Việc ra đời của QR code đã giúp chuyển đổi các hoạt động thanh toán từ internet banking sang mobile banking tích cực hơn đồng thời mở ra cho các doanh nghiệp bán lẻ cơ hội đưa sản phẩm dịch vụ tiếp cận với khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thanh toán bằng QR Code – Nền tảng của thanh toán điện tử

Với mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thành toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, NHNN đang triển khai lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ NH.

Một trong những điểm đáng chú ý là NHNN đã bổ sung thêm tại dự thảo Thông tư quy định về “thanh toán thẻ qua Mã phản hồi nhanh (QR Code)”. Có thể nói, các hình thức thanh toán qua điện thoại di động đang dần trở thành quen thuộc, thì việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam là rất cần thiết và quan trọng.

Theo Báo cáo thị trường Mobile Việt Nam tháng 4 năm 2017 của Appota (nhà cung cấp các nền tảng trên smartphone): "Nếu năm 2013, chỉ có 20% dân số dùng smartphone thì cho tới nay, tỷ lệ người dùng smartphone tại các thành phố chính đã tăng trưởng lên tới 84%”.

Điều này cũng mở ra cơ hội cho các nhà bán lẻ đi sâu vào các hoạt động thanh toán qua smartphone mà cụ thể là mã QR tại thị trường Việt Nam nhờ dân số trẻ, số người sử dụng điện thoại thông minh tương đối cao và có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ.

Trên thực tế, QR Code là một hình thức thanh toán điện tử bởi hầu hết ứng dụng Mobile banking của các NHTM đều có chức năng QR Pay. Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần quẹt mã QR trên điện thoại di động qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) của nơi bán hàng để xác thực thông tin và hoàn tất giao dịch. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền mà có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại.

Giải pháp thanh toán QR Pay của Vietcombank

Nhằm tối đa hóa các hoạt động thanh toán trên di động và đem đến cho khách hàng những trải nghiệm nhanh chóng và tiện lợi, thời gian qua Vietcombank đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm hợp tác thanh toán thông qua mã QR. Cụ thể, bằng cách đăng nhập vào ứng dụng VCB-Mobile B@nking, chọn QR Pay, camera điện thoại của khách hàng sẽ quét mã QR để có thể thực hiện các giao dịch như: Chuyển tiền cá nhân trong hệ thống; Thanh toán gần 150 website bán hàng online hoặc thanh toán tại hơn 600 điểm bán offline của các nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ có chấp nhận mã QR code.

Không dừng lại ở đó, Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên hợp tác với Samsung và Napas (Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam) cho ra mắt dịch vụ thanh toán thẻ qua ứng dụng Samsung Pay. Dịch vụ này cho phép chủ thẻ nội địa Vietcombank đồng thời là người dùng thiết bị Samsung đăng ký và sử dụng thẻ trên ứng dụng để thực hiện thanh toán, dịch vụ tại hầu hết các đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng POS trên toàn quốc mà không cần phải đem theo thẻ vật lý do Vietcombank phát hành.

Cũng với hình thức thanh toán như trên, ứng dụng Vietcombank – Moca không yêu cầu cụ thể về thiết bị thanh toán. Khách hàng chỉ cần tải miễn phí ứng dụng Moca từ App Store hoặc Google Play, sau đó cài đặt thông tin thẻ và tiến hành thanh toán bằng cách chụp mã QR của người bán hàng đồng thời nhập số tiền cần thanh toán là đã có thể hoàn tất giao dịch trong khoảng thời gian chỉ vài giây.

Với những ưu điểm vượt trội công nghệ mà QR Pay mang lại, phương thức thanh toán bằng mã QR chắc chắn sẽ trở thành một xu hướng thanh toán hiện đại và tiện dụng trong tương lai.

Mã QR (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản, và hiện là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở quốc gia này.