Trinh sát là một trong những lĩnh vực cực kỳ quan trọng giúp Mỹ xây dựng chiến lược quân sự và các kế hoạch dự phòng nhằm đảm bảo ưu thế trước mọi kẻ thù tiềm năng. Loại máy bay do thám nổi tiếng nhất của Mỹ là U-2 từng “làm mưa, làm gió” trên khắp hành tinh.
Tuy nhiên, U-2 đã có thời gian hoạt động hơn 50 năm, Không quân Mỹ cần một loại máy bay do thám mới đảm đương vai trò của U-2 với những khả năng vượt trội hơn. Tháng 3/1995, Tập đoàn Northrop Grumman nhận được hợp đồng từ Không quân Mỹ nhằm trình diễn các công nghệ phát triển một mẫu máy bay do thám không người lái (UAV) mới.
Chương trình được gọi là ACTD (Thuyết minh Ý tưởng Công nghệ Tiên tiến). Tháng 1/1997 loại UAV mới được chỉ định là RQ-4 Global Hawk. UAV cất cánh lần đầu vào 2/1998, chương trình chính thức được phê duyệt vào tháng 3/2001.
Đột phá trong thiết kế
Theo Airforce Technology, RQ-4 có kích thước lớn gấp đôi MQ-1. Máy bay có chiều dài 14,5 m, sải cánh 39,9 m, cao 4,7 m, trọng lượng rỗng 6,7 tấn, trọng lượng cất cánh 16,6 tấn. Cánh chính được thiết kế nằm phía dưới bụng máy bay. Global Hawk có hệ thống bánh đáp 3 bánh có thể thu gọn vào trong thân.
UAV này nổi bật với phần mũi khá lớn bên trong chứa một radar khẩu độ tổng hợp hoàn toàn mới. Ăng ten liên lạc vệ tinh SATCOM băng thông rộng có đường kính tới 1,2 m. RQ-4 được trang bị cảm biến trinh sát quang-hồng ngoại hiện đại, hệ thống truyền thông chiến thuật L-3, cảm biến cảnh báo radar, hệ thống mồi bẫy, hệ thống ngụy trang.
|
Trên thế giới không có loại UAV trinh sát nào có tính năng tương tự RQ-4. Ảnh: USAF. |
Để giám sát tốt hoạt động của UAV trong thời gian dài, người ta trang bị cho Global Hawk hệ thống kiểm soát nhiệm vụ độc đáo. Hệ thống gồm phần tử khởi động và thu hồi (LRE) và phần tử giám sát nhiệm vụ (MCE). Trong đó LRE được sử dụng để truyền tải dữ liệu chuyến bay, dẫn hướng quán tính và GPS, kiểm soát quá trình cất và hạ cánh, giám sát hoạt động chuyến bay. MCE được sử dụng để kiểm soát các hệ thống cảm biến của RQ-4
RQ-4 được trang bị động cơ phản lực Rolls-Royce/Allison F137-AD-100, cung cấp lực đẩy 33,8 kN. UAV này có thể bay ở độ cao 19,8 km, thời gian hoạt động liên tục 42 giờ.
Cỗ máy trinh sát vô địch
RQ-4 được trang bị các công nghệ điện tử trinh sát và do thám hiện đại nhất, biến nó thành "cỗ máy trinh sát vô địch thế giới". Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp SAR có khả năng xuyên qua các đám mây và bão cát, kết hợp với các cảm biến trinh sát quang hồng ngoại EO/IR tầm xa.
Một chiếc RQ-4 có khả năng giám sát một khu vực tới 103.600 km2 trong một ngày. RQ-4 được sử dụng như một thiết bị giám sát an ninh độ bền cao nhằm thu thập các thông tin tình báo hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới.
|
Global Hawk hạ cánh sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát. Ảnh: USAF. |
Điểm nổi bật của RQ-4 là được trang bị hệ thống giám sát và trinh sát tích hợp HISAR. Đây là phiên bản nâng cấp từ hệ thống ASARS-2 được trang bị cho máy bay do thám U-2. Hệ thống HISAR cung cấp khả năng giám sát mặt đất, mặt biển với độ phân giải cao.
Dữ liệu trinh sát được truyền đến trạm kiểm soát mặt đất trong thời gian thực thông qua kệnh liên lạc vệ tinh băng thông rộng. Hình ảnh sẽ được chuyển đến các chỉ huy các đơn vị liên quan phục vụ cho quá trình tác chiến.
Ngoài chức năng trinh sát, do thám, RQ-4 còn có khả năng hoạt động như một vệ tinh mini. Global Hawk có khả năng mở liên kết dữ liệu hai chiều với trạm kiểm soát mặt đất, cung cấp hình ảnh trinh sát và đàm thoại video thời gian thực.
Năm 2011, trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan, 2 chiếc RQ-4 đã được triển khai hoạt động nhằm cung cấp hình ảnh, đàm thoại video trực tuyến giữa nhóm tác chiến và sở chỉ huy trung tâm. Ngoài ra, Global Hawk được cho là đã phủ sóng gây nhiễu hệ thống radar trinh sát của Pakistan giúp nhóm tác chiến bí mật đột kích vào nơi trú ẩn của bin Laden.
Theo Spacewar, ngày 24/4/2001, RQ-4 lập kỷ lục hàng không khi bay liên tục trên quãng đường dài 13.480 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Chuyến bay xuất phát từ căn cứ không quân Edwards, bang California đến căn cứ Không quân Hoàng gia Edinburgh ở Nam Australia. Sách Kỷ lục Guinness thế giới đã ghi nhận đây là chuyến bay dài nhất thế giới được thực hiện bởi một UAV.