Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra công dụng mới của nấm mỡ trong việc chế tạo pin siêu bền.
|
Phần xốp của nấm mỡ là nguyên liệu lý tưởng để chế tạo cực dương của pin. Ảnh: UC-Riverside.
|
Theo UPI, pin lithium-ion (li-ion) là nguồn cung cấp điện năng hiệu quả cho bất kỳ thiết bị điện tử nào, từ điện thoại di động đến ôtô điện. Tuy nhiên, loại pin này không bền bởi cực dương sử dụng lâu ngày sẽ bị ăn mòn.
Các kỹ sư và nhà khoa học vật liệu ở trường Đại học California, Reverside, Mỹ, sử dụng nấm mỡ portabella (một chủng A.bisporus) để tạo ra loại pin mới có khả năng vượt qua mọi thử thách của thời gian.
Loại pin li-ion mới này có cực dương làm từ nấm mỡ. Nó không chỉ bền mà còn rẻ và thân thiện hơn với môi trường so với các loại cực dương khác. Hơn nữa, nấm mỡ rất dễ trồng nên việc chế tạo cực dương ở pin dễ dàng hơn rất nhiều.
Cực dương của pin hiện được làm bằng than chì. Vật liệu này không những đắt tiền mà còn tốn thời gian sản xuất và có hại cho môi trường.
Cực dương của pin vừa phải bền chắc nhưng cũng phải xốp để điện năng có thể được truyền đi và lưu trữ một cách dễ dàng.Nấm thu hút các nhà khoa học bởi chúng cực kỳ xốp.Trong các loại pin thông thường, sau một thời gian sử dụng, các điện cực bằng than chì sẽ bị ăn mòn dần. Trong khi đó, nấm mỡ chứa hàm lượng cao muối kali giúp tăng tuổi thọ của các điện cực.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cực dương làm từ nấm là giải pháp thay thế khả thi cho cực dương làm từ than chì, vì nhu cầu đối với pin li-ion ngày càng tăng, trong khi nguồn cung than chì đang giảm.
"Với những vật liệu chế tạo pin như thế này, dung lượng pin điện thoại di động tương lai càng dùng sẽ càng tăng lên, chứ không giảm đi, nhờ việc cấu trúc xốp của cực dương hấp thụ thêm vật liệu điện phân sau mỗi lần sạc điện thoại", Brennan Campbell, kỹ sư chương trình khoa học vật liệu ở Riverside phát biểu trong một cuộc họp báo. Nghiên cứu được đăng chi tiết trên tạp chí Scientific Reports hôm 29/9.
Theo Vnexpress