nghiệm xử lý chất thải của Cộng hòa Pháp thực sự hữu ích cho các nước đang phát triển điện hạt nhân như nước ta.

Xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nước ta cam kết không sử dụng hay tái chế nguyên liệu sau khi sản xuất điện. Hiện, chưa rõ nước nào sẽ cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam sản xuất điện hạt nhân, song việc chuyển chất thải này ra nước ngoài xử lý là rất tốn kém.