Để giải quyết bài toán môi trường do hoạt động trồng và chế biến cà phê gây ra, Quảng Trị đã tiến hành dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê.
Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê gây ra và tạo nguồn phân hữu cơ lâu dài cho sản xuất cây cà phê, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa triển khai dự án: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng”. Đến nay, dự án đã đạt những kết quả tích cực, góp phần cung cấp nguồn phân hữu cơ vi sinh đáp ứng nhu cầu phục vụ cải tạo đất của nông dân. Hiện nay, cây công nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng là cây chủ lực của huyện miền núi Hướng Hóa.
Với diện tích cây cà phê gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 9-10 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt trên 40.000 tấn quả tươi đã đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú. Hàng năm, sau mùa thu hoạch có một lượng lớn phế phụ phẩm là vỏ cà phê (khoảng 7.000- 8.000 tấn) vứt bỏ vung vãi ven lề đường để cho nước cuốn trôi, hoặc đốt bỏ gây khói bụi.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học phân giải vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ tại xã Hướng Phùng là rất phù hợp, dễ áp dụng. Từ đó, nhân rộng và phát triển cho toàn vùng, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Vỏ cà phê là nguyên liệu hữu cơ khá giàu đạm, kali và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu. Đây là nguyên liệu lý tưởng cho các quá trình lên men vi sinh vật để sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh bón cho các loại cây trồng. Trong khi từ trước đến nay, phần lớn nông dân trồng cà phê ở xã Hướng Phùng sử dụng phân bón hóa học, thiếu bón phân hữu cơ vi sinh làm cho đất trồng cà phê ngày càng bị chai cứng, thoái hóa, hệ vi sinh vật đất bị suy thoái hoặc sử dụng phân hữu cơ vi sinh với giá cao.
Từ thực tế đó, dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng” đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sản xuất và các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê.
Ảnh minh họa.
Sau thời gian triển khai thực hiện dự án đã xây dựng quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế thải nông nghiệp đáp ứng tiêu chí ngắn gọn, đầy đủ, dễ áp dụng và đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế thải nông nghiệp; xây dựng 1 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại HTX Nông nghiệp Công Bằng Sa Mù (xã Hướng Phùng) quy mô nhỏ (200 tấn/năm) cấp xã phục vụ tại chỗ cho nông dân để chuyển giao quy trình sản xuất; đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân Hướng Phùng với 100 học viên tham gia.
Với việc xây dựng mô hình phân hữu cơ vi sinh sản xuất thử nghiệm phục vụ nội bộ từ vỏ cà phê đã tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch, bổ sung phân hữu cơ, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho cải tạo đất tại chỗ của người dân địa phương.
Ông Lê Mậu Bình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh cho biết: Ứng dụng tiến bộ KH&CN để chế biến vỏ cà phê thành phân lân vi sinh đưa lại nhiều hiệu quả kinh tế, môi trường sinh thái và môi trường sản xuất. Đồng thời qua đó làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững. Dự án thành công sẽ được nhân rộng ra trên địa bàn các xã khác để đảm bảo xử lý sạch môi trường do vỏ cà phê gây ra.
Vỏ cà phê đưa vào xử lý để làm nguồn phân bón được bổ sung dinh dưỡng cho vi sinh vật hoạt động, sau 10 ngày phải đảo trộn để cung cấp lượng ôxy cho vi sinh vật hoạt động và kiểm tra độ ẩm để bổ sung thêm nước. So với phân vô cơ, phân hữu cơ vi sinh có ưu điểm đó là giúp hệ sinh vật trong đất tăng trưởng phát triển mạnh, cung cấp vi lượng tốt cho cây trồng như kẽm, đồng,...; cung cấp nguồn phân tại chỗ; tổ hợp vi sinh vật trong phân này hạn chế một số loại bệnh trên cây cà phê.
Trong quá trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nguồn dinh dưỡng bổ sung cho sự sinh trưởng, phát triển của các chủng vi sinh vật trong đống ủ vỏ cà phê là N, P, K và C. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau thời gian ủ 80- 90 ngày có màu nâu sẫm, mịn và tơi xốp. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học phân giải vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp tại chỗ, ở quy mô nhỏ tại xã Hướng Phùng là rất phù hợp, dễ áp dụng, tiết kiệm chi phí phân bón cho người dân.
Trong thời gian tới, mô hình này tiếp tục được nhân rộng nhằm giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường tại các địa bàn có sản xuất cà phê và tạo ra nguồn phân hữu cơ nhiều dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Mở ra hướng sản xuất cà phê giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.