Chỉ 35-40% lượng phân được bón là có ích
Phó Giáo sư, tiến sỹ (PGS-TS) Lê Như Kiểu - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - cho biết, khi sử dụng phân bón thường, khoảng 50% lượng đạm bị thất thoát ra môi trường, 30- 40% lượng photpho bị các ion nhôm canxi sắt giữ lại trong đất tạo thành dạng hợp chất khó tan. Nếu bón urê, 50-60% lượng phân bị bay hơi hoặc rửa trôi.
Nhìn chung, hiệu suất sử dụng phân bón tại Việt Nam hiện là 35-40%, tức chỉ 35-40% lượng phân bón cho cây là có ích. Mỗi năm, với 11 triệu tấn phân vô cơ được sử dụng, chỉ tính theo mức giá của loại phân rẻ nhất là lân - 3.500 đồng/kg, số tiền "đổ sông đổ biển" tối thiểu là 23-25 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Lượng phân thất thoát còn góp phần gây biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, làm đất bạc màu và khó phục hồi.“Việc lạm dụng phân hóa học còn ảnh hưởng tới nguồn gene sinh vật và cả con người, tạo ra rất nhiều chủng vi sinh vật đột biến, gây bệnh” - PGS Kiểu nói. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp tăng hiệu quả sử dụng phân bón trong khi vẫn bảo vệ môi trường, với việc ứng dụng các công nghệ cao.
Bà Lê Thị Cấp - thôn Khánh Hội, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa - đang bón phân NPK thường. Bà cho biết chưa từng nghe về các loại phân tan chậm. Ảnh: Quốc Hương
“Việt Nam đã có hầu hết các công nghệ sản xuất phân bón hiện đại” - GS-TS Mai Văn Quyền - nguyên Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam - cho biết. “Các nhà máy sản xuất phân vô cơ lớn của Việt Nam đều đang sử dụng công nghệ cao của thế giới”.
Có thể kể đến công nghệ urê hóa lỏng tạo ra phân NPK dạng một hạt có lượng dinh dưỡng cao, được ứng dụng tại các công ty như Bình Điền, phân bón Hà Lan; hay công nghệ tạo hạt dạng tháp cao để sản xuất phân NPK một hạt mà Công ty Hoàng Long Vina đang áp dụng; công nghệ sử dụng một chất làm tăng hiệu quả các chất khác, giúp cây hút được nhiều phân hơn, áp dụng tại các công ty Rynan Agrifoods, Supe phốtphát và hóa chất Lâm Thao...
Đặc biệt là công nghệ sản xuất phân tan chậm bằng cách bọc hạt phân bằng màng polymer có độ dày và tính thấm nước khác nhau, ngăn cản sự xâm nhập của các nguyên tố khác tác động nhanh lên hạt phân; hay dùng chế phẩm làm chậm quá trình phân rã hạt phân.
Tập quán canh tác cần được thay đổi
Theo các chuyên gia, phân bón công nghệ cao có nhiều ưu điểm như tiết kiệm phân và công lao động, tăng năng suất, thân thiện với môi trường. “Nhiều nhà khoa học làm thí nghiệm so sánh hiệu quả phân bón công nghệ cao và phân thường. Kết quả, phân công nghệ cao giúp giảm lượng đạm sử dụng xuống còn 30% và tương tự với phốtpho, kali; tăng năng suất 15-20% so với phân thường. Khi dùng phân đạm thường cho ruộng lúa nước, cây chỉ hấp thụ được 40-45%, còn 55-60% thất thoát ra môi trường; nhưng với loại phân sử dụng công nghệ màng bọc, tỷ lệ thất thoát chỉ còn 20%” - PGS Kiểu nói.
GS Quyền cho biết thêm về hiệu quả tiết kiệm khi dùng phân tan chậm: “Với loại phân dùng Agrotain bọc hạt đạm để ngăn cản hoạt lực của men urease, tỷ lệ tiết kiệm phân là 25-30% nhờ chất đạm tan chậm. Việc dùng avail bọc phân lân giúp ngăn ion sắt, nhôm, canxi, magie giữ chặt chất này khi được bón vào ruộng, giúp cây có thời gian hút lân lâu hơn, tiết kiệm được 25-40%. Một số loại phân bón tan chậm được bọc bằng polymer có thời gian sử dụng lên tới 5 tháng, 9 tháng, giúp giảm số lần bón phân”.
Viên phân bón nhả chậm do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Quốc Hương
“Ngoài ra, do phân được bón đủ lượng mà cây trồng cần nên giảm tối đa hiện tượng phú dưỡng, ít sâu bệnh” - thạc sỹ Vũ Anh Pháp - Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - bổ sung.
Mặc dù vậy, phân bón công nghệ cao vẫn chưa được tiêu thụ mạnh. Bà Trịnh Thị Điệp - đại lý phân bón ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa - cho biết: “Tôi từng nhập các loại phân bón này về bán, nhưng lượng tiêu thụ rất ít. Bà con vẫn chuộng loại phân bón thường vì nhìn thấy kết quả ngay, bón đạm hôm trước thì hôm sau đã thấy cây xanh rờn. Giá phân công nghệ mới cũng cao hơn”.
Phân tích tâm lý này, GS Quyền nói: “Phân chậm tan hay chậm tan có kiểm soát còn ít được sử dụng do hiểu biết của nông dân còn hạn chế. Họ thích bón vào đất là phải tan nhanh, tan hết. Sau 5-7 ngày nếu thấy hạt phân còn xác thì họ cho là phân giả mà không hiểu rằng phần phụ gia để bọc hạt phân có loại lâu tan. Một hiểu lầm nữa xuất phát từ thói quen bón phân vãi trên mặt đất của bà con. Với cách bón này thì phân gì cũng kém hiệu quả; phân chậm tan càng kém hiệu quả, nhất là gặp khi khô hạn”.
Ông Quyền cho rằng, để nông dân làm quen với cái mới, thời gian đầu, các doanh nghiệp cần tổ chức trình diễn, giúp họ tính toán hiệu quả kinh tế để họ mắt thấy tai nghe về cái lợi của phân bón công nghệ cao. Mặt khác, hiện giá loại phân này cao hơn phân thường 10-15% nên bà con chê đắt; cần xã hội hóa việc nhập dây chuyền công nghệ (giá khoảng vài tỷ đồng) để tăng sản lượng, giảm giá thành.
Cùng quan điểm hỗ trợ nông dân thay đổi thói quen canh tác, PGS Kiểu nói: “Các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn về các loại phân bón mới này, có biện pháp hỗ trợ nông dân tham dự các cuộc hội thảo, hướng dẫn sử dụng trong thực tế, thậm chí hỗ trợ một phần kinh phí để họ sử dụng thử”.