Tại một đất nước có hơn 17.000 hòn đảo như Indonesia, rong biển có thể sẽ trở thành nguyên liệu thô lý tưởng cho một cuộc cách mạng nhựa sinh học.

Đất nước “vạn đảo” hiện đang sản sinh ra lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Không cần quá ngạc nhiên về điều này bởi Indonesia là chính quần đảo lớn nhất thế giới và quốc gia đông dân thứ tư trên khắp hành tinh. Ở nơi mà lợi tức bình quân còn thấp (hơn 3.000 USD/người/năm) thì phần lớn dân nghèo vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần như túi, cốc, gói đựng dầu gội đầu … vì giá rẻ. Chưa kể, hệ thống quản lý rác thải của Indonesia cũng rất lạc hậu, khi mỗi năm có đến hàng triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra đại dương và các tuyến thủy lộ.


Năm ngoái, chính phủ Indonesia cam kết chi khoảng 1 tỷ USD nhằm cắt giảm 70% lượng rác thải đổ ra biển vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu tham vọng đó, họ cần phải tiếp cận và giải quyết vấn đề từ nhiều phương diện. Bên cạnh thay đổi thói quen của người tiêu dùng và cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý rác thải, các ngành công nghiệp cũng cần sớm tránh xa loại nhựa sử dụng một lần, cùng với du nhập và nhân rộng các giải pháp phân hủy sinh học thay thế.


Ngoài ra, Indonesia còn có ưu thế rất lớn về rong biển. Sản lượng của nước này hiện đang đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và tăng trưởng khoảng 30%/năm. Indonesia cũng là nhà sản xuất rong đỏ số 1; đây là loại nguyên liệu rất phù hợp với ý tưởng chế tạo nhựa sinh học và bao bì thân thiện.


Một người nông dân trồng rong biển ở Bali, Indonesia. Ảnh: Suzanne Plunkett/AP.

Một người nông dân trồng rong biển ở Bali, Indonesia. Ảnh: Suzanne Plunkett/AP.

Hiện nay, phần lớn nhựa sinh học đều được làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc trên cạn như ngô, mía, sắn, … Nhưng theo Bakti Berlyanto Sedayu, nhà nghiên cứu tại Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, rong biển hoàn toàn có thể trở thành một sự thay thế bền vững hơn nhiều. Ông nói, nguồn nguyên liệu trên cạn thường đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cho đất đai, có nguy cơ dẫn đến tình trạng phá rừng thảm khốc – điều đã xảy ra đối với dầu cọ. Chưa kể, chúng cũng cần phân bón, thuốc trừ sâu và không phải lúc nào cũng có khả năng phân hủy sinh học như quảng cáo.


Trong khi đó, rong biển có giá thành sản xuất rất rẻ nhờ được trồng ngoài khơi, sinh trưởng nhanh và không cần nước ngọt, thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu (các loại hóa chất) … để phát triển. Thứ nữa, các luống rong biển chính là những bồn chứa hấp thụ carbon tự nhiên và khử axit.


Điều kiện trồng rong ở Indonesia là cực kỳ lý tưởng nhờ sở hữu hơn 34.000 dặm bờ biển và được Mặt trời chiếu sáng quanh năm. Khi áp lực lên nguồn cá tự nhiên tiếp tục gia tăng vì tình trạng đánh bắt quá mức, các cộng đồng dân cư ven biển đang dần chuyển sang nuôi trồng thủy sản như một cứu cánh. Sedayu tin tưởng Indonesia hoàn toàn có thể chỉ cần 5 – 10 năm để đưa sản xuất nhựa sinh học lên quy mô công nghiệp, mặc dù điều này đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ.


Một người phụ nữ ở Bali đang thu hoạch rong. Ảnh: Ed Wray/AP.

Một người phụ nữ ở Bali đang thu hoạch rong. Ảnh: Ed Wray/AP.

Các loại bao bì và chất liệu đóng gói làm từ rong biển mới chỉ đang ở trong giai đoạn sơ khai. Indonesia Evoware, một startup đang rất nỗ lực nhằm cho ra các loại cốc thạch, giấy gói thực phẩm từ rong biển và ăn được; CEO David Christian của công ty kỳ vọng sẽ sớm cải tiến quy trình sản xuất hiện vẫn chủ yếu mang tính thủ công. “Chúng tôi muốn quy trình sẽ được tự động hóa hoàn toàn vào năm tới. Khi ấy, giá thành của loại bao bì ăn được sẽ cao hơn khoảng 30% so với các sản phẩm làm từ nhựa, và hoàn toàn có thể cạnh tranh được”, doanh nhân 23 tuổi lạc quan.


Evoware cũng thường xuyên làm việc trực tiếp với những người trồng rong. Trước nghịch lý là đang có đến 80% rong biển của Indonesia được chế biến ở nước ngoài, và chuỗi cung ứng xa xôi đồng nghĩa với việc người dân quốc nội chỉ được hưởng một phần rất nhỏ lợi nhuận, Christian và các cộng sự đang cố gắng “hướng dẫn họ trồng rong biển chất lượng cao, thu hoạch đúng cách và bán với giá cao gấp đôi bình thường.”


Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen nếu muốn loại bao bì và các sản phẩm làm từ nhựa sinh học trở nên phổ biến. Một tín hiệu đáng mừng là giới chính trị gia Indonesia đang chứng tỏ thiện chí muốn thúc đẩy điều này. Hồi đầu tháng 6/2019, chính phủ đã thảo luận với lãnh đạo của hai phái Hồi giáo lớn nhất nước này nhằm khuyến khích hơn 200 triệu tín đồ đi theo xu hướng mới – từ bỏ nhựa sử dụng một lần.


Tiếp đó là sự khởi xướng của hàng loạt các phong trào dân sự, như chiến dịch Bye Bye Plastic Bags (tạm biệt túi nhựa) ở Bali – một dự án do các học sinh địa phương dẫn đầu đã vươn xa và đưa rác thải nhựa trở thành vấn đề tâm điểm tại nhiều chương trình nghị sị trên khắp thế giới. Khoảng ba năm nay, cứ mỗi dịp Coral Triangle Day (Ngày Tam giác San Hô) diễn ra vào 09/06 sau Ngày Đại dương Thế giới (World Ocean Day), một cuộc thi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lại được tổ chức để khuyến khích người tiêu dùng xét lại mối quan hệ với loại nhựa dùng một lần.


Một khi đã đăng ký tham gia chiến dịch Clean Sea do Liên hiệp Quốc (UN) cổ vũ, hướng đến loại bỏ việc sản xuất và tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, các nhà lập pháp Indonesia sẽ cần phải hoàn thiện khung pháp lý (ở cả cấp quốc gia lẫn khu vực) để tạo cơ sở cho chuỗi cung ứng mới, xây dựng hệ thống quản lý rác thải hiệu quả và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, tất cả các cam kết cũng cần phải được cụ thể hóa bằng hành động và sự điều phối hiệu quả.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/blog/2018/jun/27/could-seaweed-solve-indonesias-plastic-crisis