Các nhà khoa học Úc vừa tạo ra một nền tảng trị liệu phục hồi chức năng kỹ thuật số thông qua một thiết bị màn hình cảm ứng (EDNA) giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ hoặc chấn thương sọ não.
Theo một thử nghiệm, liệu pháp này giúp cải thiện tình trạng bệnh nhân nhanh gấp hai đến ba lần so với những người chỉ điều trị thông thường.
Ảnh minh họa. © RMIT University
Đây là công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT). Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, GS dự bị (Associate Professor) Jonathan Duckworth cho biết hình thức phục hồi chức năng kỹ thuật số nhằm duy trì sự tham gia của bệnh nhân, cải thiện sự tuân thủ của họ đối với quá trình trị liệu.
Đột quỵ là một trong những dạng chấn thương não phổ biến nhất. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của chấn thương, ảnh hưởng đến não và khu vực cụ thể bị tổn thương, bệnh nhân có thể vẫn ở trạng thái tương đối khỏe mạnh hoặc mất khả năng nói hoặc di chuyển. Việc đưa những bệnh nhân như vậy trở lại cuộc sống bình thường là rất quan trọng. Theo các nhà khoa học, EDNA cho phép bệnh nhân có thể thực hiện trị liệu mà không cảm thấy giống như đang bị điều trị.
EDNA thiết kế một loạt các trò chơi trị liệu bao gồm các công cụ hữu hình và có thể nắm bắt được với phản hồi tăng cường, thúc đẩy sự linh hoạt của não để lấy lại khả năng vận động, nhận thức và chức năng. Thiết bị này là một màn hình cảm ứng với một bộ thao tác, bệnh nhân có thể chơi các trò chơi với mức độ khó khác nhau, giúp khôi phục khả năng vận động của chi và khôi phục các kết nối thần kinh trong não. Dữ liệu của hệ thống được lưu trữ “đám mây” để bác sĩ có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào và thay đổi hoặc bổ sung các bài tập.
Theo Jonathan Duckworth, nhà phát triển EDNA của RMIT, “Nền tảng EDNA không chỉ là một bộ trò chơi, nó là một thiết bị độc đáo cung cấp phản hồi tuyệt vời, bệnh nhân và thiết bị cảm nhận lẫn nhau, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ, gia tăng mức độ phức tạp các bài tập”.
Peter Wilson, đồng tác giả của phát minh, lưu ý rằng EDNA hiện đang được thử nghiệm lâm sàng tại một bệnh viện ở Sydney. Ngoài trạm thiết bị cố định, các bác sĩ cũng thử nghiệm phiên bản lưu động cho phép bệnh nhân tiếp tục điều trị tại nhà. Việc phục hồi chức năng tại nhà có tiềm năng rất cao vì nó cho phép bệnh nhân duy trì hoạt động trị liệu giữa các buổi phục hồi trong bệnh viện, có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Nguồn: https://www.rmit.edu.au/news/all-news/2019/dec/new-software-for-stroke-rehab
Phạm Nhật theo rmit.edu