Với chiếc thìa “muối điện”, bữa ăn vẫn có vị đậm đà như thường mà chỉ cần dùng lượng muối bằng 1/3.

Sản phẩm thìa “muối điện” của Công ty Kirin (Nhật Bản). Ảnh: Reuters
Sản phẩm thìa “muối điện” của Công ty Kirin (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, chẳng hạn như bệnh thận, cao huyết áp, tim mạch, và các vấn đề dạ dày. Tuy nhiên, thói quen sử dụng nhiều muối khá phổ biến vì loại gia vị này tạo vị đậm đà cho món ăn.

Nhằm giúp mọi người có thể thưởng thức vị đậm đà theo sở thích mà không cần lo về nguy cơ mắc bệnh, công ty Kirin Holdings của Nhật Bản đã bán ra những chiếc thìa "muối điện" giúp tăng vị đậm đà của đồ ăn mà không cần thêm muối.

Chiếc thìa nặng khoảng 60 gram, được làm bằng nhựa và kim loại, chạy bằng pin lithium có thể sạc, do PGS. Hiromi Nakamura của Đại học Tokyo và GS. Homei Miyashita của Đại học Meiji đồng sáng chế.

Hai nhà nghiên cứu này đã được trao giải thưởng Ig Nobel về dinh dưỡng vào năm ngoái với sản phẩm đũa điện và ống hút làm tăng vị mặn. Đây là giải thưởng dành cho các nghiên cứu độc lạ.

Theo GS. Miyashita, mọi người cảm nhận vị mặn khi ăn do lưỡi tiếp xúc với một số ion natri (Na+). Khi cho một điện trường yếu đi qua chiếc thìa, các ion natri được tập trung nhiều hơn vào bề mặt lưỡi, từ đó làm tăng cảm giác mặn của thức ăn.

Với sản phẩm thìa “muối điện”, bữa ăn vẫn có vị đậm đà như bình thường mà chỉ cần dùng lượng muối bằng 1/3.

Theo bản dịch từ tiếng Nhật của ChatGPT về hướng dẫn sử dụng an toàn chiếc thìa "muối điện" Kirin (PDF), khách hàng không nên sử dụng sản phẩm nếu đang dùng các thiết bị y tế cấy ghép (như máy tạo nhịp tim) hoặc thiết bị đeo (như máy đo nhịp tim), bị dị ứng kim loại, có vấn đề về dây thần kinh mặt, bị rối loạn chảy máu, đang điều trị nha khoa hoặc có thai.

Kirin cũng khuyên người dùng tư vấn bác sĩ nếu họ đang bị sốt, mắc các chứng suy giảm nhận thức nghiêm trọng hoặc có khối u ác tính v.v để bảo đảm an toàn.

Công ty cho rằng công nghệ này có tầm quan trọng đặc biệt tại Nhật Bản, nơi người trưởng thành tiêu thụ trung bình khoảng 10 gram muối/ngày, cao gấp đôi so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đối với người khỏe mạnh là dưới 5 gram muối/ngày (tương đương với ít hơn 2.000 mg natri).

Chiếc thìa “muối điện” đã chính thức ra mắt ở thị trường Nhật Bản vào ngày 20/5. Công ty dự kiến bán khoảng 200 sản phẩm thông qua nền tảng trực tuyến với giá 19.800 yen (khoảng 3,2 triệu đồng/chiếc). Họ có kế hoạch mở rộng sản xuất nếu tín hiệu thị trường tích cực.

Kirin cho biết sản sẽ đưa phẩm ra thị trường nước ngoài từ năm 2025 và hy vọng thu hút được 1 triệu người dùng trên toàn cầu trong vòng 5 năm.

Kirin Holdings là một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bia và đồ uống, nhưng theo Reuters, nó cũng đang chuyển sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.



Tại Việt Nam, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1 gram muối mỗi ngày, theo số liệu từ Kết quả Điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) của Bộ Y tế năm 2021.

Ở nhiều nước, người dân tiêu thụ nhiều muối chủ yếu do họ sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc ăn thừa muối phần lớn là do thói quen cho muối, gia vị vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn và chuẩn bị gia vị chấm trong bữa ăn.

Nhiều loại thực phẩm thường dùng của người Việt chứa nhiều Natri như nước mắm, nước chấm, dưa, cà, cá khô, bim bim...


Từ năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày.

Một số biện pháp giảm muối được các bác sĩ khuyến cáo gồm: Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm trong mỗi bữa ăn; tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn; thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.v.v