Đây chính là mối hiểm họa lớn nhất đối với nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu – theo cảnh báo của các tên tuổi lớn trong ngành.

Hình minh họa. Nguồn: (AFP / Getty)

Hình minh họa. Nguồn: (AFP / Getty)

Những website trên thường cung cấp cho người dùng tính năng chuyển đổi video trên YouTube sang các định dạng (như đuôi mp3) và cho tải trái phép xuống máy tính hay điện thoại, và hiện đang thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng trên toàn thế giới. Theo ước tính, khoảng một phần ba số thanh niên trong độ tuổi 16 – 24 ở Anh đang sử dụng các công cụ này. Hành vi này cũng thường nhắm đến những nền tảng khác như DailyMotion, Soundcloud và Vimeo, … nhưng đa phần các video vi phạm bản quyền đều đến từ YouTube.

Cho đến nay, những biện pháp trừng phạt do đại diện của các công ty thu âm ở Anh và Mỹ áp dụng kể từ năm 2016 đã cho thấy có kết quả. Trong tuần rồi, trang cắt nhạc MP3Fiber đã bị buộc phải ngừng hoạt động do sức ép về mặt pháp lý. Tuy nhiên, còn rất nhiều website tương tự vẫn đang hoạt động. Hầu hết chúng đều có thể được tìm thấy và truy cập dễ dàng nhờ Google, với hơn 100 triệu kết quả hiện ra khi nhập từ khóa “chuyển đổi Youtube sang MP3”. Thậm chí, trên Youtube còn phát rất nhiều video hướng dẫn cách sử dụng những công cụ trên, trong đó một vài clip có thể thu hút tới hàng chục ngàn lượt xem mỗi năm.

Phần lớn những website này đều tìm cách tận dụng độ phổ biến của mình để kiếm tiền nhờ quảng cáo online, trong khi số tiền lên đến hàng triệu USD này đáng lẽ ra phải thuộc về nhà sản xuất và các bên sở hữu bản quyền. Theo nhiều nhận định, các trang web này còn gây thiệt hại nhiều hơn so với những trang torrent (vi phạm bản quyền) như The Pirate Bay. Chưa hết, không chỉ các website, nhiều ứng dụng trên nền tảng di động cũng đang cung cấp tính năng cắt nhạc tương tự, chẳng hạn Videoder – có hơn 40 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Hiệp hội thương mại công nghiệp âm nhạc Anh Quốc (British Phonographic Industry – BPI) là một trong những tổ chức đang nỗ lực loại bỏ các website trái phép dạng này trên internet, và khuyến khích người dùng sử dụng những địa chỉ stream nhạc hợp pháp. Geoff Taylor – giám đốc điều hành BPI và hệ thống giải thưởng Brit Award – cho biết, các dịch vụ của Spotify hay Apple Music sẽ gặp đe dọa lớn nếu những công cụ cắt nhạc trên không bị xử lý thích đáng. Cách xử lý tốt nhất, theo ông, đó là cần áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt chung. “Chúng tôi hy vọng những công ty quảng cáo, công cụ tìm kiếm và nhà cung cấp nền tảng dịch vụ phát nhạc sẽ có trách nhiệm xem xét trên khía cạnh đạo đức, khi hỗ trợ các website trái phép trên làm giàu bằng cách lừa gạt nhà sản xuất.”

Tuy nhiên, việc truy tìm và đóng cửa những trang web như vậy thật sự không hề dễ dàng, bởi một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quyền lợi số cho rằng họ đang cung cấp dịch vụ hợp pháp, chỉ là do người sử dụng dùng sai cách. Tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF) cho biết, việc nhận định các website trên là trang “cắt nhạc” cũng là một cách diễn đạt sai lạc so với luật bản quyền, bởi có rất nhiều video trực tuyến đã được đăng ký, cho phép tải về và chỉnh sửa miễn phí, bên cạnh sự tồn tai của vô số file audio không có bản quyền. Hơn nữa, nhiều trang web hỗ trợ việc cắt, tách file âm thanh, cũng đã được chứng minh là không vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Hoạt động cung cấp dịch vụ cắt âm thanh cho mục đích hợp pháp vẫn là hợp pháp, kể cả khi có người dụng lợi dụng chúng để vi phạm.

Điều khoản dịch vụ của Youtube cũng khẳng định, rằng người dùng bị cấm truy cập nội dung trên Youtube thông qua bên thứ ba, và cũng không được phép sao chép nội dung trên mọi nền tảng khác. Người phát ngôn của Youtube đã trích lại các điều khoản trên với The Independent, và cho biết chúng đang giúp ích cho việc ngăn chặn các vi phạm.

Nguồn: https://www.independent.co.uk/life-style/gadgets-and-tech/news/youtube-mp3-converter-download-piracy-a8505131.html