Các công ty của xứ sở Mặt trời mọc đang đứng trước nhu cầu tự động hóa nguồn lao động.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không giống với mối đe dọa mà chúng ta vẫn hay nghe, theo kiểu việc làm của công nhân sẽ rơi hết vào tay máy móc. Đúng hơn, các doanh nghiệp sẽ tìm cách chế tạo robot để thay thế cho nhân công gần tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, hơn 25% dân số Nhật Bản đang ở độ tuổi trên 65, và tỷ lệ này được dự báo sẽ còn tăng lên đến 40% trong vòng 40 năm tới. Đây thực sự là tin xấu đối với các lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi sự thay thế cho nguồn nhân lực nghỉ hưu, đặc biệt trong ngành xây dựng – nơi hoạt động tự động hóa chưa thực sự diễn ra quá nhanh.
Vì vậy, một số công ty của Nhật đã và đang phát triển các thế hệ robot mới để hỗ trợ công việc xây dựng tại những công trường như nhà cao tầng. Dù nhiều robot đã được chế tạo, song hoạt động triển khai còn ít. Chẳng hạn, sắp tới Tập đoàn Shimizu sẽ đưa vào thử nghiệm các robot hàn, băng tải và công cụ nâng đa năng đời mới.
Để tiến xa trong lĩnh vực này quả thật không dễ chút nào, và các robot cũng còn lâu mới trở nên hoàn hảo – nhận định của Bloomberg Technology. Một trong những trở ngại lớn nhất, đó là: công việc xây dựng đòi hỏi lao động, kể cả người lẫn robot, thực sự phải di chuyển khắp mọi nơi. Và mặc dù đã có nhiều cải tiến trong lĩnh vực máy tự động, nhưng các kỹ sư hoàn toàn vẫn chưa có cách để giúp một con robot có thể thực hiện công việc xây dựng cơ bản, trong khi nó đã có thể di chuyển trên công trường nếu cần.
Tuy vậy, ngành xây dựng của Nhật Bản đang rất cần những con robot như vậy, thậm chí ngay bây giờ. Thường thì khi một lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa, nhân công sẽ bị thay thế. Nhưng hiện nay đối với ngành xây dựng Nhật Bản, chính nguồn nhân lực đang để lại khoảng trống, trong khi những công nghệ cần thiết để lấp đầy vẫn chưa thực sự sẵn sàng.
Nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ khả năng của robot để đảm nhận một số nhiệm vụ như hàn, vận chuyển và xây dựng cơ bản tại các công trình như nhà cao tầng. Tuy nhiên, ngay cả khi những vấn đề này được giải quyết, robot cũng sẽ chỉ chiếm khoảng 1% tổng số lao động của các dự án, nhờ dựa trên công nghệ hiện đại.
Các robot xây dựng, bao gồm robot lắp ráp (làm việc trong nhà máy) cũng như các phương tiện tự điều khiển, điều hướng như xe nâng hàng, chủ yếu sẽ hoạt động vào ban đêm và ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vì công nghệ này là quá mới mẻ, cho nên nhân công sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi không cần phải làm việc chung với robot trong cùng một không gian, vì lý do an toàn. Đây cũng là điều kiện bắt buộc đối với các phương tiện tự động hóa trên công trường xây dựng.
Cuộc cách mạng robot hãy còn ở rất xa, nhưng vì lợi ích tương lai của ngành xây dựng Nhật Bản, có lẽ chúng ta nên kỳ vọng nó sẽ đến sớm hơn một chút.