Bất chấp thực tế nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nhờ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), phần lớn doanh nghiệp khác vẫn không dám chi mạnh tay cho khoản này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thăm nhà máy của Busadco năm 2015. Ảnh: Thu Cúc
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thăm nhà máy của Busadco năm 2015.
Ảnh: Thu Cúc

Biết đến thương hiệu “Điện Quang” mạnh như hiện nay, ít ai ngờ rằng suốt gần 2 thập kỷ sau khi thành lập (1973-1990), công ty gần như không phát triển, chỉ tập trung sản xuất bóng đèn với rất ít cải tiến. Từ thập niên 1990, cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến Điện Quang gặp khó khăn, có những thời điểm khủng hoảng do mất hợp đồng. Để thích ứng, năm 2012, Điện Quang thành lập trung tâm R&D và thay đổi cách thức hoạt động.

Ông Vương Quan Trường - Giám đốc trung tâm R&D - cho biết, các khâu từ tìm hiểu thị trường, nghiên cứu ra sản phẩm, đưa vào sản xuất đến phân phối đều được trung tâm thực hiện đồng bộ và theo dõi sát sao.

Sản phẩm ra thị trường, trung tâm vẫn tìm hiểu xem nó được đón nhận thế nào để tiếp tục cải tiến. Trung tâm R&D còn thường xuyên hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để tận dụng các đề tài, nghiên cứu có thể áp dụng ngay vào sản xuất.

Câu chuyện thành công của các doanh nghiệp có bộ phận R&D như Điện Quang vẫn chưa đủ xoá bỏ một thực tế là nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư khoản này. Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, dù mục tiêu về tốc độ đổi mới công nghệ của Việt Nam là 10-15%/năm nhưng thực tế chỉ đạt 10,7%/năm.

“Có rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp ít đầu tư cho KH&CN. Trước hết là Nhà nước chưa hoàn toàn xã hội hóa vấn đề KH&CN. Thứ hai, các nhà khoa học chưa mạnh dạn hoà nhập, hội nhập theo định hướng thị trường. KH&CN lại là lĩnh vực rủi ro cao nên các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu chưa mạnh dạn, sẵn sàng đương đầu” - ông Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Busadco - nhìn nhận.

Theo ông, hiệu quả thực thi các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng KH&CN chưa cao do quy định, cơ chế còn chồng chéo và chưa đồng bộ.

Không chỉ R&D, đầu tư cho công nghệ cao cũng chưa được nhiều doanh nghiệp ưu tiên. Lý giải điều này, ông Nguyễn Quang Bảo - Giám đốc Công ty sản xuất và lắp ráp ôtô khách Trường Hải - cho biết: Doanh nghiệp ít đầu tư cho KH&CN vì hầu hết máy móc, thiết bị trong nước không đáp ứng nhu cầu.

“Để đầu tư cho KH&CN, phải nhập khẩu thiết bị với thuế suất cao trong khi phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp. Họ ngại đầu tư KH&CN do thu hồi vốn chậm. Doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận với nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - ông Bảo nhận định và cho rằng, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho KH&CN trong sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển, ứng dụng KH&CN, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quan tâm sâu sát, kịp thời giúp tháo gỡ khó khăn.