Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng hệ thống tự tính tiền hiện đại tại tất cả cửa hàng thuộc 5 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn khắp nước - nơi bán ra 100 tỉ mặt hàng mỗi năm - trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ hợp tác với các chuỗi cửa hàng 7-Eleven, FamilyMart, Lawson, Ministop và Newdays để lắp đặt thiết bị có thể lập tức tính tiền mọi hàng hóa trong rổ hàng thông qua con chip gắn trên sản phẩm.

Theo kế hoạch, các chuỗi cửa hàng tiện lợi này sẽ giới thiệu hệ thống trên vào năm tới ở các thành phố lớn và đến năm 2025 áp dụng khắp nước Nhật. Họ sẽ sử dụng cùng loại thẻ RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến), từ đó giảm gánh nặng cho các nhà cung cấp sản phẩm. Một bước đi như thế đòi hỏi khoản đầu tư khoảng 50-100 tỉ yen (1.020-2.040 tỉ đồng) bởi mỗi cỗ máy quét chip hiện có giá khoảng 1-2 triệu yen.

Thẻ RFID nói trên chỉ dày 1 mm, chứa thông tin về thời gian và địa điểm sản xuất, cũng như hạn sử dụng. Thông tin đó có thể được xem từ xa, cho phép nhà sản xuất kiểm tra tình trạng bán hàng để điều chỉnh năng suất và kế hoạch bán hàng. Thêm vào đó, nhà sản xuất có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sản phẩm mình tại các cửa hàng, từ đó giảm thiểu tình trạng trả lại hàng thừa và giảm tải cho các công ty logistics. Công nghệ mới còn cho phép người tiêu dùng truy cập thông tin sản phẩm trên mạng.

Với hệ thống tự tính tiền mới, việc quét mã vạch từng món hàng không còn cần thiết tại cửa hàng tiện lợi ở NhậtẢnh: NIKKEI
Với hệ thống tự tính tiền mới, việc quét mã vạch từng món hàng không còn cần thiết tại cửa hàng tiện lợi ở NhậtẢnh: NIKKEI.

Loại thẻ RFID hiện được các nhà bán lẻ sử dụng rộng rãi trong các thiết bị chống ăn trộm. Biến thẻ RFID thành loại thẻ ghi giá tiền sẽ giúp khách hàng không phải quét từng món hàng tại quầy tự tính tiền như hiện nay. Chính phủ Nhật hy vọng công nghệ mới sẽ được sử dụng phổ biến ở các khu vực bán lẻ khác, như siêu thị và cửa hàng dược phẩm. Theo hãng tin Kyodo, hiện không có nhà bán lẻ hàng gia dụng nào trên thế giới đưa vào sử dụng trọn vẹn công nghệ này.

Đối với những sản phẩm có giá dưới 100 yen, hệ thống mới được đánh giá là khá tốn kém đối với các chuỗi cửa hàng tiện lợi khi mỗi con chip có giá 10-20 yen. Trong nỗ lực giảm chi phí, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đặt mục tiêu giúp các hãng chip phát triển công nghệ để sản xuất đại trà loại chip này. Ngoài ra, các cửa hàng tiện ích đang tìm cách phát triển thế hệ máy tự tính tiền mới. Chẳng hạn như Lawson đang cùng với Panasonic thử nghiệm loại robot biết tính giá sản phẩm. Chưa hết, 5 chuỗi cửa hàng trên cũng đang xem xét mở các cửa hàng vận hành hoàn toàn tự động, không có nhân viên con người.

Những bước đi nói trên ban đầu có thể tác động ít nhiều đến kết quả kinh doanh của các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Chẳng hạn, Lawson dự kiến đối mặt sự sụt giảm lợi nhuận thường niên lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, một phần đến từ nỗ lực đầu tư vào các công nghệ giúp thay thế sức lao động của con người.