Ông lớn sở hữu ba thương hiệu ôtô Mazda, Kia và Peugeot sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận khoảng 31% trong 2017 so với 2016 phục vụ giảm giá xe.
Trường Hải dự định lợi nhuận năm 2017 là 5.063 tỷ, giảm 31% so với 2016 là 7.333 tỷ. Mức giảm 2.270 tỷ chủ yếu phục vụ cho giảm giá xe. Đây là kế hoạch mà các cổ đông của hãng đã thông qua trong buổi Đại hội cổ đông thường niên 2017. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Trường Hải từng cho biết mỗi năm sẽ cố gắng giảm giá xe 5% so với năm trước.
>> Xem thêm: XE “HOT” NHẤT TRONG NGÀY: Ngọc Trinh khoe dáng bên siêu xe Mercedes-Maybach S500 gần 11 tỷ đồng
Tuy lên sẵn kế hoạch giảm giá xe và chấp nhận giảm lãi, nhưng Trường Hải cũng không thể lạc quan về tình hình doanh số xe trong 2017. Theo tính toán của hãng này, số lượng xe bán ra trong 2017 tại Việt Nam sẽ giảm 7-10% so với 2016, do đó kế hoạch bán xe của hãng cũng giảm.
>> Xem thêm: XE “HOT” NHẤT TUẦN: 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam, Chevrolet khuyến mãi “khủng”
|
Doanh số năm 2017 dự kiến giảm 7-10% so với 2016. Đơn vị: xe. |
Theo đó, dự định 3 thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot sẽ bán tổng số 58.384 xe trong năm 2017, với Kia 28.016 xe, Mazda 29.818 xe và Peugeot 550 xe. Cả 3 thương hiệu đều giảm lượng bán, giảm sâu nhất là Kia.
Năm 2018 là "bước ngoặt" của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi mức thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, do vậy khách hàng có tâm lý chờ đợi, nhiều người hoãn mua xe vào 2017. Hiệu ứng này khiến các hãng xe đều không mấy tự tin về một thị trường có mức tăng trưởng dương so với 2016.
Doanh số không thể tăng nhưng Trường Hải vẫn giảm giá như một cách để giữ thị phần cũng như chuẩn bị bước chạy đà cho 2018.
"Trong bối cảnh cả thị trường cùng chững lại hoặc đi xuống, hãng nào giữ được phong độ tốt sẽ có cơ hội chiến thắng vào năm sau", một chuyên gia trong ngành nhận định.
Nếu 2016 mục tiêu giảm giá của Trường Hải là để đạt doanh số cao, đáp ứng kế hoạch sản xuất và điều kiện để liên kết với hãng mẹ của mỗi thương hiệu, thì ở 2017, giảm giá sẽ là cách mà ông lớn này sử dụng để giữ chân khách hàng chuẩn bị cho những bước thay đổi trong 2018.
Động thái công khai kế hoạch cắt lãi để giảm giá trong 2017 của Trường Hải là lời đe dọa cho các đối thủ trên thị trường xe hơi Việt. Thông tin này khiến nhiều hãng liên doanh tại Việt Nam lo ngại và tiến hành xem xét các kế hoạch đối phó. Bởi trước đó, dường như các đối thủ chưa có ý định nào rõ ràng trong 2017 mà để giá xe "lên, xuống" theo thị trường.
Đại diện của Honda, Toyota cho biết mức giá xe của các hãng này sẽ rất khó giảm trong năm nay nếu không có những thay đổi ở chính sách thuế, phí. Nếu có giảm đó là những ưu đãi dưới dạng khuyến mãi cho khách là chủ yếu, không ảnh hưởng tới chính sách giá.
Nhưng sau động thái này của Trường Hải, nhiều đối thủ lớn sẽ phải cân nhắc một kế hoạch khác, nếu không muốn để Trường Hải ngày càng lớn mạnh và áp đặt lối chơi cuộc trong cuộc chiến giá xe. Đây là điều đã xảy ra vào 2016, khi các hãng khác buộc phải giảm giá xe theo Mazda và Kia.
Giữ vững thị phần trong 2017 cũng là bước chuẩn bị kỹ càng cho thời điểm 2018, khi mà nhiều khả năng Trường Hải được lợi vì Chính phủ sẽ có những chính sách về thuế để tự vệ, hạn chế nếu lượng xe nhập khẩu ồ ạt về nước, ảnh hưởng tới thị phần của xe lắp ráp và nền công nghiệp ôtô ở tầm vĩ mô.
Trường Hải cùng Hyundai Thành Công hướng tới việc sản xuất ôtô ở Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất ngược ra khu vực, đặt những dấu mốc rõ ràng nhất cho nền công nghiệp ôtô Việt Nam đã ấp ủ hàng chục năm. Khi xe lắp ráp trở thành đối tượng ưu tiên, tới 2018 các hãng liên doanh chuyển phần lớn thành xe nhập khẩu hay tiếp tục lắp ráp còn là câu hỏi lớn của thị trường.