Các viện bảo tàng trên thế giới đang có nhiều hoạt động giúp người khuyết tật cảm thấy thoải mái khi tham quan. Tuy nhiên, đối với những người khiếm thị, quy định chung “cấm sờ vào hiện vật” của các bảo tàng cản trở họ vàchưa có các biện pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả.
Mới đây, Bảo tàng quốc gia Ấn Độ (Delhi) đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Họ vừa đánh dấu 55 năm ngày thành lập bằng việc trưng bày một bộ sưu tập đặc biệt gồm 22 tác phẩm nghệ thuật bằng công nghệ 3D cho người khiếm thị. Bộ sưu tập được chuẩn bị công phu trong suốt một năm.
“Những hiện vật trong bộ sưu tập này được chúng tôi lựa chọn cẩn thận để có thể phù hợp với du khách thuộc mọi lứa tuổi. Đó là những tác phẩm nghệ thuật tinh túy được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua của bảo tàng và đáp ứng tiêu chí dễ dàng chuyển tải bằng xúc giác” - Vijay Mathur - nhân viên bảo tàng - cho hay.
Bản sao 3D của các tác phẩm nghệ thuật được bộ phận phụ trách về mô hình của bảo tàng thực hiện với kích thước phóng đại để người khiếm thị có thể cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ: Một đồng xu thế kỷ 19 của Ấn Độ được tái tạo với đường kính lên đến 58cm và độ dày 5cm.
Trong số hiện vật được tái tạo 3D cho cuộc triển lãm đặc biệt này có bức tranh thần Rama và con nai vàng được vẽ vào thế kỷ thứ 17, tượng Phật, khiên, tượng bán thân, các phát hiện khảo cổ nổi tiếng và một số bức tranh cổ khác.
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất công phu cho triển lãm này. Bảo tàng đã mở nhiều hội thảo để các chuyên gia đóng góp ý kiến. Qua đó, chúng tôi cũng thực hiện nhiều thay đổi để người khuyết tật có thể tiếp cận và cảm nhận tốt nhất, đặc biệt là các tác phẩm 3D và những chỉ dẫn bằng âm thanh đối với từng chi tiết của hiện vật. Không nên cho rằng đây chỉ là bộ sưu tập dành riêng cho người khiếm thị. Những người bình thường cũng có thể nhắm mắt và cảm nhận nghệ thuật theo cách thức mới lạ này” - ông Mathur cho biết.
Bảo tàng quốc gia Ấn Độ cho biết, sắp tới họ sẽ tiếp tục mở rộng và bổ sung bộ sưu tập đặc biệt này.
Việt Anh (Theo Indianexpress)