Kỹ thuật tưới nhỏ giọt đem lại thành công lớn cho nền nông nghiệp Israel gần đây đã được ứng dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam để đối phó với tình trạng thiếu nước.
Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, phương pháp tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho lúa cũng như cây trồng cạn là một trong những cách cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra. Trong đó, nhiều kiểu tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng như ướt - khô xen kẽ, nông - lộ - phơi, phun mưa…
Đặc biệt, kỹ thuật tưới nhỏ giọt đem lại thành công lớn cho nền nông nghiệp Israel gần đây đã được ứng dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam để đối phó với tình trạng thiếu nước. Theo TS Trần Chí Trung - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nếu được tưới bằng các công nghệ nhỏ giọt, năng suất cây trồng tăng 50% và lượng nước tiết kiệm đạt 40%-70% so với tưới thông thường, tuy chi phí đầu tư cao hơn kỹ thuật tưới phun mưa.
Theo tính toán sơ bộ, 1ha cây trồng cần chi khoảng 60 triệu đồng cho hệ thống tưới nhỏ giọt, bao gồm chi phí xây dựng, vận hành và bảo dưỡng. Hệ thống này bao gồm máy bơm, bộ lọc Super Black, đồng hồ đo áp, đồng hồ đo nước, van xả khí và đường ống.
Ngoài tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt còn cho phép giảm 90% số công lao động. Vì vậy, công nghệ này đang được rất nhiều doanh nghiệp và hộ dân ở Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Gia Lai, Hà Nội… áp dụng. Tại Ninh Thuận mới đây còn xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây thanh long bằng năng lượng mặt trời, vừa tiết kiệm điện vừa tiết kiệm nước.
Song song với kế hoạch trên, Bộ NN&PTNN đang rà soát, cập nhật, cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống gia súc, tưới cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản... Cơ quan này cũng xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung cho hạ du thời kỳ khô hạn, cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016.