Ý tưởng về một thang máy không gian có thể chuyên chở vệ tinh, dụng cụ, và thậm chí cả phi hành gia vào vũ trụ mà không cần một động cơ tên lửa khổng lồ luôn là một giấc mơ chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng một ngày nào đó nó có thể trở thành hiện thực.

Theo BGR, cuối tháng này, một nhóm các nhà khoa học từ Nhật Bản sẽ gửi mẫu thang máy không gian đầu tiên vào quỹ đạo Trái Đất. Tất nhiên, chiếc thang máy này có một hạn chế: các cuộc thử nghiệm của Nhật Bản sẽ được tiến hành trên quy mô nhỏ mà thôi. Dù vậy, đây có thể là bước khởi đầu tiềm năng để mở cánh cửa đến một phương pháp hiệu quả hơn trong việc vận chuyển mọi thứ vào không gian.

Nếu hoạt động hoàn hảo, một chiếc thang máy không gian sẽ đóng vai trò là một con đường đi lên liên tục từ Trái đất vào không gian. Chiếc thang máy này sẽ có hai điểm neo: một điểm đặt trên Trái Đất, lý tưởng nhất là gần đường xích đạo, và điểm thứ hai nằm trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Thang máy sẽ được giữ thẳng đứng một cách hoàn hảo, hoặc ít nhất là gần như vậy để có thể hoạt động như dự tính, và nhiều loại hàng hóa khác nhau có thể được đưa lên độ cao mong muốn và sau đó thả vào quỹ đạo Trái Đất.

Hiển nhiên, với công nghệ hiện tại của loài người, chúng ta vẫn chưa đạt được đến mức độ đó, nhưng thử nghiệm trên quy mô nhỏ của Nhật Bản vẫn cực kỳ quan trọng. Thử nghiệm sẽ sử dụng một bản mẫu (prototype) có khả năng di chuyển giữa hai vệ tinh nhỏ. Các vệ tinh sẽ được nối với nhau thông qua dây cáp, và chúng sẽ cung cấp lực căng cần thiết để giữ cho dây cáp thẳng. Thang máy nhỏ này sẽ di chuyển qua lại dọc theo cáp nhằm kiểm tra tính khả thi của "chuyển động thang máy" trong môi trường không gian.

Xây dựng một thang máy không gian thực sự vẫn là một dự án đồ sộ, mà ở thời điểm này chúng ta thậm chí khó có thể hình dung được. Nó đòi hỏi một nỗ lực mang tầm quốc tế và sẽ tiêu tốn một số tiền khủng khiếp. Tuy nhiên, những lợi ích mà nó mang lại có thể rất lớn, và việc sử dụng thang máy thay vì tên lửa để chuyển đồ vật vào không gian sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ sau này.